Hà Nội và Hưng Yên… quyết tâm xử lý tình trạng ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Hưng Yên dịp cuối năm là quy luật theo mùa nhưng cũng cần những giải pháp mang tính bền vững
Tại Hội nghị tổng kết ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội năm 2024 - triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra ngày 9/1, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh trong những ngày qua, chất lượng môi trường và không khí ở thành phố ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải có giải pháp mạnh, nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, nghị quyết về vùng phát thải thấp, đã được HĐND thành phố thông qua, do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp với các ngành và địa phương liên quan sớm triển khai thực hiện.
Theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều nguyên nhân tác động đến chất lượng không khí nhưng đặc biệt do Hà Nội có tới trên 40% dân số đô thị, 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7,8 triệu phương tiện các loại (chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông).
Mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng dầu, cùng tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp, rác thải tự phát. Biến đổi Khí hậu hay việc quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân... đang là thách thức lớn với sự phát triển đô thị văn minh. Dù Hà Nội bước đầu kiểm kê được nguồn phát thải, nhưng việc chậm triển khai các giải pháp xử lý dẫn đến mức độ ô nhiễm không thuyên giảm mà luôn ở mức tăng cao.
Ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có tính quy luật theo mùa. |
Ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có tính quy luật theo mùa (từ khoảng tháng 10 - 11 của năm trước, kéo dài tới tháng 4 năm sau) và tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông và tập trung nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày, mức độ ô nhiễm cũng dao động, tập trung trong khoảng 06h - 08h00 sáng và 17h00 - 19h00 hằng ngày.
Đáng chú ý, ông Hoàng Văn Thức cũng thông tin ô nhiễm không khí thường ghi nhận vào thời điểm trước và sau các đợt không khí lạnh tràn về và gia tăng đột biến vào đêm và sáng sớm. Nguyên nhân là bởi vào mùa đông ở miền Bắc, các điều kiện khí tượng bất lợi như lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt nên bụi mịn không khuếch tán được, gây ra ô nhiễm chất lượng môi trường không khí cho khu vực.
Tiến sỹ Hoàng Văn Thức – Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có tính quy luật theo mùa. |
Trong khi đó tại Hưng Yên, hai trạm quan trắc không khí tự động được lắp đặt tại thành phố Hưng Yên và huyện Văn Lâm từ năm 2018 đã giúp các cơ quan chuyên môn kịp thời đánh giá chất lượng không khí và mức độ ô nhiễm, đưa ra cảnh báo và biện pháp khắc phục khi cần thiết. Ông Lê Đức Lành - Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên) cho biết: “Số liệu quan trắc tự động tại trạm ở thành phố Hưng Yên trong quý 3 năm 2024 cho thấy một số thông số ô nhiễm vẫn vượt quy chuẩn, nhưng với tần suất thấp. Mặc dù chất lượng không khí nói chung vẫn ở mức an toàn cho sức khỏe tuy nhiên, vào các thời điểm nhất định và tại các khu vực đông phương tiện giao thông hoặc có hoạt động xây dựng, khói bụi và các chỉ số ô nhiễm có xu hướng tăng cao”.
Ông Lê Đức Lành cũng nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường không khí không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành, mà còn cần sự chung tay của cộng đồng. Những thói quen đơn giản nhưng hiệu quả trong việc giảm ô nhiễm không khí như không đốt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, trồng cây xanh, và xử lý khí thải công nghiệp đúng quy định đều góp phần bảo vệ môi trường sống.
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng
Trong thời gian qua, Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc cũng như TP HCM đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Dự báo, trong thời gian tới, mức độ ô nhiễm sẽ giảm nhưng vẫn tiếp diễn. Bộ Y tế cũng đã phát đi cảnh báo về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe.
Theo TS Hoàng Dương Tùng - Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho biết, Hà Nội và các địa phương ở miền Bắc đang trong "mùa ô nhiễm không khí" nghiêm trọng nhất năm, thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm. Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội nhiều năm qua, bởi các nguyên nhân như giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh...
Bảo vệ môi trường không phải là việc của riêng cơ quan chức năng nào mà thuộc về cả cộng đồng để bảo vệ tương lai cho chính bản thân và gia đình. |
Theo chuyên gia Công Tâm nhận định, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng không chỉ tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận không phải là chuyện mới mà đã diễn ra trong thời gian dài tại nhiều khu vực trên cả nước. Cụ thể, các nhà khoa học của Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO), Trường Đại học Công nghệ - (ĐH Quốc gia Hà Nội) vào năm 2021 đã công bố báo cáo “Chất lượng không khí - Tiếp cận đa nguồn trong giám sát bụi PM2,5”. Sử dụng ảnh vệ tinh kết hợp mạng lưới quan trắc mặt đất, các nhà khoa học đã cung cấp hiện trạng chất lượng không khí trên toàn quốc năm 2019. Kết quả sơ bộ cho thấy, 18/63 tỉnh, thành phố trên cả nước có nồng độ bụi PM2,5 vượt QCVN 05/2013. Trong đó, 14/18 địa phương thuộc miền Bắc, 2 thuộc miền Trung (Hà Tĩnh, Nghệ An), 2 thuộc miền Nam (TPHCM, Bình Dương).
PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lý giải nguyên nhân không khí Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có chỉ số ô nhiễm cao là do đang ở trong mùa Đông, lượng nhiệt mặt đất nhận được từ mặt trời rất ít, vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh đi nhanh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp không khí dưới đất lạnh hơn không khí bên trên, đây là hiện tượng phân tầng ổn định, nó làm cho không khí nặng hơn không thể chuyển động lên phía trên. Tất cả các nguồn thải từ ô tô, xe máy và các nguồn ô nhiễm khác bị lưu giữ ở gần mặt đất.
Là địa phương luôn chú trọng đặc biệt về môi trường và chất lượng không gian sống nên từ năm 2022 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý các điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời chủ động nắm bắt thông tin, phát hiện, ngăn chặn và nhanh chóng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xả chất thải nhất là xả thải nước thải chưa qua xử lý, xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.
Riêng thống kê từ 2022 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên đã thanh tra, kiểm tra và đã xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 328 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 19,2 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Đức Lành - Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên) khẳng định, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; kiên quyết tạm dừng, chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Dù Luật Bảo vệ môi trường đã hiệu lực từ 2020, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đã được các cấp, ngành, địa phương từ Trung ương tới địa phương quan tâm và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường nhưng các cơ sở kinh doanh, người dân vẫn cần nâng cao ý thức, góp sức ngăn chặn ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bên cạnh các biện pháp kỹ thuật từ cơ quan chức năng.
Bởi bảo vệ không khí và môi trường không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà mỗi người dân cũng có vai trò quan trọng trong việc chung tay xây dựng môi trường sống trong lành, an toàn hơn.