Phúc Thọ (Hà Nội): Dân “khóc ròng” vì quanh năm ngửi mùi hôi thối từ những trại lợn
Xã này nuôi lợn, xã khác “hưởng” mùi
Nếu di chuyển trên tuyến đường tại thôn 7 xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, bạn đọc chắc chắn sẽ ngửi thấy mùi hôi thối như mùi xú uế xộc thẳng vào mũi. Mùi xú uế này bốc lên từ dòng sông Đáy, giáp ranh giữa hai huyện Phúc Thọ và Đan Phượng.
Người dân tại đây cho biết, việc khúc sông phát ra mùi xú uế đã diễn ra trong nhiều năm và bốc mùi thường xuyên. Nếu thời tiết nóng bức, mùi hôi thối còn nồng nặc và kinh hoàng hơn. Điều đặc biệt ở chỗ, nằm sát dòng sông bốc mùi này là nhiều chuồng trại chăn nuôi lợn của các hộ dân thuộc xã Trung Châu, huyện Đan Phượng.
Đầu nguồn sông Đáy dài hàng cây số luôn đen kịt và bốc mùi hôi thối nồng nặc
Ngày 27/12, phóng viên đã có mặt tại địa điểm người dân phản ánh để ghi nhận thực tế. Theo quan sát, hiện nay khu vực đầu nguồn sông Đáy đã bị bồi lắng, dòng chảy co lại chỉ bé như một con mương. Lòng sông nổi váng, có màu đen kịt, đặc quánh như bùn, liên tục xuất hiện nhiều bọt khí, dưới lòng sông chốc chốc lại đùn nước lên, sền sệt và loang nhanh như những đợt sóng. Những chất thải dưới lòng sông kéo dài hàng cây số.
Người dân xã Hát Môn cho rằng việc dòng sông ô nhiễm nghiêm trọng là do các chuồng trại chăn nuôi lợn tại xã Trung Châu đều xả thải trực tiếp ra sông mà không qua xử lý bởi hầm biogas.
Lòng sông nổi váng, đen kịt, đặc quánh như bùn. Nước đùn lên, sền sệt và loang nhanh như những đợt sóng
Được biết, tình trạng ô nhiễm môi trường trên dòng sông xảy ra từ lâu, nhưng oái oăm thay, các hộ nuôi lợn lại thuộc địa bàn xã Trung Châu của huyện Đan Phượng. Trong khi đó, những người dân phải hứng chịu mùi hôi thối lại thường trú tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ. Chính vì thế trong nhiều năm, những “nạn dân” đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền địa phương nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ông Nguyễn Văn Kính, Trưởng thôn 7, xã Hát Môn phản ánh: “Trang trại chăn nuôi lợn thải ra sông nhiều quá. Năm ngoái thải nhiều tới mức nước sông đặc lại cảm tưởng có thể đi được trên sông. Vừa qua có đợt nạo vét lòng sông thế nhưng nước vẫn cứ đen thế này. Nếu vào mùa hè thì chúng tôi không thể chịu nổi mùi hôi thối”.
Cũng theo ông Kính, hiện tại, nhà văn hóa thôn 7 đang được khởi công xây dựng ở sát khu vực sông, trong tương lai không xa, nơi đây sẽ là điểm hội họp, sinh hoạt văn hóa của người dân thôn 7, thế nhưng nếu vấn nạn ô nhiễm môi trường không được giải quyết triệt để thì có lẽ, nhà văn hóa cũng là một nơi người dân “ngại” lui tới.
Hai xã của hai huyện chỉ cách nhau con sông Đáy nhưng trang trại lợn tại xã Trung Châu lại khiến người dân xã Hát Môn bức xúc nhiều năm
Cùng chung nỗi bức xúc với trưởng thôn, gia đình anh Phạm Đình Quyết, sinh sống cạnh sông Đáy, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi mùi hôi thối cho biết: “Dòng sông Đáy đã “chết” nhiều năm, nhưng chẳng ai quan tâm, thành ra chất thải ở sông không chảy đi được. Tình trạng này xảy ra rất lâu nhưng chúng tôi không biết kêu ai, cứ có gió đông nam thổi vào thì dân chúng tôi hưởng hết. Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường để người dân có cuộc sống bình yên”.
Trong khi đó, cuộc trò chuyện giữa phóng viên với những người dân thôn 7 cũng bị ngắt quãng nhiều lần bởi mùi thối của khúc sông bốc lên, xộc thẳng vào mũi, khiến những người có mặt ở đây phải cau mày khó chịu.
Chính quyền cần nhanh chóng vào cuộc để “cứu” dân
Trước những ý kiến phản ánh của người dân xã Hát Môn, năm vừa qua, UBND huyện Đan Phượng đã kiểm tra về vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực sông Đáy. Cùng thời điểm trên, UBND hai xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) và Trung Châu (huyện Đan Phượng) cũng đã làm việc với nhau và đi kiểm tra tại các hộ chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện tại dòng sông Đáy vẫn đen kịt, chất thải vẫn nổi lềnh bềnh, kéo dài nhiều cây số và mùi hôi thối vẫn nồng nặc, chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Trong một diễn biến khác, liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Châu thông tin, tại khu vực người dân phản ánh có khoảng 6 hộ đang hoạt động chăn nuôi lợn, thuộc thôn 1 xã Trung Châu, giáp sông Đáy.
Được biết, khu vực nuôi lợn là đất của xã giao cho các hộ làm mô hình VAC từ những năm 2010-2011, với hình thức giao đất thông qua đấu thầu, thời hạn là 5 năm. Mỗi hộ dân được giao đất nuôi khoảng 10 con lợn nái với diện tích vài sào nên các lán trại làm tạm bợ, không kiên cố. Hiện tại, thực hiện chỉ đạo của thành phố và huyện, UBND xã đã chấm dứt hợp đồng thuê đất đối với các hộ nuôi lợn vì đã hết thời hạn, đồng nghĩa với việc, các hộ nuôi lợn phải dừng hoạt động chăn nuôi cho đến khi có quyết định của các cấp có thẩm quyền
Chất thải chăn nuôi có dấu hiệu đổ trực tiếp ra sông
Điều đáng nói, trong khi người dân xã Hát Môn vẫn đang bức xúc, phản ánh chất thải được tuồn trực tiếp xuống lòng sông mà không qua bất kì hệ thống xử lý chất thải nào, thì ông Đỗ Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Châu lại cho rằng các hộ chăn nuôi lợn ở địa phương đều có hầm biogas để xử lý về môi trường. Việc chăn nuôi lợn gây mùi hôi thối chỉ xảy ra vào những năm trước, khi giá lợn tăng cao, dân nuôi nhiều lợn.
Đến đây dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: vậy dòng sông Đáy đen kịt và bốc mùi hôi thối là nguyên nhân do đâu? Phải chăng lý thuyết một đằng nhưng thực tế một nẻo, có hầm biogas nhưng hành vi xả thải trực tiếp chất thải chăn nuôi ra sông Đáy vẫn đang diễn ra hàng ngày?
Hiện tại, phóng viên đang tiếp tục thu thập các văn bản, tài liệu liên quan đến phản ánh của người dân xã Hát Môn “tố”các hộ nuôi lợn xã Trung Châu xả thải gây ô nhiễm môi trường. Tạp chí Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những diễn biến tiếp theo.
Quang Linh – Hoàng Cảnh