Nâng tầm giá trị hạt muối Bạc Liêu
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. |
PV: Đề nghị ông cho biết tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Bạc Liêu trong việc phát triển nghề muối?
Ông Phạm Văn Thiều: Muối Bạc Liêu ngày xưa được nổi danh với tên gọi là Muối Ba Thắc - một thương hiệu dân gian, gắn liền với diêm dân tỉnh Bạc Liêu, một thời nổi danh khắp Nam kỳ lục tỉnh. Nghề muối tại Bạc Liêu trải qua hơn 100 năm phát triển, mang đầy đủ tính chất của một nghề thủ công truyền thống và mang đầy đủ các đặc trưng của đời sống dân gian, được truyền qua nhiều thế hệ, có rất nhiều hộ gia đình có từ 3 thế hệ làm nghề muối trở lên; đặc biệt có gia đình đã đến thế hệ thứ 6 nối nghiệp. Qua hơn trăm năm lịch sử, dẫu có nhiều đổi thay, nhưng nghề muối Bạc Liêu vẫn còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, sản xuất độc đáo theo truyền thống riêng của diêm dân Bạc Liêu.
Muối Bạc Liêu có hương vị đậm đà, độc đáo, bởi trong muối có hàm lượng magiê, canxi, sunfat,... thấp, không gây vị đắng, chát; không chỉ có đặc trưng riêng so với hạt muối vùng khác, mà muối Bạc Liêu còn trở thành một sản phẩm giàu tính văn hóa, nó giống như cái tình, cái nghĩa của con người Bạc Liêu lúc nào cũng mặn nồng, keo sơn. Điều này đã làm cho muối Bạc Liêu nổi tiếng từ xưa đến nay.
Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Năm 2013, muối Bạc Liêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam và cuối năm 2020, “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Muối Bạc Liêu cũng là sản phẩm được xuất khẩu vào thị trường Nhật, bởi chất lượng vượt trội so với các loại muối khác, đó là mặn mà không chát đắng. Hàn Quốc cũng chọn hạt muối sản xuất tại quê hương của xứ công tử Bạc Liêu để làm gia vị chế biến cho món kim chi, một trong những món ăn truyền thống nổi tiếng của đất nước này mà không phải thứ gia vị nào cũng có thể chen chân vào được. Điều đó cho thấy, muối Bạc Liêu đã khẳng định được thương hiệu và có một vị trí nhất định trên thị trường trong, ngoài nước.
PV: Dù có nhiều tiềm năng, nhưng nghề muối của Bạc Liêu được cho là vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể hơn thì những khó khăn đó là gì thưa ông?
Ông Phạm Văn Thiều: Như đã từng nói “muối Bạc Liêu rất nổi tiếng nhưng người làm muối Bạc Liêu chưa làm giàu từ nghề muối”, dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam và “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng nghề muối của Bạc Liêu được vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như:
Do diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, thời tiết năm nay ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất muối, sản lượng muối. Cụ thể, ngày 4/4/2021 xảy ra tình trạng mưa lớn gây thiệt hại đến sản xuất muối của bà con diêm dân huyện Đông Hải (theo thống kê của địa phương ước thiệt hại do ảnh hưởng của đợt mưa ngày 4/4 là 2.356 tấn, với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng).
Kết cấu hạ tầng đồng muối xuống cấp, hệ thống kênh mương bị bồi lắng chưa được nạo vét kịp thời ảnh hưởng đến việc lấy nước sản xuất, vận chuyển lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và dân sinh của diêm dân vùng muối còn gặp nhiều khó khăn.
Muối Bạc Liêu cũng là sản phẩm được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. |
Đồng muối tỉnh Bạc Liêu nằm trên nền phù sa yếu nên hàng năm phải đầu tư cải tạo lại, việc cơ giới hóa ngành muối gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Đa số người làm muối nhận thức chưa cao trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chủ yếu sản xuất theo phương pháp truyền thống, chất lượng muối và giá bán thấp. Thiếu sự liên kết trong sản xuất, không có hợp đồng mua bán khiến giá cả muối lên xuống thất thường, thu nhập bấp bênh nên nhiều diêm dân không còn mặn mà với nghề, diện tích muối cũng giảm dần. Chưa xây dựng được chuỗi sản xuất muối giữa diêm dân - hợp tác xã - doanh nghiệp chế biến.
PV: Để phát triển bền vững nghề muối ở Bạc Liêu, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo và giải pháp nào trong thời gian đã qua cũng như là trong định hướng sắp tới, thưa ông?
Ông Phạm Văn Thiều: Để phát triển bền vững nghề muối ở Bạc Liêu, trong thời gian tới Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có những giải pháp như sau:
Một là, phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối, đa dạng hóa sản phẩm muối đáp ứng nhu cầu muối trong tỉnh, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Hai là, phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối; đầu tư phát triển sản xuất muối ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi theo hướng tập trung, hình thành vùng sản xuất muối sạch, gắn sản xuất với chế biến, phát triển các sản phẩm từ muối. Thực hiện đa dạng hóa sản phẩm muối với đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới làm giàu bằng nghề muối.
Ba là, thực hiện tốt việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề làm muối.
Qua hơn trăm năm lịch sử, dẫu có nhiều đổi thay, nhưng nghề muối Bạc Liêu vẫn còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, sản xuất độc đáo theo truyền thống riêng của diêm dân Bạc Liêu. |
Bốn là, triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành hàng muối Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh sau khi Đề án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Năm là, xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu, sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối; phối hợp, xây dựng và tổ chức Lễ hội Muối định kỳ hàng năm, nhằm quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức.
Sáu là, tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống “Nghề làm Muối ở Bạc Liêu”, cùng với niềm vinh dự, tự hào đó là trách nhiệm phải bảo tồn và phát huy di sản ngày càng tốt hơn.
PV: Tỉnh Bạc Liêu kỳ vọng gì qua Ngày hội Festival Muối Bạc Liệu sẽ tổ chức vào dịp cuối năm? Hiện tại thì công tác chuẩn bị đã sẵn sàng hết hay chưa?
Ông Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu rất vinh dự là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024, đây là sự kiện Festival muối lần đầu tiên, là một sự kiện lớn, có ý nghĩa không chỉ đối với ngành muối Bạc Liêu mà còn góp phần nâng tầm giá trị ngành muối Việt Nam.
Tỉnh Bạc Liêu rất kỳ vọng sau sự kiện Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024, sẽ khơi dậy tình yêu nghề truyền thống của thế hệ trẻ có trình độ tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ nghề muối; tổ chức lại sản xuất ngành muối và có nhiều chuỗi giá trị, liên kết để nâng cao giá trị muối được hình thành và để mọi người biết đến muối không đơn thuần chỉ dùng làm gia vị trong chế biến thực phẩm mà còn dùng cho làm đẹp, y tế, dược liệu,… và nhiều công dụng có giá trị khác; ngành muối tiếp tục được quan tâm, đầu tư nhiều hơn làm cho đời sống diêm dân, nhất là diêm dân Bạc Liêu ngày càng khá lên, “diêm dân sống được và làm giàu từ nghề làm muối”.
Những cánh đồng muối tại Bạc Liêu. |
Để chuẩn bị cho Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 vào dịp cuối năm nay, ngày 09/5/2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã ký ban hành Kế hoạch liên tịch số 03/KHLT-BNN-UBND tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Bạc Liêu thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao nhất, tỉnh Bạc Liêu đang trình Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo và trên cơ sở đó sẽ phân công cụ thể các sở, ngành và địa phương phối hợp chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, vật lực để tổ chức thành công Festival.
PV: Xin cảm ơn ông!