Quảng Ninh: Công ty Thái Sơn nạo vét cát, dân sống trong lo sợ mất ruộng, mất nhà
Mất ruộng, sạt đường, sụt lún trạm bơm… vì hút cát
Dọc hai bên bờ sông Cầm, khu vực qua xóm Trại, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh nhiều năm qua chẳng mấy khi yên ả bởi tiếng ồn và nỗi lo ngay ngáy vì sụt đất, sụt nhà của người dân sống quanh khu vực này.
Khai thác cát làm sạt lở vào một góc vườn của người dân
Trực tiếp có mặt tại đây, tận mắt chứng khiến cảnh người dân cắm cây để ngăn tàu tiến sát bờ vì lo sụt lở đất và lắng nghe người dân phản ánh về nạn hút cát trong tiếng ồn ào của những chiếc tàu hút cát đang hoạt động, phóng viên (PV) mới cảm thấy nỗi lo ấy của người dân đang day dứt đến nhường nào.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị In (70 tuổi, nhà ở khu 2, phường Đức Chính) cho biết: “Trước đây nhà bà có 5 sào ruộng nhưng giờ đã trôi sạt xuống sông. Trong làng rất nhiều người mất ruộng vì nạn khai thác cát. Cách đây khoảng gần 20 năm, có nạn khai thác cát trộm, thỉnh thoảng xuất hiện 1 - 2 tàu nhỏ bà con đã khổ lắm rồi. Giờ, chúng tôi lại nhận được thông báo có công ty Thái Sơn về nạo vét tuyến luồng, chúng tôi không biết gì chỉ nghe công ty này được phép nạo vét lòng sông ở đây. Tuy không có cát tặc như trước nữa nhưng chúng tôi vẫn lo lắng không biết việc này có ảnh hưởng đến ruộng, vườn nhà cửa nữa không”.
Trạm bơm nước bị sạt lở nghiêm trọng
Chị Nguyễn Thị Hương (xóm Trại, phường Đức Chính), nhà sát bờ sông Cầm cho biết: “Khu trạm bơm bị sạt lở rất nhiều, chính quyền dựng lên trạm bơm để cung cấp nước cho dân cấy giờ sắp sập hết rồi. Những chiếc tàu của Công ty Thái Sơn làm việc cả ngày cả đêm, một số gia đình sống cạnh sông như chúng tôi không ngủ được vì tiếng ồn từ tàu phát ra.”
“Trước đây có một số báo phản ánh, chúng tôi cũng mừng vì thấy việc hút cát dừng lại khoảng nửa tháng, giờ lại hút tiếp nhưng mấy tàu này hút phía xa chứ không hút gần bờ nữa, chứ trước đó hai ba tháng các tàu hút cát làm việc liên tục, không kể ngày đêm.
Sạt lở đến tận nơi an nghỉ của những người quá cố
Khi nói về việc sạt lở nhà cửa, ruộng vườn, chị Hương tỏ ra vô cùng lo lắng: “Gia đình tôi ở trong Nha Trang biết có tàu hút cát xuất hiện nhiều nên khuyên nhà tôi chuyển chỗ ở vì lo sạt lở hết nhà cửa, ban ngày thì không sao chứ nếu ban đêm đang ngủ mà bị sạt nhà thì không biết chạy đường nào. Hiện tại em trai tôi còn phải lấy cây cắm đầy xuống sông, để ngăn không cho tàu hút cát lại gần bờ”, chị Hương cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Minh, một người dân khác trong xóm cũng bức xúc cho biết việc hút cát đã xảy nhiều năm nay do nạn hút trộm cát đến nay thì là một “công ty gì bên quân đội” tiếp tục làm trên đoạn sông này. “Trước đó công ty này tiến vào gần bờ để làm việc, con đường tôi đang đứng đây cũng đã từng bị sụt hiện đang phải đổ gạch để chống lở đường. Những chiếc tàu này làm việc trên đoạn sông này từ Tết đến giờ, người dân chúng tôi cũng có phản ánh nhưng chỉ biết công ty này được sự đồng ý của huyện, tỉnh nên người dân chúng tôi không có quyền”, bà Minh kể lại.
Sạt lở đất nghiêm trọng có nguy cơ nước sông tràn vào khu vực đất đai của người dân
Bà Minh cũng cho biết, việc hút cát không phải mới xuất hiện ở đoạn sông này mà đã từ xuất hiện nhiều năm trước đó, nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì mà lại có thêm công ty đến khúc sông này nạo vét luồng tuyến. Chỉ tay về phía xa, bà Minh nói, trước đây khoảng 1km về phía sông là ruộng, bãi mà người dân vẫn ra đó cầy cấy, dần dần ruộng bãi biến thành sông từ lúc nào không hay.
Theo quan sát của PV, sông Cầm đoạn qua xóm Trại mở rộng, bờ sông tiếp sát với đất đai của người dân, nhiều nguy cơ nước sông sẽ xâm lấn dần vào ao, vườn của các hộ dân sinh sống dọc bờ sông. Con đường bê tông qua xóm cũng bị sạt, nhiều đoạn người dân phải chở gạch về đổ vào vệ đường để ngăn sạt lở. Một số tường bao quanh nhà của hộ dân bị nghiêng về phía sông, nứt toác. Gần khu vực trạm bơm, việc sạt lở càng nghiêm trọng, có nguy cơ bị sạt cả trạm bơm vừa mới xây dựng xong.
Chính quyền nói “người dân không phản ánh gì”
Trao đổi với PV, đại diện UBND thị xã Đông Triều cho biết, ngày 12/11/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh có Văn bản 6424/UBND-GT2 về việc chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án nạo vét tuyến, luồng sông Cầm kết hợp tận thu sản phẩm nạo vét”. Ngày 13/2/2017, thừa lệnh UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Vũ Văn Hợp đã có Công văn số 782/UBND-GT2 về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án nạo vét tuyến luồng sông Cầm.
Cũng theo công văn này, dự án “Nạo vét tuyến luồng sông Cầm” được kéo dài đến ngày 10/9/2017. Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, đồng ý cho Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng triển khai và thực hiện dự án. Đến nay, công ty đã nạo vét 261.965m3 khối lượng tận thu cát đạt 112.148m3 trên tổng chiều dài đã nạo vét là 5.045m.
Chủ tịch UBND xã Đức Chính cho biết người dân ở xóm Trại không có phản ánh gì về việc Công ty Thái Sơn hút cát làm ảnh hưởng cuộc sống người dân. “Còn phản ánh về nạn cát tặc là từ trước khi Công ty Thái Sơn về nạo vét luồng, tuyến. Thời điểm đó có một số tàu hút cát trộm về hút cát dưới sông, khiến bà con nhân dân bức xúc chứ không phải là Công ty Thái Sơn, công ty này họ mới làm từ năm ngoái”, lãnh đạo phường Đức Chính nói.
Theo phản ánh của người dân xóm Trại, nhiều năm nay họ vẫn luôn lo lắng cho cuộc sống của mình bởi việc hút cát gây ảnh hưởng tiêu cực, khiến người thì mất ruộng, người thì lo sụt nhà sụt đất, trạm bơm, đường xá cũng trước nguy cơ sạt lở… thế nhưng chính quyền thị xã Đông Triều lại trả lời ngược lại.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, tại sao nạn cát tặc có thể ngang nhiên tồn tại nhiều năm như vậy mà không có biện pháp mạnh tay để diệt trừ nạn khai thác trộm cát từ chính quyền thị xã Đông Triều? Chủ trương cho các công ty vào nạo vét luồng, tuyến lòng sông có góp phần cải thiện hơn, ngăn chặn nạn cát tặc hay chỉ ngày càng làm cho đất đai hai bên bờ sông có nguy cơ sụt lún nhiều hơn?
Được biết, Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn có địa chỉ tại số 32 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù được được thành lập từ năm 2009 nhưng doanh nghiệp này cũng khá “dàn trải” trong nhiều lĩnh vực để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác: Từ kinh doanh, đầu tư xây dựng các công trình giao thông cầu đường, các công trình dân dụng và quốc phòng, kinh doanh xăng dầu; khai thác khoáng sản; vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; khai thác kho bãi Logistics; đầu tư xây dựng và khai thác các khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp, đô thị; các khu vui chơi, giải trí; phân phối bia rượu nước giải khát kinh doanh nhà hàng, khách sạn.
Sức khỏe & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...
NPV