Lật tẩy mánh khóe lừa đảo bán tiền giả trên mạng xã hội
SK&MT - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội có rất nhiều... đối tượng rao bán tiền giả. Thực chất chỉ là hành vi lừa đảo người nhẹ dạ, cả tin chuyển khoản hoặc mã số thẻ cào cho họ. Sau khi “con mồi” chuyển khoản thì các đối tượng này sẽ biến mất.
Chỉ cần gõ từ khóa “tiền giả”, “mua bán tiền giả”… trên dòng tìm kiếm của facebook sẽ hiện hàng loạt kết quả rao bán: “Mua bán tiền giả toàn quốc. Loại tiền giả chỉ có máy soi phát hiện, mắt thường không thể thấy được. Bao gồm các loại mệnh giá 50.000, 100.000, 200.000, 500.000”. Theo những tiết lộ của những kẻ này, loại tiền mệnh giá 50.000 được sản xuất rất ít vì giá trị thấp, số lượng nhiều, tốn thời gian và nguyên liệu.
Một dân buôn tiền giả trên mạng chia sẻ cách tiêu loại tiền này: Nên sử dụng tại các quán ăn, quán nhậu, quán bar – vũ trường, quầy massage. Giá mua tiền giả có thể gấp mười lần, thậm chí 20 lần.
Tiền giả rao bán nhan nhản trên mạng xã hội.
Một dân buôn tiền giả trên mạng facebook cho biết, có thể dùng tiền giả bằng cách tiêu sài ở mấy tiệm tạp hóa, cây xăng, quán ăn, siêu thị… Tuyệt đối không đem tiền giả vào ngân hàng và nơi có máy soi.
Các đối tượng lừa đảo cho biết hình thức mua bán, không ai mua bán tiền giả mà đi giao dịch trực tiếp khi chưa gửi tiền trước cho người bán để lấy uy tín. Các bạn lưu ý rõ điều này vì khả năng khi gặp nhau giao dịch thì sẽ là công an, cướp hoặc uy hiếp để lấy hàng. Không mua bán theo hình thức cod (hình thức giao hàng và nhận tiền của dịch vụ chuyển phát) vì lý do khi chuyển phát hàng thu hộ bên bưu điện sẽ kiểm tra hàng hóa là gì, số lượng bao nhiêu… để khi có vấn đề gì thì họ sẽ bảo hiểm. Do đó hình thứ này sẽ không ổn đối với mặt hàng tiền giả.
Tiền giả được giao bán giống tiền thật đến 98%
Theo tìm hiểu, tất cả các số điện thoại của những trang này đều trong tình trạng “thuê bao”. Trong đó có nhiều số, khi đã thực hiện xong một phi vụ lừa đảo sẽ biến mất. Thi thoảng chúng mới vào tài khoản cũ để tìm con mồi để lại số điện thoại, đồng thời xóa comment không có lợi cho chúng. Thậm chí chúng còn để lại số điện thoại mới để dụ dỗ con mồi. Và, những số điện thoại mà đối tượng để lại trên dòng comment vẫn nằm trong trạng thái “thuê bao”.
Cuộc đối thoại với kẻ lừa đảo
Chúng tôi liên hệ với số điện thoại 0988746961 nhưng thấy báo “thuê bao”. Đồng thời tôi nhận được tin nhắn: “Xin lỗi tôi đang bận, có gì tôi gọi lại bạn sau”. Khoảng 5 phút sau, số máy này đã tự liên hệ lại với tôi. Sau khi biết tôi có nhu cầu mua tiền giả, đối tượng này nói sẽ liên hệ với tôi bằng các số khác nhau. Sau đó, người này gọi lại cho tôi bằng 09895xx798. Người này cho hay chỉ cần chuyển mã số thẻ cào và số seri, anh ta sẽ cho nhân viên ship tiền tận nơi, người mua sẽ nhận được hàng sau 2 tiếng. Theo đó, tỷ lệ quy đổi là x5 (1 triệu tiền thật mua được 5 triệu tiền giả). “Tỷ lệ quy đổi áp dụng với tất cả các mệnh giá. Tuy nhiên, loại tiền mệnh giá 50.000 đồng thì rất ít. Người ta toàn mua tiền 200.000 và 500.000”, người này nói.
Các đối tượng gạ gẫm người mua rằng 2 đồng tiền thật sẽ mua được 20 đồng tiền giả
Đối tượng còn chỉ rõ cách tiêu tiền giả
Chúng tôi dò hòi địa chỉ và muốn gặp trực tiếp, người này tìm đủ lý do để khước từ: “Đây là mặt hàng nhạy cảm. Mình không muốn gặp vì sợ hình sự hoặc cướp. Mình đã bị mấy lần rồi. Bạn cứ yên tâm, mình làm ăn lâu dài, mình có nhiều trang facebook nữa. Nhiều người còn chuyển cả tỷ đồng để mua hàng cơ, chứ mấy triệu đồng nhằm nhò gì”, người này nói.
Các đối tượng lừa đảo còn tạo ra đủ những lý do đặc biệt để câu con mồi như: lô tiền giả này vừa mới bị công an bắt. Nhờ mối quan hệ mới lấy được số tiền đó. Tuy nhiên, người mua chỉ được thanh toán trước cho ngân hàng hoặc chuyển khoản tiền thanh toán qua thẻ điện thoại, kiểm tra mã seri để shop tự chuyển vào ngân hàng.
Theo một lãnh đạo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, việc rao bán tiền giả qua mạng xã hội là một số đối tượng lừa đảo những người hám lợi chuyển tiền đặt cho chúng, thực chất rất ít những giao dịch được diễn ra.
Có thể bị truy tố theo luật hình sự
Thực chất đã có rất nhiều trường hợp mua bán tiền giả bị phát giác và xử lý nghiêm minh. Đơn cử, ngày 13/4/2017, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã bắt quả tang Phùng Quang Tuyến (SN 1986, trú tại Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), đem 60 triệu tiền thật, qua Trung Quốc mua 340 triệu tiền giả, mệnh giá 200.000 đồng, đem về tiêu thụ.
Luật gia Vũ Anh Tuấn (Lighthouse LAW Co.,ltd) cho biết, hành vi công khai rao bán tiền giả trên mạng có dấu hiệu vi phạm điều 180 BLHS về: Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý tịch tài sản hoặc bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, có thể bị phạt tù chung thân, thậm chí tử hình.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các mạng xã hội như facebook, zalo, thậm chí youtube vẫn công khai rao bán tiền giả. Mặc dù rất ít giao dịch được diễn ra, nhưng vẫn nhiều hám lợi, nhẹ dạ và cả tin, tiếp tục chuyển tiền cho các đối tượng này.
Thế Hoàng