Sản xuất và tiêu dùng “xanh” ngày càng trở thành xu thế tất yếu
Thực tế, tiêu dùng "xanh" đã khá phổ biến ở các nước phát triển và có những bước tiến ban đầu ở các nước đang phát triển khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng lên. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng "xanh" như một biện pháp "giải cứu trái đất" trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang tập trung hướng tới mô hình sản xuất, tạo và bán các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Lĩnh vực này cũng thu hút nhiều doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất xanh chưa đủ, mà còn phải tạo ra sự kết nối với tiêu dùng xanh trong cộng đồng.
Bao bì nhựa từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng của lượng rác thải nhựa, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, ô nhiễm nhựa đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người. Rác thải nhựa không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, gây hại cho hệ sinh thái, mà còn trực tiếp đe dọa tới cuộc sống của con người và các loài động vật khi các hạt vi nhựa dần xâm nhập vào chuỗi thức ăn.
Để nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiến tới hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, mới đây Sở Công thương Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phát động tiêu dùng xanh, bền vững và Chương trình liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ và các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường.
Đây là các cơ hội kết nối kinh doanh; liên kết hợp tác sản xuất, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình cũng thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tự hủy, tái sử dụng và các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế Xanh của Thủ đô.
Đồng thời, thể hiện sự đồng hành của TP. Hà Nội cùng người dân Thủ đô thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Nhận thức được tác động tiêu cực của bao bì nhựa, nhiều siêu thị lớn như WinMart, Fujimart, Big C… đã tiên phong trong việc sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường như túi phân hủy sinh học, túi vải và hộp giấy. Các biện pháp này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải nhựa, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Đại diện Tập đoàn Central Retail (Chuỗi siêu thị Go! Big C) cho biết, là đơn vị luôn tiên phong trong mảng bán lẻ xanh và bền vững môi trường; hướng tới các mục tiêu bao gồm: Giảm thải khí nhà kính, hỗ trợ cộng đồng, bao bì thân thiện với môi trường và xử lý rác thải.
Theo đó, năm 2024, đơn vị đã triển khai lắp đặt các máy thu gom rác thải tái chế tại hệ thống Trung tâm Thương mại GO! trên toàn quốc, qua đó truyền cảm hứng, khuyến khích khách hàng cùng hướng đến lối sống xanh không rác thải, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, hằng năm, hệ thống siêu thị BigC Thăng Long luôn phối hợp với các đơn vị triển khai phát động chương trình giảm thiểu dùng túi nilon, rác thải nhựa nhằm khuyến khích người tiêu dùng chủ động giảm sử dụng túi nilon khi đi mua sắm bằng cách mang theo túi cá nhân khi đi mua sắm, hoặc tái sử dụng túi thân thiện môi trường, hướng tới việc đẩy mạnh phong trào giảm ô nhiễm nhựa tại TP. Hà Nội.
Có thể thấy rằng, việc các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng cùng chung tay, tham gia vào xu hướng sản xuất, phân phối tiêu dùng xanh sẽ tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và rác thải nhựa một cách bền vững.