Nhiều hơn trách nhiệm, đó là tình thương
“Tôi chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ”
Hơn 20 năm làm việc tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, từng là một cô điều dưỡng trẻ, sẵn sàng từ chối cơ hội làm việc tại một bệnh viện lớn, chị Đỗ Thị Thúy - Phụ trách khoa điều trị III giờ đây vẫn luôn tự hào với con đường đã chọn. Với chị, Trung tâm là nơi để chị được cống hiến, và mỗi bệnh nhân đều như những người thân trong gia đình.
Điều dưỡng Đỗ Thị Thúy thăm khám sức khỏe sức thường xuyên cho các thương bệnh binh.
Chia sẻ về đặc thù công việc, điều dưỡng Thúy cho biết, các bệnh nhân đã từng là những công binh, bộ binh, đặc công trinh sát vô cùng quả cảm, bước ra từ cuộc kháng chiến vệ quốc. Di chứng từ bom đạn, chất độc đi-ô-xin đã để lại hậu quả nặng nề, những cơn đau triền miên cứ thế giằng xé thân xác người lính già mỗi đêm. Trường hợp bệnh nhân mất hẳn ý thức, không kiểm soát được hành vi, lời nói của mình, dẫn đến trạng thái kích động, hành hung nhân viên y tế hoặc các bệnh nhân khác, đó là thử thách lớn nhất. Chính vì vậy, trong những kíp trực, bác sĩ gần như thức trắng, để có thể đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của các thương bệnh binh.
Thực tế, điều trị, chăm sóc các bệnh nhân bình thường đã khó, trực tiếp chăm sóc những bệnh nhân bị tổn thương về thần kinh, tâm thần thì càng khó khăn gấp bội. Luôn coi bệnh nhân như người trong gia đình, chịu khó, nhẫn nại và đặc biệt, đặt chữ “tâm” lên hàng đầu là những điều mà cán bộ, nhân viên chăm sóc y tế tại Trung tâm thường động viên nhau.
“Hai chục năm gắn bó, trải qua bao thử thách, áp lực công việc đôi khi khiến tôi chùn bước, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ. Chừng đó thời gian làm việc cũng là khoảng thời gian tôi chứng kiến những mảnh đời, bao số phận và cả sự ra đi trong đau đớn, bệnh tật của các bác thương bệnh binh. Họ đã đánh đổi tuổi trẻ, xương máu và cả cuộc đời cho hòa bình dân tộc, so với tất cả điều đó, sự vất vả của chúng tôi có sá gì”, điều dưỡng Thúy chia sẻ.
Lương y như từ mẫu
Chỉ với một ngày ngắn ngủi trải nghiệm, chúng tôi cứ thế đi từ trạng thái ngạc nhiên sang thán phục với các nhân viên y tế tại đây. Họ luôn đồng hành với bệnh nhân, cùng tập thể dục, điều trị, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho tới bộ quần áo, thậm chí là công tác vệ sinh cá nhân của thương bệnh binh cũng đều do những y tá, hộ lý trực tiếp thực hiện. Bên cạnh là thầy thuốc, họ còn kiêm cả vai trò của chuyên gia tâm lý, đôi khi là thợ cắt tóc, có khi lại là nhà thơ, ca sĩ,..., để bệnh nhân được hòa nhập, được chăm sóc tốt nhất.
Do bệnh nhân mất khả năng nhận thức nên những công việc nhỏ nhất của họ đều do chính tay các y, bác sĩ chăm sóc.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng cho biết, do đặc thù công việc nên đời sống đội ngũ cán bộ, điều dưỡng của Trung tâm luôn được lãnh đạo ngành đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện tối đa. “Tuy nhiên, với chúng tôi, những người đã khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, được nhìn thấy bệnh nhân của mình phần nào phục hồi về sức khỏe, trí lực, được phục vụ và chăm sóc những người có công với cách mạng, đó mới là phần thưởng quý giá nhất”.
Vội vã trở lại gặp tôi sau ca cấp cứu bất chợt, trên gương mặt thấm đẫm mồ hôi của điều dưỡng Thúy vẫn thoáng nét lo âu: “Những ngày này, trời rét tê tái, các bác tuổi cao dễ đổ bệnh, xót xa lắm”. Không một lời than thở mệt nhọc, sau những vất vả ấy, điều khiến các y, bác sĩ ở đây trăn trở nhất vẫn là sức khỏe bệnh nhân. Nhìn cách họ tất tả chuẩn bị quà, chuẩn bị quần áo, thuốc uống rồi bịn rịn chia tay những bệnh nhân được về nhà đón Tết cùng gia đình mới thấy, họ dành tình cảm cho các bác nhiều đến chừng nào.
Chia sẻ với chúng tôi, các y, bác sĩ tại đây đều mỉm cười mà rằng, công việc họ đang làm là điều đáng tự hào nhất. Được chăm sóc và đồng hành cùng các thương bệnh binh chính là cách để bày tỏ sự tri ân tới những thế hệ cha anh đã hy sinh cả cuộc đời, giành lấy hòa bình cho chúng ta hôm nay. Và để gắn bó được với nghề, ngoài chuyên môn nghiệp vụ, ngoài tinh thần trách nhiệm, hơn tất thảy, đó là tình yêu thương.
PHƯƠNG MAI