Không khí trong lành hơn do dịch Covid-19
Những hình ảnh về bầu trời trong xanh ở New Delhi đã bắt đầu thu hút nhiều bàn tán trên mạng xã hội từ tuần qua, kèm theo đó là những bình luận chia sẻ cảm giác bất ngờ. Nhiều người không tin được vào mắt mình khi kiểm tra chất lượng không khí của thủ đô Ấn Độ. Không còn những cảnh báo đỏ về mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nguy hại đến sức khỏe con người. Thay vào đó là chỉ số chất lượng không khí màu xanh lá, một điều đã trở nên lạ lẫm với người dân New Delhi.
Ấn Độ bắt đầu phong tỏa toàn quốc gần 2 tuần trước. Biện pháp nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm của dịch Covid-19. Với dân số cả nước lên đến 1,3 tỷ dân, lệnh phong tỏa tại Ấn Độ cũng có quy mô lớn nhất trên toàn thế giới.
Những biện pháp hạn chế đi lại và tập trung đông người dẫn đến nhiều hỗn loạn và tác động tiêu cực đến đời sống xã hội Ấn Độ. Quốc gia Nam Á có gần 300 triệu người sống ở mức nghèo đói. Tuy nhiên, tại New Delhi, thủ đô và cũng là thành phố có mức ô nhiễm nghiêm trọng nhất cả nước, phong tỏa cũng có mặt tích cực khi không khí trong lành đã quay trở lại sau nhiều thập kỷ.
Nhiều siêu đô thị khác trên khắp thế giới cũng ghi nhận hiện tượng tương tự sau khi tiến hành các biện pháp hạn chế hoạt động kinh tế và xã hội để chống dịch, từ Bangkok, Bắc Kinh, đến Sao Paulo hay Bogota.
Tại khu vực Delhi, chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường nằm ở mức báo động hơn 200. Chỉ cần con số này cao hơn 25 đã là nguy hiểm cho sức khỏe, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong giai đoạn ô nhiễm môi trường đạt đỉnh vào năm 2019, AQI có lúc còn nhảy vọt lên 900 hoặc vượt khỏi thang đo thông thường, đe dọa tính mạng con người.
Khi lệnh phong tỏa bắt đầu, gần 11 triệu ôtô của thành phố phải "cách ly" với đường phố. Nhà xưởng và công trình xây dựng tạm ngưng hoạt động. Chỉ số AQI nhờ vậy đã thấp hơn mức 20 những ngày qua. Bầu trời bất ngờ trong xanh trở lại.
Không chỉ thủ đô Ấn Độ được tận hưởng trời xanh và không khí sạch hiếm thấy trong nhiều năm. Tại Jalandhar, tỉnh Punjab, chỉ số ô nhiễm cũng ở mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua. Người dân thành phố thức dậy và bất ngờ khi thấy được dãy núi Dhauladhar ở Himachal Pradesh trong tầm mắt nhờ trời trong xanh đến khó tin. Họ đã không thể nhìn thấy dãy núi này phía chân trời gần 30 năm qua, khi mây mù và khí thải che hết mọi cảnh vật.
Ôtô vắng bóng trên đường phố dường như là yếu tố quyết định tạo nên sự thay đổi về chất lượng không khí ở một số thành thị đông đúc nhất thế giới. Bangkok, thủ đô Thái Lan, cũng ghi nhận sự "lột xác" về mức độ ô nhiễm kể từ khi siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại. Tara Buakamsri, giám đốc tổ chức Hòa bình xanh tại Thái Lan, chia sẻ có "sự khác biệt lớn về chất lượng không khí" so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Sao Paulo, thành phố đông dân nhất Nam Mỹ và cũng là "điểm số 0" của bùng phát dịch Covid-19 ở Brazil, những hàng xe ùn tắt và đường chân trời bị che mù bởi khí thải giờ đây nhường chỗ cho bầu trời trong xanh và đường phố vắng vẻ.
Thông thường, vào giờ cao điểm, cao tốc Jao Goulart, được xây cao ở trung tâm Sao Paulo, chật kín với hàng nghìn ôtô di chuyển từng chút một trên 4 làn đường. Kẹt xe ở đây khét tiếng đến mức con đường được đặt biệt danh là Minhocao, nghĩa là "Con sâu lớn". Với lệnh phong tỏa có hiệu lực, mật độ xe cộ qua lại trên Jao Goulart hiện chỉ tương đương một thị trấn nhỏ.
Ô nhiễm không khí vì giao thông cũng là một điều quen thuộc ở Bogota, thủ đô nằm trên đỉnh núi tại Colombia, trong nhiều năm qua. Mọi thứ thay đổi khi nước này ban bố lệnh cách ly toàn quốc từ ngày 24/3 để ứng phó Covid-19. Người dân có cơ hội hiếm thấy để tận hưởng không khí sạch. "Đám mây ô nhiễm thường lởn vởn trên đầu chúng tôi giờ đã biến mất. Điều lo ngại là chúng có thể tái xuất sau khi lệnh cách ly kết thúc", Christian Camilo Villa, nhà hoạt động môi trường ở Colombia, cảnh báo.
Đây là mối lo chung của nhiều nhà hoạt động môi trường. Thay vì nỗ lực duy trì mức ô nhiễm thấp như hiện nay, một khi phong tỏa kết thúc, xe cộ và các ngành công nghiệp sẽ hoạt động lại như cũ. Tình hình ô nhiễm thậm chí có khả năng còn trầm trọng hơn, khi mọi người tìm cách bù đắp năng suất cho những tháng đã mất.
Có một thực tế là sau khi khống chế thành công dịch bệnh và nới lỏng các biện pháp hạn chế, chỉ số NO2 trong không khí tại Trung Quốc đã bắt đầu tăng trở lại. "Câu hỏi lớn đặt ra là liệu các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ sẽ khiến mức độ ô nhiễm nhảy vọt và cao hơn cả mức ô nhiễm trước khủng hoảng, như những gì đã diễn ra sau khủng hoảng tài chính năm 2008", Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Khí sạch, chia sẻ.
Linh Đức