Ngành Y tế Vĩnh Phúc: Chú trọng xử lý chất thải - khâu quan trọng trong phòng, chống dịch
(SK&MT) - Rác thải, chất thải y tế phát sinh từ các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 và các khu cách ly tập trung nếu không được xử lý theo đúng quy trình sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, các cơ sở y tế, khu cách ly trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhằm giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường sống, không để mầm bệnh lây lan trong cộng đồng.
Hằng ngày, lượng rác phát sinh (gồm rác thải sinh hoạt và chất thải y tế) tại Bệnh viện dã chiến tỉnh (cơ sở 1) dao động từ 800-900kg. Để phòng chống lây nhiễm chéo, giảm nguy cơ phát tán vi rút ra môi trường, công tác thu gom rác thải được nhân viên bệnh viện thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt của Bộ Y tế và các quy định của tỉnh.
Thạc sĩ Đinh Văn Sơn, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Tại mỗi phòng của bệnh nhân trong khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 đều được trang bị đầy đủ thùng rác chuyên dụng; trong đó, có thùng đựng rác thải sinh hoạt riêng và thùng đựng chất thải y tế riêng.
Cán bộ, nhân viên bệnh viện thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người bệnh bỏ rác đúng nơi quy định, không khạc nhổ bừa bãi nhằm hạn chế tối đa nguy cơ phát tán vi rút ra môi trường.
Sau khi thu gom rác tại các phòng bệnh, nhân viên trong khu vực điều trị sẽ vận chuyển rác đến nơi tập kết tại khu vực ngoại cảnh của bệnh viện. Tại đây, đều đặn 2 lần/ngày, nhân viên phụ trách công tác vệ sinh môi trường khu vực ngoại cảnh sẽ tiến hành thu gom và vận chuyển rác thải đến khu tập kết rác được đặt cách xa nơi ở của người bệnh và cán bộ y tế. Sau đó đơn vị hợp đồng xử lý rác thải với Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng xe chuyên dụng, vận chuyển rác đến nơi xử lý theo đúng quy định.
Với đặc thù là nơi điều trị bệnh nhân Covid-19, vì vậy, các loại rác thải phát sinh hằng ngày tại Bệnh viện dã chiến tỉnh (cơ sở 1) đều được phân loại thành rác thải lây nhiễm và được đựng trong túi màu vàng có thiết kế chắc chắn.
Bệnh viện quy định tuyến đường riêng và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và các khu vực khác. Nhằm đảm bảo an toàn, trong quá trình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và chất thải y tế, nhân viên bệnh viện đều mặc đầy đủ trang phục bảo hộ theo quy định.
Sau khi hoàn tất công tác thu gom, quần áo bảo hộ sẽ được đem đi tiêu hủy. Các vật dụng có thể tái sử dụng như kính, găng tay, ủng và dụng cụ vệ sinh sẽ được khử khuẩn bằng xà phòng và dung dịch Cloramin B để đảm bảo tránh lây nhiễm chéo”.
Không chỉ tại các bệnh viện dã chiến, rác thải, chất thải phát sinh từ các khu cách ly trên địa bàn tỉnh cũng được phân loại thành chất thải lây nhiễm và được vận chuyển, xử lý theo quy trình riêng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh.
Thượng tá Trần Anh Tuấn, Chính ủy Trung đoàn 834, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Hiện nay, tại khu cách ly tập trung của tỉnh được đặt tại Trung đoàn 834 cơ sở 1, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên có hơn 200 công dân đang thực hiện cách ly.
Cùng với rác thải thông thường, trong khu vực cách ly còn phát sinh một số loại chất thải có nguy cơ chứa mầm bệnh như khẩu trang, bông gạc, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, khăn lau miệng, dịch đờm, mũi của người cách ly… Đây là các loại rác thải, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao.
Do vậy, hằng ngày, cán bộ, nhân viên phục vụ tại khu cách ly đều tiến hành thu gom rác thải, chất thải đảm bảo đúng theo quy định về quản lý đối với chất thải y tế lây nhiễm và chất thải nguy hại. Sau khi thu gom, các loại rác thải và chất thải y tế sẽ được vận chuyển bằng lối đi riêng đến lò xử lý rác được đặt tại thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên.
Trong trường hợp phát hiện công dân nghi nhiễm Covid-19, sau khi công dân được đưa đến nơi điều trị, chúng tôi sẽ tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực phòng ở và tiêu hủy chăn màn cùng một số vật dụng đã được người đó sử dụng để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan, phát tán mầm bệnh”.
Cùng với thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển rác thải, chất thải tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, cơ sở y tế đảm bảo các quy chuẩn về môi trường, tỉnh rất chú trọng công tác xử lý chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại.
Từ năm 2020, để kịp thời xử lý chất thải tại khu vực cách ly, nơi điều trị bệnh nhân mắc, nghi mắc Covid-19, tỉnh đã tăng cường đầu tư lò đốt rác thải.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện việc phân loại, thu gom, tập kết rác thải sinh hoạt và rác thải y tế để xử lý hợp vệ sinh theo đúng quy định; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, làm sạch đường làng ngõ xóm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ phát tán các loại vi rút, vi khuẩn ra môi trường.
NGỌC ÁNH