Paris và tham vọng đô thị xanh của thế kỷ 21
Những năm gần đây, Paris chuyển mình ngày càng xanh hơn. Những dự án đang và sẽ được triển khai đóng góp một phần vào cam kết giảm biến đổi khí hậu của Pháp từ nay đến năm 2050.
Ưu tiên cho phương tiện giao thông xanh
Du khách nếu quay lại thăm vùng Paris sau khi dịch bệnh Covid-19 qua đi có thể sẽ chọn cho mình những hành trình tham quan đa dạng hơn, nhờ những tuyến đường dành cho xe đạp được mở rộng thêm. Riêng nội đô Paris, hơn 60 km trong số các đường xe đạp bố trí tạm thời do dịch bệnh Covid-19, được đưa vào vận hành dài hạn. Tiêu biểu nhất, có thể thấy tuyến phố Rivoli, đông đúc và dày đặc giao thông giữa trung tâm quận 1, đã chính thức biến thành tuyến phố chỉ dành cho xe đạp và giao thông công cộng. Các đường dành cho xe đạp cũng được mở kết nối từ Bastille đến Concorde, từ Porte Maillot đến La Defense. Bờ kè sông Seine từ vài năm nay cũng đã chỉ dành cho khách bộ hành và xe đạp. Một ngày không xa, có thể thong thả đạp xe dọc bờ sông thơ mộng, xuyên qua thành phố, để đến thăm hai “lá phổi xanh” lớn nhất Paris là rừng Vincennes và rừng Boulogne.
Xây dựng mạng lưới giao thông dành riêng cho xe đạp nằm trong một chương trình dài hạn, tổng thể. Mục tiêu đầu tiên là tiến tới Thế Vận Hội Olympique 2024, 100% đường phố Paris sẽ có thể đón phương tiện xe đạp. Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố quy hoạch mạng lưới tuyến đường xe đạp nhanh (Express Vélo REVe), hoặc dành làn đường riêng cho xe đạp.
Hoặc nếu phố quá hẹp, thì việc giới hạn tốc độ lưu thông dưới 30km/h sẽ tạo điều kiện cho xe đạp được lưu thông chung đường với xe cơ giới một cách an toàn. Để tạo thuận lợi hơn, trên 1.000 bãi đậu xe đạp cũng được bố trí thêm. Từ sau đợt giãn cách xã hội lần đầu vào tháng 03/2020, thống kê cho thấy, được khuyến khích bởi các biện pháp này, số người sử dụng xe đạp trong thủ đô đã tăng 74% so với cùng kỳ năm 2019.
Trên toàn vùng Paris, sẽ hình thành 9 tuyến xe đạp nhanh, có làn đường hai chiều, tách biệt an toàn khỏi làn giao thông cơ giới, trải dài trên 680km. Hiện nay, có 6 tuyến đang được triển khai và hơn một nửa đã hoàn thành, đi vào vận hành. Những người đam mê môn thể thao đạp xe đường trường, hay bất cứ ai muốn một chuyến du lịch, dã ngoại bằng xe đạp đến các vùng nông thôn, sẽ ngày càng được trang bị những tuyến đường riêng an toàn, tiện nghi hơn. Những tuyến xe đạp này hứa hẹn tạo điều kiện cho những hành trình du lịch đến các vùng biển Normandie hay Bretagne trở nên dễ dàng, với cả những gia đình có trẻ em.
Những biện pháp này cũng song hành với việc giảm phương tiện cơ giới cá nhân gây ô nhiễm tại Paris. Từ năm 2020, việc áp dụng phân loại tem môi trường cho tất cả xe hơi được đưa vào áp dụng tại Paris và một số thành phố lớn. Đây là tem chứng nhận mức độ ô nhiễm của xe, từ mức 1 đến mức 5, dùng để phân loại hạn chế lưu thông trong những thời điểm ô nhiễm không khí tăng.
Kể từ tháng 06/2021, trên toàn vùng Paris, chỉ có các xe đạt tiêu chuẩn mức 1 đến mức 3 mới được lưu hành từ 8 giờ đến 20 giờ trong tuần. Các phương tiện có mức xả khí thải 2 và 3 sẽ dần bị hạn chế lưu thông vào năm 2022 và 2024. Bên cạnh đó, xe bus, xe điện công cộng cũng chuyển sang chạy bằng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Phủ xanh bởi người dân, từ nhà ra phố
Với những công viên lớn, hàng cây rợp bóng và những khu rừng lớn ngay trong nội đô, Paris dường như đã là một thành phố không thiếu màu xanh. Tuy vậy, với mật độ xây dựng dày đặc và dân số tập trung đông, tỉ lệ đất cây xanh trên đầu người vẫn còn hạn chế. Chính vì thế, nhiều chính sách và biện pháp phong phú đã được áp dụng trong nhiều năm trở lại đây, để tăng diện tích đất trồng cây, phủ xanh hơn nữa.
Đầu tiên phải kể đến việc khuyến khích người dân trồng cây, ngay cả trên những không gian hạn chế như ban công, sân thượng, vườn nhà. Hàng năm, thành phố tổ chức định kỳ hai đợt bán cây trong từng khu dân cư, với giá hỗ trợ đa phần từ 1 euro/cây. Đến mua, người dân còn được hướng dẫn cách gieo trồng, chăm sóc, lựa chọn những loại cây địa phương, phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng. Riêng với cây trồng trên ban công, tùy theo khu phố sinh sống mà người dân được chọn mua cây trong những bảng cây được tuyển lựa bởi các chuyên gia cảnh quan và thực vật, để tô điểm hài hoà với khung cảnh khu phố.
Không dừng ở trong nhà, thành phố còn có sáng kiến để người dân có thể trồng trọt, làm vườn trên mọi khoảng đất trống, gốc cây trên hè phố, trong sân chung, và trên sân thượng những toà nhà chung cư lớn. Nếu trước vỉa hè hay góc phố có những gốc cây, khoảng đất còn trống, người dân chỉ cần vào trang web riêng dành để khai “giấy phép trồng cây” và đăng ký, biến nó thành một khu vườn tự chăm sóc. Không phải phê duyệt, giấy phép sẽ có sau 1 tháng, thành phố còn gửi thêm bộ dụng cụ, đất và hướng dẫn cơ bản để người dân bắt tay vào làm vườn. Lưới sắt bảo vệ quanh gốc cây sẽ được dỡ bỏ, thay vào đó là một hàng rào gỗ quây một ô vuông lớn xung quanh cây, đất trồng được đổ thêm, phần việc còn lại sẽ dành cho chủ nhân khu vườn chăm chút.
Nhờ đó, khách bộ hành giờ đây dễ dàng bắt gặp bất cứ đâu trên hè phố Paris, nhất là những dịp xuân sang, hè tới, những khu vườn nhỏ xinh đầy những bông hoa hé nụ, hay những luống rau chăm sóc gọn gàng. Đôi khi, ta không thể không dừng lại ngắm nghía những trang trí ngộ nghĩnh hay dòng chữ viết tay nắn nót của các chủ nhân trẻ tuổi : “Hãy tận hưởng, tưới tắm, đừng vứt rác vào ... và hãy ngắm nhìn cây lớn lên”. Bên cạnh nhiều khóm cây, một bệ gỗ nho nhỏ kèm theo một tủ sách xinh xinh níu chân khách qua phố ngồi lại. Nghỉ chân dưới bóng cây mát, ngắm nhìn một góc vườn mọc lên dưới gốc, nơi những bông hoa đủ màu sắc lấp ló, sẽ thấy thủ đô Paris gần gũi, thân thiện và tự nhiên hơn rất nhiều.
Trồng cây mọi nơi có thể - từ khu đất trống lên đến những mái nhà
Trên quy mô lớn hơn, về quy hoạch, thị trưởng thành phố Anne Hidalgo, trúng cử nhiệm kỳ thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh các chính sách phủ xanh mà bà theo đuổi nhiều năm nay từ khi còn giữ vị trí phụ trách vấn đề quy hoạch thành phố. Vào năm 2016, việc sửa đổi Quy hoạch địa phương đòi hỏi các công trình xây mới và cải tạo có diện tích sân thượng lớn hơn 100m2 phải trồng cây trên đó, hoặc lắp tấm pin mặt trời. Các yêu cầu về tỉ lệ diện tích cây xanh cũng cao lên, đồng thời trồng cây trên tường hay trên mái nhà để xe ... được khuyến khích. Khắp các công trình công cộng, đặc biệt là tại các trường học, các vườn rau chiếm một vị trí không thể thiếu.
Đến nay, khi bước sang nhiệm kỳ thứ 2, Thị trưởng mong muốn các mái nhà rộng trên 200m2 trở thành các vườn nông nghiệp đô thị. Đây cũng là một bước tiến tiếp nối những dự án nông nghiệp, trồng vườn trên mái nhà đã ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong thành phố. Ngay trên mái nhà toà thị chính Paris, hay rạp hát Bastille ... các vườn rau quả và vườn nho đã mọc lên. Với diện tích lên tới 14.000m2, vườn trên mái Trung tâm hội chợ triển lãm Paris hiện là trang trại nông nghiệp trên mái nhà lớn nhất châu Âu. Tại đây, biện pháp nông nghiệp mới tiết kiệm đất, tái sử dụng nước được áp dụng mang tính đột phá. Mô hình này sau đó được nhân rộng tại các địa phương trong nước và quốc tế. Thành phố còn tổ chức thường kỳ những cuộc thi, kêu gọi dự án nông nghiệp trên những khu đất trống, đất hoang hay các sân trong, mái nhà.
Khắp nơi, ngay trong các công viên lớn nhỏ, nhiều bãi cỏ được chuyển đổi thành đất trồng vườn, cho người dân khu vực lân cận đến thuê đất trồng trọt. Nhiều khu đất trống, đất công cộng trong từng khu phố được biến thành các vườn rau chung, vừa phủ xanh thêm, lại tăng mối gắn kết cộng đồng. Nhờ định hướng đó, diện tích đất nông nghiệp trong đô thị tăng thêm hàng chục hecta trong vài năm gần đây, khuyến khích một phần bởi ưu đãi tài chính, giảm thuế ... Nhưng một phần không nhỏ, đó còn là bởi niềm yêu thích của cư dân thành phố, được tự tay tạo thêm một khoảng xanh, chăm sóc một khu vườn, ngắm hoa hay thu hoạch rau quả sạch trồng tại địa phương, cho bữa ăn gia đình mình.
Từ tham vọng xanh đến những khó khăn thực tế
Xa hơn nữa, nhiều dự án phủ xanh trên quy mô lớn, ở những vị trí trọng yếu được đặt ra. Thành phố đã lên kế hoạch trồng 5 cánh rừng đô thị ở các vị trí hiện nay là các quảng trường lớn như một phần quảng trường toà thị chính Paris, trước sân ga Lyon, tại quảng trường Bourse, quảng trường Cologne và phố Curial. Mặc dù tập trung trên một diện tích khiêm tốn, mật độ cây xanh sẽ dày và đa dạng hơn các công viên hiện có. Tuy vậy, tính khả thi của các dự án này vẫn đang được nghiên cứu và cân nhắc, bởi hệ thống ngầm của trung tâm Paris luôn dày đặc, khó khăn cho việc tìm kiếm những nền đất đủ dày và rộng để trồng những loại cây lớn.
Thành phố cũng có tham vọng biến tuyến đường vành đai huyết mạch, nơi tập trung lượng lớn xe cộ lưu thông, trở thành một đại lộ đô thị trồng cây, giảm giới hạn tốc độ từ 70 xuống còn 50 km/h, mở làn đường cho xe bus, xe năng lượng sạch. Với những đoạn khả thi, có thể phủ mái lên để trồng cây xanh hoặc xây dựng mới. Đề xuất này vấp phải những phản đối mạnh mẽ từ người dân vùng Paris, lo lắng trước tình trạng gia tăng việc ùn tắc giao thông - vốn đã rất thường xuyên xảy ra - trên tuyến đường vành đai quan trọng này.
Nhằm hướng tới Thế Vận Hội mùa hè và Thế Vận Hội cho người khuyết tật năm 2024, nhiều dự án cải tạo không gian công cộng theo hướng tăng diện tích trồng cây và đường dạo bộ cũng được đề xuất. Hai khu vực cải tạo lớn nhất và tập trung chú ý trong số đó là 54 hectare xung quanh tháp Eiffel từ quảng trường Trocadéro đến trường Quân sự Paris, và khu vực trục đại lộ Champs Elysées từ Khải Hoàn Môn đến quảng trường Concorde. Ở cả hai dự án cảnh quang trên, các làn đường giao thông cơ giới sẽ giảm bớt, các quảng trường lát đá sẽ thu hẹp lại, nhường chỗ cho những vỉa hè đi bộ, vòi phun nước, thảm cỏ và hàng cây lớn.
Mục tiêu cuối cùng là, trong vòng 6 năm, thành phố sẽ trồng thêm 170 ngàn cây xanh, giảm 100 hectare diện tích rải nhựa đường, thay vào bằng đất cây xanh hoặc đường đi bộ. Nhưng hiện đang dấy lên nhiều lo ngại và câu hỏi về vấn đề giải trình ngân sách còn chưa được cụ thể, chi tiết, có nguy cơ đội vốn. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 làm thâm hụt trầm trọng ngân sách địa phương, hoặc phải dồn ưu tiên tài chính vào những chủ đề cấp bách hơn, càng làm khó khăn hơn cho việc đầu tư vào các dự án xanh quy mô lớn này.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 thập kỷ, diện mạo thủ đô nước Pháp đã biến chuyển rõ rệt, với nhiều không gian công cộng dành cho người đi bộ, xe đạp. Màu xanh không chỉ có ở những thiết kế đô thị bài bản, kế thừa từ thời Haussmann thế kỷ 19, mà đã ngày càng len lỏi, lan đến từng khu dân cư, từng góc phố, dưới nhiều hình thức đa dạng. Đó là kết quả của sự hội tụ của những chính sách xanh hoá đô thị mạnh mẽ và cụ thể, với mong muốn sống gần gũi thiên nhiên, cải thiện môi trường sống của chính những người dân.
Đại dịch Covid-19 tuy đem đến thêm nhiều khó khăn kinh tế, nhưng mặt khác lại càng thúc đẩy và khẳng định sự cấp thiết của việc cải thiện chất lượng sống, giảm ô nhiễm trong đô thị. Nếu giữ vững định hướng sinh thái này, Paris ngày mai sẽ không những hấp dẫn bởi bề dày lịch sử và di sản kiến trúc, mà còn bởi một cảnh quan và không khí xanh mát, gần gũi và thân thiện. Không chỉ gìn giữ những di sản, thủ đô nước Pháp đang mỗi ngày làm mới mình và trở thành một đô thị Xanh của thế kỷ 21.
Linh Đức
Các tin khác

Cảnh báo vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu lễ hội

Kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị

Ngăn chặn triệt để vi phạm an toàn thực phẩm

Tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm

Truy xuất nguồn gốc để giảm thiểu rủi ro ngộ độc thực phẩm

Thu giữ gần 1 tấn thực phẩm nhập lậu

Cần luật hóa dinh dưỡng học đường

Hà Nội: Nhiều học sinh ngộ độc sau khi uống nước ngọt miễn phí ngoài cổng trường

Đảm bảo an toàn thực phẩm sau bão, lũ
Đọc nhiều

TP. Hồ Chí Minh: Trưởng Ban Quản trị chung cư Lux Garden (quận 7) lộng hành, chèn ép cư dân

Cần Thơ: Ra mắt công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Hậu

Ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Trung tâm Phát triển giáo dục Việt An Vĩnh Phúc: Kiến tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ tương lai

Đoàn kiểm tra Bộ Công an làm việc tại Công an Vĩnh Phúc về công tác phòng chống khai thác, vận chuyển cát sỏi trái phép.
Videos
E-magazine Inforgraphic Video

Cảnh báo hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Phòng ngừa cháy nổ trong dịp Tết Nguyên đán

Bản tin tổng hợp số 8 tháng 11 của Tạp chí Sức khoẻ & Môi trường

Hà Nội (Q.Hà Đông) : Môi trường sống của người dân không được đảm bảo bởi những công trình vi phạm TTXD

Giải pháp giảm thiểu đốt ngoài trời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp - Cơ hội từ GAHP

Ngành Thép hướng tới tiêu hao nguyên liệu thấp

Chính thức thông cầu phao tạm thay thế cầu Phong Châu (Phú Thọ)

Cách xử lý vệ sinh môi trường sau mùa bão lụt

Tạp chí Sức Khỏe & Môi Trường chia sẻ khó khăn với đồng bào chịu thiệt hại do cơn bão Yagi

Yên Bái: Đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Thanh Hóa: Lập đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản

Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội xả khí thải ra môi trường

Ngày 10/2: Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 4 thế giới

Cần Thơ: Tổng kết Dự án “Các Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh”

Công ty cổ phần bê tông 620 Châu Thới: Năng động, tiêu biểu trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ngành giao thông vận tải

Hậu Giang: Tạo nền tảng cho vùng lúa chất lượng cao, thân thiện với môi trường

Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững

Xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ tập trung nâng chất xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Thanh Hóa: Chưa xem xét khai thác khoáng sản tại nhà máy chế biến gỗ Lee & Carol

Quản lý rơm rạ trên đồng ruộng, hướng đi của nền nông nghiệp bền vững

Bắc Giang: Hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững

Bộ Y tế yêu cầu thu hồi 12 loại sữa bột giả

Danh sách 12 loại sữa được xác định là giả

Sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm

Ngành giáo dục triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Trách nhiệm giữ gìn hệ sinh thái và bảo tồn Sếu đầu đỏ

Những sứ giả Sếu đầu đỏ được đưa về vườn Quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp

Đồng Tháp với mục tiêu phục hồi và phát triển Sếu đầu đỏ

Trò chuyện cùng những “bảo mẫu” ở Trại rắn lớn nhất miền Tây

Chuyển đổi năng lượng tái tạo: Sự cần thiết để đảm bảo môi trường sống cho tương lai

Fleet Space Technologies tìm khoáng sản cho tương lai năng lượng sạch

Dùng cát biển đã được rửa sạch để làm đường cao tốc – Tại sao không ?

Hà Nội xây dựng lộ trình chuyển đổi sử dụng xe buýt điện đạt 100% vào năm 2035
Nổi bật

Vĩnh Phúc thống nhất tên gọi cho các xã mới: Bước hoàn thiện trong quá trình sáp nhập

Xi măng Long Sơn vươn tầm quốc tế bằng chất lượng vượt trội

Sun Group có 5 khách sạn được vinh danh trong top 500 tốt nhất thế giới

Can thiệp thành công bệnh nhân vỡ phình xoang mà không cần phẫu thuật

Sẽ có 1.500 người tham gia rước Phật tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Khánh Hòa -

Hơn 30 chuyên gia từ Mỹ và Anh khám từ thiện cho bệnh nhân nghèo

TTYT huyện Yên Lạc: Đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng người bệnh

Bệnh viện C Thái Nguyên: Nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong công tác khám, chữa bệnh

Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Thái Nguyên nỗ lực vượt mọi khó khăn trong khám và điều trị bệnh

Trung tâm Y tế thị xã Phổ Yên: Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin

Bệnh viện A Thái Nguyên: Nỗ lực, cống hiến, vì sức khỏe nhân dân

Trung tâm y tế huyện Đồng Hỷ: Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân

Trung tâm Y tế Chợ Đồn (Bắc Kạn): Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
