Người từng mắc sốt xuất huyết có thể mắc lại nặng hơn
Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang ở giai đoạn đỉnh điểm. Bệnh tăng mạnh ở Hà Nội, TPHCM với hàng trăm ca mắc. Thống kê 5 tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 11.389 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, tại các địa phương khu vực phía Nam, số ca mắc SXH tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2014.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện
Trước tình trạng này, PV có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thông tin bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành tại Hà Nội và TPHCM?
Sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp và sẽ kéo dài đến hết mùa mưa (tháng 10/2015). Hiện tại, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, giám sát tình hình sốt xuất huyết trong cả nước.
Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2015 trên toàn quốc tính tới thời điểm này chưa phải ở mức báo động mặc dù có sự gia tăng hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Nếu so với cả giai đoạn 2010 - 2014, số mắc SXH cả nước từ đầu năm 2015 đến nay giảm 33,7%, tử vong giảm 50,6% so với trung bình cùng kỳ giai đoạn 2010-2014. Như vậy, số ca mắc SXH năm 2015 chỉ cao hơn so với năm 2014 - năm thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Hiện tại, có nhiều ca mắc SXH gia tăng nhưng chỉ là gia tăng tại một số địa phương; hầu như ở các khu vực phía Nam và miền Trung như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng... do thời tiết đang trong mùa mưa kéo dài.
Vậy, những tháng nào trong năm được coi là mùa cao điểm sốt xuất huyết, thưa ông?
Trước đây, SXH thường có những đỉnh dịch theo chu kỳ khoảng 4 - 5 năm một lần. Nhưng đến nay, tính chu kỳ hầu như không còn tồn tại nên ngành y tế dự phòng lúc nào cũng sẵn sàng để chủ động phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh.
Do thời điểm hiện tại đang là mùa mưa tại các tỉnh miền Nam nên nguy cơ mắc bệnh SXH sẽ tăng cao hơn. Nếu người dân cùng phối hợp với công tác y tế dự phòng, có ý thức vệ sinh môi trường thì sẽ không đáng ngại về dịch bệnh SXH.
Nếu một người bị SXH rồi có mắc bệnh trở lại hay không? Có dấu hiệu nào để phân biệt bệnh SXH với các bệnh dịch khác?
Hiện nay, tại Việt Nam lưu hành nhiều chủng virus SXH nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước.
Bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng.
Vì vậy, khi có các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, người dân cần tới ngay các trung tâm y tế, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Vậy, Bộ Y tế có biện pháp gì để đối phó với bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm?
Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn truyền, bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Ổ bọ gậy nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết tập trung ở những vật dụng chứa nước trong như: chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can... tại các hộ gia đình.
Vào mùa hè các bổ bọ gậy thường tập trung ở các khay nước thải điều hòa, dụng cụ chứa nước thải tủ lạnh. Ngoài ra, bọ gậy còn có trong các dụng cụ chứa nước như bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, xô, chậu, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh, các đồ vật hoặc đồ phế thải, bát kê chạn, hốc cây, lon, hũ, chai, lọ phế thải, mảnh vỡ chum, vại, lốp xe, vỏ dừa,... Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Do đó, để phòng tránh dịch sốt xuất huyết nguy hiểm, người dân cần hiểu đúng về sự phát triển và truyền bệnh của muỗi vằn nên chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Người dân giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, dẹp bụi rậm, đổ nước tù đọng trong các chum vại, lọ nước hoa và những vũng nước quanh nhà, thả cá vào bể nước, vại nước để diệt bọ gậy... Khi làm việc, đi chơi tại các vùng có nhiều muỗi thì nên mặc quần áo dài, bôi thuốc diệt muỗi, nằm ngủ nên mắc màn.
Theo Diệu Thu - Dân Việt