Đếm từng giọt nước nổi chìm tử sinh
Có một vị giáo sư đã nói, đại ý rằng, mỗi cán bộ y tế cần lên bàn mổ một lần để hiểu hết tâm trạng của bệnh nhân, thấu hiểu cho bệnh nhân cũng như người nhà của họ. Phải làm sao để khi bệnh nhân tìm đến, các bác sĩ chỉ cần bắt mạch, đặt ống nghe là đã khiến người bệnh yên tâm, tin tưởng. Bởi y đức cũng là thước đo về tấm lòng tận tụy vì người bệnh mà người dân trông đợi ở đội ngũ này.
Cái gốc của người thầy thuốc
Y đức - tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh đã được các bậc danh y ngày xưa đề cao và trở thành chuẩn mực cho người thầy thuốc ngày nay. Ở Việt Nam, các bậc danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã có những di huấn về y đức quý báu để lại.
Đặc biệt, trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn quan tâm đến y đức, coi đó là đạo đức cần phải có của người thầy thuốc cách mạng, vì dân. Không chỉ thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, Bác còn nhắc nhở những người thầy thuốc về sự quan trọng của họ đối với nhân dân, với đất nước: “...Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, tháng 2/1955).
Niềm vui vỡ òa của vị bác sĩ khi ca phẫu thuật tách cặp song sinh hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi thành công.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức đã trở thành nền tảng đạo lý của người thầy thuốc, là cốt lõi tư tưởng của mọi hoạt động xây dựng và phát triển của ngành Y. Làm theo lời dạy của Người, nhiều tấm gương đã làm việc quên mình, xả thân vì người bệnh, vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người Bộ trưởng Y tế đáng kính, chỗ nào có dịch, có bệnh là ông tìm đến; Giáo sư Tôn Thất Tùng với hai “bàn tay vàng” đã cứu sống biết bao nhiêu người, bằng phương pháp mổ gan không chảy máu nổi tiếng trên thế giới; Giáo sư Đặng Văn Ngữ, người thầy thuốc có công to lớn trong công cuộc chống sốt rét ở nước ta thời chống Pháp và chống Mỹ… Họ đã trở thành niềm tự hào của ngành Y tế, được nhân dân quý trọng và ngưỡng mộ.
Năm 2020, ta vẫn thấy những tấm gương sáng về y đức, nhất là trong bối cảnh chống dịch Covid-19. Họ là những “chiến sĩ áo trắng” sẵn sàng đến vùng tâm dịch để cứu chữa bệnh nhân, sẵn sàng nhường chỗ ở cho người cách ly còn bản thân chỉ có tấm chiếu mỏng cùng giấc ngủ vội vã nơi góc hành lang. Vẫn còn những con người đang thầm lặng cống hiến, hy sinh cho sự an toàn, sức khỏe toàn dân mà chẳng một lời than phiền.
Cứu bệnh nhân trong lũ ở Thừa Thiên Huế.
Y đức cũng phải rèn luyện
Với những người thực sự vì người bệnh, y đức chính là những việc diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại các bệnh viện, phòng khám - nơi bác sĩ, y tá và người bệnh gặp gỡ. Y đức chính là thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ đối với người bệnh và thân nhân họ.
Bước vào thời kỳ mới, ngành Y tế nước ta có nhiều điều kiện phát triển, đội ngũ cán bộ y tế có nhiều tiến bộ và cống hiến to lớn, nhưng cũng đứng trước những thách thức mới, trong đó có sự xuống cấp về y đức. Những năm gần đây, dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, y đức trở thành vấn đề bức xúc. Thiếu sót ý thức của một bên nào, dù của người trong ngành hay của xã hội, cũng đều có thể huỷ hoại giá trị của một thành phần rất quan trọng, mà truyền thống Việt Nam vốn có lý do để gọi họ cách trân trọng là “thầy”.
Thực tế này đòi hỏi cần có những hành động thiết thực để nêu cao, rèn luyện y đức của người thầy thuốc. Ý nghĩa của “Lương y như từ mẫu” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn ở người thầy thuốc là đức tính cần thiết để tránh được những thói xấu như cầu lợi, kể công, phân biệt đối xử giàu nghèo, tránh được thói hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc với bệnh nhân, tránh được thói qua loa tắc trách trong phục vụ.
Tác phẩm :Những thiên thần áo trắng". Ảnh Đào Thị Gấm
Đón xuân mới cũng là lúc những thách thức phía trước đòi hỏi người thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế phải chủ động rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng y đức, để y đức thực sự gắn kết chặt chẽ với y nghiệp, trở thành y đạo của những người làm công tác y tế. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của những “thiên thần áo trắng” với sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
LƯƠNG CƯỜNG