Long Biên (Hà Nội): Quy hoạch đồng bộ hay “nở rộ” vi phạm lĩnh vực đất đai, xây dựng tại phường Ngọc Thụy
SK&MT) - Thực hiện chuyên đề: Xây dựng quy hoạch đô thị gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân” khảo sát tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Thực trạng, bao chiếm đất nông nghiệp, bãi giữ sông Hồng, xây dựng các công trình nhà ở, nhà hàng, mô hình kinh doanh “nở rộ” bỏ qua những chỉ đạo từ UBND TP Hà Nội....
Thanh, kiểm tra lĩnh vực đất đai tại Ngọc Thụy, Long Biên là cần thiết...
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 289/KH-UBND về kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, kinh doanh dịch vụ văn hóa tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại 11 quận, huyện gồm: Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa.
Được biết, nội dung này sẽ được kiểm tra tại UBND phường, xã, thị trấn thuộc các quận, huyện, thị xã nêu trên. Thời gian kiểm tra trong quý I và II/2023. Thời kỳ kiểm tra lĩnh vực đất đai, tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2022. Lĩnh vực văn hóa, tính từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/9/2022.
Thông qua kiểm tra, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội sẽ xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai và kinh doanh dịch vụ văn hóa tại địa bàn một số đơn vị sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.
Mô hình kinh doanh nằm ngay trên hành lang đê điều tại khu phố Bắc Cầu phường Ngọc Thụy, Long Biên được xây dựng nhiều hạng mực công trình. Ảnh – SK&MT
Đây không phải là lần đầu tiên UBND Hà Nội ban hành các kế hoạch về kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố. Được biết, quản lý TTXD là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà thành phố Hà Nội tập trung giải quyết. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Thành ủy Hà Nội mới đây ban hành Chỉ thị 03 về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
...Khi tài nguyên đất đai bị “xà xẻo” mua bán công khai
Thực hiện chuyên đề: Xây dựng quy hoạch đô thị gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân” nhằm nâng cao chất lượng đời sống, tiến tới phát triển bền vững theo đúng chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã có nhiều ngày khảo sát và ghi nhận thực tế trong lĩnh vực đất đai tại quận Long Biên.
Cụ thể: Ngày 31/10/2022, ghi nhận trên địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội, thực trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, mua bán đất nông nghiệp trái pháp luật... diễn ra nhộn nhịp.
Bên cạnh tình trạng rao bán đất nông nghiệp, hiện tượng xây dựng trên đất nông nghiệp cũng xuất hiện "nhan nhản" tại phường Ngọc Thuỵ, cụ thể tại các ngõ 266 Bắc Cầu, ngách 296/16 Bắc Cầu, ngõ 354 Bắc Cầu, ngõ 402 Bắc Cầu, ngõ 421 Bắc Cầu, ngõ 149 Bắc Cầu... đều xuất hiện các công trình kiên cố, xây dựng dạng nhà ở cấp 4, nhà 2 tầng được xây dựng trên khu vực đất ven sông Hồng.
Các hạng mực công trình xây dựng trên phố Bắc Cầu đang diễn ra hàng ngày
Được biết, tháng 4/2022, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và quy hoạch phân khu sông Đuống, tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng). Phân khu đô thị sông Hồng đi qua địa bàn quận Long Biên có diện tích khoảng hơn 1.800 ha (tính cả mặt nước sông Hồng). Phân khu thuộc địa bàn các phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn và Cự Khối với khoảng 9,2 km đê Tả Hồng.
Tuy nhiên, trước đó và ngay cả bây giờ việc mua bán đất nông nghiệp trên địa bàn phường Ngọc Thụy tại khu vực phố Bắc Cầu, bãi giữa sông Hồng (giáp ranh với phường Yên Phụ, phường Tứ Liên, Tây Hồ) được thực hiện công khai.
Ngày 21/11/2022, tiếp tục ghi nhận thực tế tại phường Ngọc Thụy, PV theo chân “cò đất” được đưa đến khu vực ngõ 113 phố Bắc Cầu, và khu vực bãi giữa sông Hồng. Tại đây “cò đất” liên hệ với chủ đất cho PV để được vào khu đất nông nghiệp ven sông đã được dựng rào thép, quây tôn, khóa cửa cẩn thận. Sau khi liên hệ với chủ đất, PV được vào “mục sở thị” hàng loạt công trình nhà ở, những lô đất vuông vắn được chia lô với diện tích từ 1000 -2000m2 với giá 3 tỷ - 4 tỷ đồng.
Tên đường, khu dân cư hình thành ngay trên khu vực bãi giữ Sông Hồng. Ảnh SK&MT – cắt từ video
Từ ngõ 76 An Dương, PV đi qua còn đường ngoằn nghèo, cỏ cây, rác thải chất đống, bụi bặm mới có thể vào được khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa phận phường Ngọc Thụy. Bất ngờ, tại đây các con đường bê tông được trải sạch đẹp, các khu resort, nhà hàng, nhà ở, homestay được mở ra kinh doanh nhộn nhịp. Các con đường có tên như đường Độc lập, đường Tự do, được cắm biển chỉ dẫn vào từng khu vực, đèn đường cũng được các chủ đất dựng lên để sử dụng.
Chủ đất không ngần ngại cho biết đối với việc xây dựng phải nghe theo sự chỉ đạo của họ. Lý do được chủ đất hé lộ “ở đây là đất bãi xây dựng phải có mối quan hệ với phường. Anh chị xây phải từ từ mỗi ngày một ít.... Khu dất bãi làm công trình nhỏ chỉ 30 triệu (30 triệu đồng - PV) là xong thôi...” “Ở đây phường cũng tạo điều kiện, có kiểm tra mình chỉ cần thuê thợ giả vờ tháo dỡ”...
Khi hỏi về việc sử dụng điện nước, chủ đất cho biết sẽ kéo điện từ khu dân cư bên ngoài vào, tính giá 5000 đồng/1 số, nước dùng sinh hoạt sẽ là giếng khoan. Hệ thống nước thải cũng được đấu nối đường ống xả trược tiếp xuống sông Hồng.
Bản vẽ phân lô khu đất nằm ở phố Bắc Cầu, khu bãi giữ Sông hồng đều được các chủ đất đo đạc cẩn thận để thuận lợi giao dịch mua bán. Ảnh SK&MT – cắt từ video
Chưa dừng lại ở đó, riêng với vị trí những lô đất tại ngõ 113 phố Bắc Cầu, “cò đất” để tạo lòng tin với khách cho biết: “Em có quan hệ với vài lãnh đạo phường, để e trao đổi”. “Cò đất” còn đảm bảo việc mua đất nông nghiệp vẫn có thể xây dựng nhà ở bình thường, bởi khu vực phố Bắc Cầu hầu hết đất ven sông, ven đê được chia lô, đất khai hoang có chủ.
Đáng chú ý, việc phân lô bán nền, hay “bao thầu” xây dựng đều diễn ra công khai. Các giao dịch diễn ra hàng ngày, chủ đất và khách có nhu cầu thỏa thuận và giao dịch bằng giấy viết tay hoặc lập vi bằng.
Có thể thấy, những hoạt động bao chiếm đất bãi, đất nông nghiệp, hay xây dựng trong khu vực quy hoạch, đất nông nghiệp ngày càng “nở rộ” trên địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Câu hỏi dư luận quan tâm đặt ra ở đây chính là vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền đã và đang làm gì để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân?
Những tấm biển thông báo tại khu Phố Bắc cầu được cắm từ nhiều năm nhưng việc mua bán, xây dựng có dấu hiệu vi phạm đang diễn ra hàng ngày. Ảnh: SK&MT
Để làm rõ các thông tin qua cuộc khảo sát thực tế trong suốt 1 tháng qua, PV đã liên hệ đến UBND phường Ngọc Thụy, quận Long Biên nhiều lần. Tuy nhiên, bộ phận văn phòng sau khi tiếp nhận nội dung từ Tạp chí Sức khỏe & Môi trường luôn trả lời đã gửi đến bộ phận chuyên môn, chưa có lịch làm việc cụ thể.
Làm rõ vai trò, trách nhiệm các cấp chính quyền
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Trên thực tế, nhiều hộ gia đình có nhu cầu tách hộ nhưng không thể đủ điều kiện để mua đất giãn dân đã dẫn đến tình cảnh “làm liều” xây dựng trên đất nông nghiệp.
Cùng với đó, tình trạng một số cán bộ bao che, tiếp tay cho sai phạm để thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, khi xử lý cùng một vi phạm thì hiện còn có sự chồng chéo giữa Nghị định số 102/2014/NĐ-CP và Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về thời gian xử lý cưỡng chế vi phạm.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, chúng ta cần phải xây dựng một cơ chế chính sách tạo điều kiện cho người dân có thể mua được đất giãn dân, tái định cư với mức giá phù hợp. Đồng thời sửa đổi để có sự dung hòa giữa Nghị định số 102/2014/NĐ-CP và Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Dựa trên các quy định pháp luật, cơ quan cấp trên thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm nếu có".
Thông tin rao bán đất nông nghiệp tại phường Ngọc Thuỵ (quận Long Biên) được đăng tải rầm rộ trên một website mua bán bất động sản
Vào tháng 02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố trong buổi làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.
Nội dung Chỉ thị cũng nêu rõ, địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật Kết Nối
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật Kết Nối, tại Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau: Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
PV