Khánh Hòa: Phẫu thuật “rối loạn phát triển sụn tăng trưởng đầu dưới xương đùi 2 bên” cho bệnh nhi
Bệnh nhân nhi được phẫu thuật tại BVĐK tỉnh Khánh Hòa.
Theo lãnh đạo Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng (CTCH-B), Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Ngày 29/6/2019 trong chương trình chuyển giao kỹ thuật, BS chuyên gia Phan Văn Tiếp cùng BS CK1. Hoàng Trung Thông và BS Nguyễn Xuân Sỹ của khoa CTCH-B đã phẫu thuật điều trị thành công cho bệnh nhân nhi 11 tuổi. Trước khi mổ, bệnh nhân được chẩn đoán: “Rối loạn phát triển sụn tăng trưởng đầu dưới xương đùi 2 bên”. Sau 60 phút phẫu thuật, kết hợp với phương tiện màn hình tăng sáng (C-ARM), các phẫu thuật viên đã dùng đinh Kirchner tiến hành hàn sụn tiếp hợp ở đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày vào vị trí cố định tốt. BS CK2. Phạm Đình Thành cho biết: Sụn tiếp hợp là sụn tăng trưởng nằm giữa đầu xương và đầu thân xương dài, chịu trách nhiệm về phát triển chiều dài của xương. Sụn tiếp hợp thông thường sẽ vôi hóa dần trong khoảng thời gian từ lúc sơ sinh đến 18 tuổi. Khuyết tật hoặc tổn thương ở sụn tiếp hợp không được phát hiện lúc chấn thương, điều trị không đúng phương pháp và BS không chuyên khoa sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, gây ra nhiều triệu chứng, biến chứng và dị tật. Rối loạn phát triển sụn tăng trưởng do chấn thương dễ làm biến dạng, chênh lệch chiều dài chi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, ảnh hưởng đến ngoại hình sẽ tạo sự tự ti mặc cảm và hạn chế khi con em trưởng thành bước vào công việc xã hội.
Được biết, hiện nay chuyên ngành CTCH nói chung và khoa CTCH-Bỏng của BVĐK tỉnh Khánh Hòa đã có thể khám và điều trị khi bệnh nhân mới bị chấn thương hoặc xử trí sự ngưng tăng trưởng của sụn tiếp hợp. Theo lời khuyên của BS: Phụ huynh nên quan tâm và sâu sát khi con em bị chấn thương vùng đầu gối, mắt cá…. để được phát hiện kịp thời và đưa trẻ đến khám, điều trị tại cơ sở y tế có chuyên khoa, đúng phương pháp, tránh được các biến chứng.
Trang Anh