Ninh Thuận công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán
Theo Đài KTTV tỉnh Ninh Thuận, hơn 5 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chủ yếu không có mưa, nhiệt độ tăng cao và độ ẩm giảm thấp. Mực nước trên các sông, suối trong khu vực tỉnh ít biến đổi và giảm thấp. Mô đun dòng chảy khu vực thượng nguồn sông Cái Phan Rang giảm thấp hơn cùng kỳ các năm trước, còn dao động từ 7 - 20 l/s.Km2 .
Người dân Bình Thuận lo lắng khi hạn hán liên tiếp xảy ra
Trong 4 tháng đầu năm, mực nước trung bình trên sông Cái Phan Rang tại Trạm thủy văn Tân Mỹ là: 33,61m, thấp hơn 0.3 m so với TBNN. Lưu lượng trung bình khoảng 16.7m3/s. Tổng lượng nước thiếu hụt khoảng 64% so với TBNN cùng thời kỳ. Sông Cha, huyện Ninh Sơn đã tắt dòng sau 16 năm.
Thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi, tính đến ngày 10/5/2020, tổng dung tích của 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là: 26,23/194,49 triệu m3, đạt 13,5% dung tích thiết kế, thiếu hụt 68% so với TBNN cùng thời kỳ. Có 14/21 hồ chứa dưới hoặc xấp xỉ mực nước chết. Hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) là nguồn nước chuyển sang Ninh Thuận qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim còn dung tích là 60,57/165.00 triệu m³, bằng 36,7% so với thiết kế và nhỏ hơn với năm 2019, 2018, 2016, 2015. Lưu lượng nước về hồ chỉ đạt 2,89 m3/s.
Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh ngày càng gay gắt, nếu cuối tháng 5 và đầu tháng 6 tới không có mưa thì sẽ có khoảng 3.800 hộ (15.000 nhân khẩu) ở các H.Bác Ái, Ninh Sơn và Ninh Hải thiếu nước sinh hoạt.
Xác định chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các ngành, địa phương phải đảm bảo mục tiêu: Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh do hạn hán; Quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Chăm sóc, bảo vệ, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi của người dân.
Nhị Giang