Phân loại rác tại nguồn: Nhân rộng những mô hình tốt
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc phân loại rác tại nguồn, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững… Kế hoạch đề cập việc quyết liệt triển khai các giải pháp hạn chế, tiến tới loại bỏ, nói không với đồ nhựa dùng một lần trong đời sống xã hội.
Nhân rộng mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn ở TP. Tân An, tỉnh Long An |
Triển khai thực hiện quy định về phân loại rác thải, TP. Hà Nội đã thử nghiệm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 6 quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm, và Hoàng Mai.
Đến nay, các địa bàn thực hiện thử nghiệm, hoạt động nâng cao nhận thức về phân loại rác đã được triển khai mạnh mẽ thông qua việc đẩy mạnh truyền thông, phổ biến những kiến thức quan trọng về tình hình và chính sách quản lý rác thải sinh hoạt, cùng với kinh nghiệm và giải pháp giảm rác thải từ quốc tế đến Việt Nam...
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cũng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, tham mưu cho các quận, huyện xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, phương án "Triển khai thí điểm Mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn các phường lựa chọn thí điểm".
Là địa phương khởi động thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn sớm nhất cả nước, hiện tại, TP.HCM đang bám sát các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 để triển khai thực hiện. Để khắc phục hạn chế chương trình phân loại rác tại nguồn, ngày 4/5/2021, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 09 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, qua thực tế triển khai thực hiện phân loại CTRSH giai đoạn trước đây và điều kiện thực tế của TP.HCM, để chuyển đổi từ việc phân loại CTRSH từ 2 nhóm sang 3 nhóm theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, TP.HCM sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Sở TN&MT TP.HCM đã yêu cầu các địa phương tập trung trao đổi, làm việc với các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển CTRSH để xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp; rà soát, đầu tư bổ sung trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, vận chuyển, phương thức thực hiện theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.
TP.HCM sẽ đảm bảo tính đồng bộ trong việc phân loại, tổ chức thu gom nhằm tránh xảy ra trường hợp người dân đã thực hiện phân loại rồi nhưng công tác thu gom lại không đáp ứng gây lãng phí nguồn lực xã hội, làm giảm hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn.
Từ cuối năm 2018, thành phố Đà Nẵng triển khai mô hình phân loại rác thí điểm nhằm mục đích tăng thu hồi rác thải tái chế có giá trị trong chất thải rắn sinh hoạt (rác tài nguyên) từ các nguồn rác thải tại vùng thực hiện thí điểm, góp phần giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp tại bãi rác. Thành phố từng bước xây dựng văn hóa phân loại rác tại nguồn trong khu dân cư và đạt mục tiêu thành phố môi trường. Theo đó, các hộ gia đình tại địa phương sẽ được hướng dẫn phân loại và sẽ được cung cấp bao phân loại rác tài nguyên (loại bao sử dụng cho nhiều lần) để tập kết, lưu giữ tại nhà… Quá trình triển khai có thể khẳng định rằng, vai trò cộng đồng, ý thức của người dân sẽ góp vai trò quan trọng vào sự thành công hay không trong công tác phân loại rác tại nguồn. Dù có đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại đến đâu thì cũng không thể xử lý được vấn đề nếu việc phân loại rác thải ngay tại nguồn không được thực hiện triệt để. Ý thức của người dân là vấn đề mấu chốt.
Không chỉ có thành phố lớn, trực thuộc Trung ương triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn các tỉnh và thành phố khác cũng có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Tỉnh Bình Dương chú trọng công tác phân loại rác tại nguồn từ năm 2017. Nội dung chủ yếu là hướng dẫn tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn, gồm 1 sổ tay, tờ bướm, áp phích, phim video clip, bản tin, tiểu phẩm và in ấn tài liệu có liên quan… UBND tỉnh giao Sở TN&MT chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kế hoạch, tổ chức giám sát hoạt động thu gom, phân loại rác thải tại nguồn của các đơn vị. Quá trình triển khai, Bình Dương đã có nhiều cách làm hay như trang bị, trao tặng sọt rác, cuộn túi ni - lông cho người dân, thu gom rác đúng nơi quy định, và nhất là tăng cường tập huấn, tuyên truyền, cho nên được người dân, doanh nghiệp… đồng thuận tham gia vì một đô thị xanh - sạch - đẹp.
Nếu như tỉnh Bình Dương chú trọng công tác truyền thông phân loại rác tại nguồn thì tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Nam Định, Hưng Yên lại xây dựng các mô hình phối hợp có hiệu quả với các tổ chức hội, đoàn thể, hội nghề nghiệp trong việc vận động người dân tham gia phân loại rác tại nguồn.
Hiện nay, 63 tỉnh/thành phố toàn quốc đang triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn với mức độ khác nhau, lộ trình bắt đầu bằng việc xây dựng các mô hình điểm, từ đó nhân rộng thực hiện. Các địa phương sẽ chủ động triển khai theo thực tế hạ tầng của mỗi địa phương.
Phân loại chất thải tại nguồn chính là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bảo vệ môi trường. Thời gian tới để thực hiện thành công, hiệu quả những điều khoản đột phá về phân loại rác tại nguồn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng, các cấp, các ngành cần có những biện pháp quyết liệt để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; đảm bảo các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đồng bộ và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, tác động về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu cũng như thực hiện. Cần tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng để có cách triển khai, lộ trình thực hiện phù hợp; vận động và đầu tư trang thiết bị, kinh phí, nhân sự cho việc phân loại rác tại nguồn trong giai đoạn đầu thực hiện và duy trì thường xuyên, liên tục.