Phát triển công trình xanh tại Việt Nam – Kinh nghiệm và giải pháp
Theo ông Phạm Minh Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số đang là xu hướng diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với những lợi ích mang lại từ việc sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu có mức phát thải thấp và các thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao trong công trình xây dựng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kinh trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng.
Dẫn ra số liệu cụ thể, Thứ trưởng Phạm Minh Hà cho biết, công trình xanh xuất hiện ở Việt Nam hơn 15 năm qua. Từ những công trình xanh đầu tiên ở TPHCM, đến giữa 2024, Việt Nam đã có gần 500 công trình xanh ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 11,5 triệu m2.
Với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm trên dưới 100 triệu m2 chưa bao gồm diện tích nhà xưởng công nghiệp và các loại hình công trình khác, có thể thấy, mặc dù tăng nhanh trong thời gian qua nhưng tiềm năng phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn rất lớn.
Thứ trưởng Phạm Minh Hà nhấn mạnh: "Việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh cũng là một giải pháp giúp chuyển đổi xanh ở cấp độ quốc gia nhanh hơn".
Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong thời gian qua mới đang thực hiện ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc, trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính xanh cho các dự án công trình xanh.
Dưới góc độ địa phương, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh và phát triển bền vững Thủ đô.
Tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố Hà Nội ngày 13/10/2020 đã đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố xanh – thông minh- hiện đại; Nghị quyết tập trung vào việc phát triển giao thông xanh, mở rộng diện tích cây xanh và đảm bảo rằng các công trình xây dựng phải tuân thủ các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
"Phát triển công trình xanh và hạ tầng đô thị thông minh là nhiệm vụ chiến lược, đưa Hà Nội thành Thành phố xanh – thông minh – hiện đại, xứng tầm với vị thế Thủ đô", ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Thông qua Diễn đàn, UBND thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan Trung ương, đối tác trong và ngoài nước để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đô thị, tạo lập một Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.