Sản lượng điện của Đông Nam Á đã tăng gấp 3 lần trong 2 thập kỷ
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hầu hết các nước Đông Nam Á đã chứng kiến nền kinh tế tăng gấp đôi quy mô kể từ năm 2000. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này nhanh đến mức hiện đang đe dọa vượt khả năng tự cung cấp năng lượng của khu vực.
Năng lượng tái tạo đã và sẽ sớm trở thành nguồn năng lượng tối ưu nhất về chi phí.
Triển vọng Năng lượng Đông Nam Á 2022 cho biết sản lượng điện trong khu vực đã tăng gần gấp ba lần trong hai thập kỷ qua để theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong đó mức tăng lớn nhất đến từ các nhà máy nhiệt điện than. Mức sống nâng cao khiến số lượng máy điều hòa không khí tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Chiều dài của những con đường trải nhựa và số lượng xe cộ cũng tăng gấp ba lần. Trong khi đó, tỷ lệ dân số được sử dụng điện tăng từ 60% năm 2000 lên 95% năm 2020.
Tuy nhiên, đại dịch và sự hỗn loạn trên thị trường dầu khí toàn cầu do cuộc chiến Ukraine đã làm ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế và năng lượng của Đông Nam Á. Các chính phủ trên khắp Đông Nam Á đã cam kết giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đặt ra mục tiêu tiến tới trung lập các-bon.
IEA cho rằng các quốc gia này khó có thể đạt được các mục tiêu này cùng chính sách hiện tại của họ. Nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á đã tăng trung bình 3%/ năm kể từ năm 2000. Đây là xu hướng được thiết lập và sẽ tiếp tục khi tăng trưởng kinh tế quay trở lại sau đại dịch. Tuy nhiên, IEA cũng cho biết, 3/4 nhu cầu mới này có khả năng được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch, làm tăng lượng khí thải CO2 lên 1/3. Mặc dù khu vực này nhập khẩu hầu hết dầu từ Trung Đông và châu Phi nhưng sự hỗn loại thị trường do cuộc chiến Ukraine đã làm sáng tỏ những lỗ hổng an ninh năng lượng của các nước Đông Nam Á.
Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ cung cấp giải pháp lâu dài cho việc tăng giá dầu và khí đốt. Dù vậy, IEA cũng cảnh báo rằng chi phí năng lượng sẽ tăng trong ngắn hạn đối với một số quốc gia Đông Nam Á vì họ cần phải tăng khi dự trữ nhiên liệu hóa thạch để đề phòng gián đoạn nguồn cung.
Năng lượng tái tạo đã và sẽ sớm trở thành nguồn năng lượng tối ưu nhất về chi phí và do chi phí năng lượng tái tạo đang giảm dần theo thời gian nên mức độ điện khí hóa cao là lộ trình hiệu quả nhất về chi phí để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Do đó, sản lượng điện dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 so với năm 2020 và tăng lên hơn 8 lần so với sản lượng điện hằng năm hiện tại vào năm 2050, cao hơn gấp đôi so với sản lượng của kịch bản cơ sở. Lượng điện tăng thêm này sẽ được sử dụng để điện khí hóa và khử carbon cho các khu vực còn lại của hệ thống năng lượng.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) hồi tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Chính phủ Việt Nam chỉ đạo sẽ tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối), các loại hình năng lượng mới (trong đó có hydro, amoniac xanh... khi công nghệ được chứng thực) trong cơ cấu nguồn điện quốc gia đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế.
MẠNH HIỆP