Những phẫu thuật “made in Việt Nam” ghi dấu ấn thế giới
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Nền y học Việt Nam ngày càng sánh ngang với các nước trên thế giới. Đặc biệt, nhiều phương pháp phẫu thuật được ứng dụng sáng tạo, tiết kiệm chi phí, hiệu quả vẫn cao. Nhiều phẫu thuật “made in Việt Nam” ghi dấu ấn thế giới, các bác sĩ nước ngoài cũng đến học hỏi.
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2,
Những kỹ thuật ấy mang đậm dấu ấn của người Việt, ứng dụng thích hợp hoàn cảnh để tiết kiệm chi phí nhưng vẫn mang lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh. Đặc biệt, thế giới đã ghi nhận và đã đến Việt Nam để học về những kỹ thuật này.
“Phẫu thuật nội soi tuyến giáp kiểu made in Việt Nam”
Đứng trên bục giảng lớn diễn thuyết về nội soi tuyến giáp cho đồng nghiệp quốc tế, PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, lọt thỏm, bé nhỏ giữa sân khấu lớn nhưng giọng nói, cách trình bày khoa học và những hình ảnh, video thực tế được trình chiếu khiến bạn bè quốc tế khâm phục.
PGS Lương phẫu thuật nội soi tuyến giáp "kiểu" Việt Nam, hướng dẫn học viên là các bác sĩ đến từ nhiều quốc gia trong khu vực.
Phương pháp nội soi tuyến giáp với những sáng tạo tuyệt vời đã giúp giảm tối đa chi phí, vật dụng, vật tư, hiệu quả cao, giảm nguy cơ, không để lại sẹo của PGS Lương nổi tiếng đến mức, khi bệnh nhân người Việt sang Singapore để mổ tuyến giáp, bác sĩ tại đây tư vấn nên về Việt Nam gặp “Dr Lương” vì chính ông dạy họ phưng pháp đó. Hàng trăm giáo sư, bác sĩ đến từ các nước tiên tiến nhất như Úc, Singgapo, Ấn Độ, Malysia, kể cả Bồ Đào Nha... cũng sang BV Nội tiết học về kỹ thuật này.
Năm 2003, lần đầu tiên PGS Lương thực hiện thành công mổ nội soi tuyến giáp nhờ mày mò tự học hỏi (trước đó ông chưa từng được đi đào tạo về kỹ thuật này). Nhưng ấn tượng ở chỗ, “sinh sau đẻ muộn” nhưng PGS Lương đã có những sáng tạo khiến bạn bè quốc tế hết sức ấn tượng, đặc biệt về chi phí chỉ hết khoảng 400 USD so với thế giới từ 7.000 - 10.000 USD mà vẫn mang lại hiệu quả điều trị cao với người bệnh.
“Nếu áp dụng theo các phương pháp khác trên thế giới, bệnh nhân Việt sẽ không thể chi trả do chi phí quá tốn kém. Nhà Hàn Quốc sử dụng rô bốt để phẫu thuật nội soi tuyến giáp, Việt Nam không thể thực hiện được vì phẫu thuật rô bốt rất đắt tiền (hàng chục nghìn USD), thời gian lắp đặt, thực hiện một ca phẫu thuật rất lâu (ví dụ 1 ca cắt thùy tuyến giáp mất 2 giờ thì tại bệnh viện nội tiết trung ương chỉ mất 30 phút). Tôi nói với bạn bè quốc tế, ở nước tôi cả nước có 1 rô bốt, nên tôi phải mổ nội soi tuyến giáp theo kiểu Việt Nam, ứng dụng theo điều kiện của mình”, TS Lương nói.
Áp dụng “hợp hoàn cảnh”, TS Lương đã sáng tạo đường mổ riêng mà không phải sử dụng dụng cụ riêng biệt, khung treo tốn nhiều tiền, chỉ cần sử dụng dụng cụ nội soi ổ bụng thông thường, giúp giảm chi phí mà vẫn mang lại hiệu quả điều trị, thẩm mỹ với đường rạch da lớn nhất là 1cm vùng nách, không để lại sẹo xấu.
Đặc biệt, phương pháp này lại dễ chuyển giao cho các cơ sở y tế tuyến dưới và đã có nhiều bệnh viện trong cả nước thực hiện được mổ tuyến giáp nội soi.
“Việt Nam - Tương lai của phẫu thuật nhi thế giới”
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc BV Nhi Trung ương và hiện là TGĐ BV ĐK QT Vinmec, cho biết, một giáo sư quốc tế đã từng nói với học trò: “Cậu phải đến VN học phẫu thuật nhi. Cậu phải đến đó mới thấy được tương lai của phẫu thuật nhi của thế giới”.
Viện Nhi Trung ương trở thành một trong các trung tâm phẫu thuật nội soi trẻ em tiên tiến nhất trên thế giới được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Trở thành một trung tâm đào tạo phẫu thuật nội soi trẻ em không chỉ cho Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới gồm Thái Lan, Phillipine, Malaysia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Italia.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm (ngồi giữa) phẫu thuật biểu diễn tại Hội nghị phẫu thuật Nội soi Quốc tế tại Đài Loan
Một loạt các phương pháp mổ cho bệnh nhi có thể kể tới như: Mổ chữa bệnh phình đại tràng bẩm sinh bằng phẫu thuật nội soi; Điều trị ẩn tinh hoàn bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng; Phẫu thuật nội soi lồng ngực; Điều trị van niệu đạo sau bằng phương pháp cắt van nội soi… đã được GS Liêm liên tục cải tiến, mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cũng như thời gian nằm viện ngắn nhất cho bệnh nhi.
Ví dụ kỹ thuật mổ phình đại tràng bẩm sinh trước đây Việt Nam mổ rất vất vả, biến chứng nhiều bởi một bệnh nhi phải mổ 3 - 4 lần, cứ 3 - 4 tháng lại lên bàn phẫu thuật một lần. GS Liêm đã sáng tạo và giảm xuống mổ còn 2 lần cho bệnh nhi, rồi 1 lần mổ nhưng vẫn chưa thoả mãn bởi đường mổ mở lớn nên ông mạnh dạn mổ nội soi và đã thành công. Với lần đầu tiên mổ nội soi phình đại tràng bẩm sinh năm 1997, GS Liêm đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong khu vực tiến hành phẫu thuật nội soi ở trẻ (Singapore tiến hành từ năm 1999).
Hay với kỹ thuật mới phẫu thuật chữa thoát vị cơ hoành qua nội soi. Trước đây để chữa trị, người ta mổ ngang đường bụng, cắt cơ, sang chấn, nguy cơ tử vong cao. Đến năm 2000, GS Liêm đã thành công mổ nội soi ở trẻ lớn và bắt đầu thực hiện dần ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh sau 2 - 3 ngày sinh. Tiếp đến, ông còn thành công hơn một bước khi thực hiện phẫu thuật này trên bệnh nhi đang thở máy cao tần. Thế giới phải rất kinh ngạc trước thành công này của Việt Nam bởi họ không khuyến làm ở trẻ sơ sinh và Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại. Đến hơn nay đã phẫu thuật được gần 300 trường hợp thì có 70% là trẻ sơ sinh, tỉ lệ thành công lên đến 90%.
Một phương pháp nội soi khác cũng gây ấn tượng mạnh với thế giới, đó là điều trị u nang ống mật chủ bằng phương pháp nọi soi. Việt Nam đã thực hiện thành công 500 ca và không có trường hợp nào tử vong dù đây là phẫu thuật rất phức tạp, nhiều nguy cơ biến chứng.
Tự chủ nhiều kỹ thuật khó
So với thế giới, chuyên ngành ghép tạng VN sinh sau, đẻ muộn, nhưng những gì bác sĩ Việt Nam làm được khiến bạn bè quốc tế phải thán phục.
Tháng 7/2013 cũng là lần đầu tiên BV Việt Đức thành công ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên. Từ nguồn tạng của một bệnh nhân chết não, bệnh viện đã ghép tim cho một trường hợp, 2 người được ghép gan, 2 người được ghép thận, 2 người được ghép van tim và tất cả các ca ghép này đều thành công, người bệnh được ghép đã có một cuộc sống tốt hơn, không phải thường trực ám ảnh về cái chết có thể đến lúc bất cứ lúc nào.
PGS Quyết cho biết, trong kỹ thuật ghép tạng, khó nhất là ghép gan, tiếp đến là ghép thận, ghép tim thì trình độ của các bác sĩ của Việt Nam không thua bất cứ một nước nào trên thế giới. Thực tế, ca phẫu thuật ghép gan, thận, tim từ người cho chết não được thực hiện tại bệnh viện Việt Đức tháng từ tháng 5/2010 đến nay đều do 100% bác sĩ Việt Nam thực hiện. Đến nay, trong số 26 ca ghép gan thành công cho người lớn, Bệnh viện Việt Đức đã ghép cho 23 trường hợp, trong đó tỉ lệ sống sau 1 năm chiếm 90%. Con số này cao hơn hơn với báo cáo của nhiều quốc gia có nền y học phát triển. Ngoài ghép gan, Bệnh viện Việt Đức cũng đã thực hiện thành công 9/11 ca ghép tim ở Việt Nam.
Đặc biệt, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Ví như chi phí ghép thận, ở các nước cùng khu vực bệnh nhân sẽ mất khoảng 35.000 USD, còn tại bệnh viện Việt Đức người bệnh chỉ nộp từ 200 - 230 triệu. Còn ca ghép gan đầu tiên từ người chết não tại viện, chi phí chỉ hết 500 triệu, trong khi chi phí này ở các nước trên thế giới là từ 1- 1,5 tỷ đồng.
“Chúng tôi tự hào vì sự tiến bộ của nền y học nước nhà. Hiện có rất nhiều bệnh nhân đi sang nước ngoài điều trị dù trong nước cũng rất nhiều bác sĩ giỏi, có nhiều dụng cụ, phương tiện để điều trị, chữa bệnh được tốt không kém gì nước ngoài, thậm chí có nhiều mặt nổi trội. Như về phẫu thuật ngoại khoa Nhi, phẫu thuật ngoại khoa tại BV Việt Đức, hay với phẫu thuật nội soi tuyến giáp tại BV Nội tiết Trung ương, thế giới rất ghi nhận trình độ của bác sĩ Việt. Vì thế, tôi cũng như tất cả các sĩ trong ngành luôn mong muốn người bệnh đánh giá đúng giá trị của các kỹ thuật y tế tại Việt Nam, tự tin chữa trị trong nước, vừa giữ nguồn tài chính cho người bệnh, đảm bảo hiệu quả điều trị, vừa giữ nguồn tài chính cho đất nước”, PGS Lương chia sẻ.
Theo Dantri