Quy định mới về chất thải xây dựng và bùn thải tại TP Hồ Chí Minh
Quy định mới về chất thải xây dựng và bùn thải tại TP Hồ Chí Minh |
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ, di dời, tu bổ, phục hồi, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và bùn thải từ bể phốt, hầm cầu trên địa bàn TPHCM.
Những nội dung không quy định tại quy định này được thực hiện theo Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 3/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành.
Theo quy định này, chất thải rắn xây dựng sau khi phân loại không được để lẫn với các chất thải khác và phải được lưu giữ riêng theo quy định. Trong trường hợp chất thải rắn xây dựng thông thường có lẫn với chất thải nguy hại thì phải thực hiện việc phân tách phần chất thải nguy hại. Nếu không thể tách được thì toàn bộ hỗn hợp phải được quản lý như chất thải nguy hại. Chất thải rắn xây dựng phải được lưu giữ theo loại đã được phân loại bằng thiết bị hoặc khu vực lưu giữ trong khuôn viên của công trình xây dựng. Thiết bị, khu vực lưu giữ chất thải rắn xây dựng phải bố trí ở nơi tránh bị ngập nước hoặc nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh khu vực lưu giữ; phải ghi hoặc dán nhãn thông tin về loại chất thải rắn xây dựng.
Thời gian lưu giữ chất thải rắn xây dựng phù hợp theo đặc tính của loạị chất thải.
Việc vận chuyển chất thải rắn xây dựng phải thực hiện theo quy định thời gian, tuyến đường được phép lưu thông của Ủy ban nhân dân Thành phố. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn xây dựng phải là phương tiện chuyên dụng bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định và được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành theo quy định.
Việc chuyển giao chất thải rắn xây dựng giữa chủ nguồn thải, chủ vận chuyển và chủ xử lý phải được thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo quy định pháp luật hiện hành về quản lý chất thải và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Đối với hoạt động thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng không yêu cầu hồ sơ bảo vệ môi trường và giấy phép xây dựng theo quy định thì chất thải rắn xây dựng phải được quản lý, xử lý đảm bảo quy trình, biện pháp xử lý phù hợp, an toàn và tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Với hoạt động thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng có yêu cầu hồ sơ bảo vệ môi trường và giấy phép xây dựng theo quy định thì chất thải rắn xây dựng phải được quản lý, xử lý theo hồ sơ bảo vệ môi trường và giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Ngoài ra, các Trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng phải được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng phải phù hợp với quy mô, công suất và điều kiện kinh tếxã hội của Thành phố.
Thành phố quy định không được thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn các tỉnh thành khác về khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý dưới mọi hình thức khi chưa được Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương.
Với chủ nguồn thải chất thải rắn xây dựng, UBND thành phố quy định: Phải thông báo kế hoạch quản lý chất thải rắn xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền quản lý xây dựng trước khi thực hiện thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình. Chỉ ký hợp đồng chuyển giao chất thải rắn xây dựng với chủ vận chuyển khi chủ vận chuyển đã ký hợp đồng với chủ xử lý để tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn xây dựng.
Với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn chưa có hệ thống thu gom chất thải khi tiến hành các hoạt động thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng được tái sử dụng chất thải rắn xây dựng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp trong phạm vi diện tích đất được sử dụng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; Không được đổ chất thải trên vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng, sông ngòi, suối, kênh rạch, các nguồn nước…
Với chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng, thành phố quy định: Chỉ được ký hợp đồng thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng với chủ nguồn thải khi đã ký hợp đồng chuyển giao cho chủ xử lý để xử lý chất thải rắn xây dựng. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ nguồn thải và chủ cơ sở cung cấp dịch vụ, được thể hiện trong hợp đồng cung cấp dịch vụ. Phải có hồ sơ, tài liệu theo dõi quản lý việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng, bao gồm: Địa điểm tiếp nhận xử lý chất thải rắn xây dựng (trạm trung chuyển, cơ sở xử lý; cơ sở tái chế, tái sử dụng; địa điểm san lấp mặt bằng, bồi đắp cho đất trồng cây, các khu vực đất phù hợp); Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển…
Trách nhiệm của chủ xử lý chất thải rắn xây dựng, theo Quyết định số 22, các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn xây dựng phải có giấy phép môi trường theo quy định hoặc các văn bản, giấy tờ tương đương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Bên cạnh đó, phải đầu tư xây dựng, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện và bố trí nhân lực đáp ứng năng lực tiếp nhận chất thải rắn xây dựng, đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định.
Cùng đó, phải thực hiện tiếp nhận và xử lý chất thải rắn xây dựng từ các chủ vận chuyển trên cơ sở hợp đồng ký kết với chủ nguồn thải và có hồ sơ, tài liệu để ghi nhận loại, khối lượng chất thải rắn xây dựng được vận chuyển đến hàng ngày có xác nhận giữa chủ vận chuyển và chủ xử lý.