Sức khỏe 24h: Cứu sống bé sơ sinh 2 ngày tuổi bị bướu "hút máu"; Tăng đột biến bệnh nhân vì bia, rượu
TP.HCM: Cứu sống bé sơ sinh 2 ngày tuổi bị bướu "hút máu"
Chiều 6/2, thạc sỹ-bác sỹ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết bé trai sơ sinh 2 ngày tuổi, nặng 2,5kg (ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu khẩn cấp vào tối 1/2 (mùng 5 Tết) trong tình trạng xuất hiện các vết bớt máu màu đen lan tỏa toàn thân cùng với một khối bướu máu khổng lồ ở đùi phải.
Sáng 3/2, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hội chẩn khẩn cấp toàn Bệnh viện với sự tham gia của chín khoa, phòng liên. Các bác sỹ đã thực hiện kỹ thuật thông tim, can thiệp mạch máu, bít hết các mạch máu dẫn vào khối bướu, sau đó phẫu thuật bóc tách, lấy trọn khối bướu máu ra khỏi cơ thể bệnh nhi.
Sau khoảng 4 tiếng với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau, khối bướu máu khổng lồ đã được lấy ra với đường kính khoảng 10-12cm.
Hiện bệnh nhi vẫn còn thở máy, tuy nhiên đã không còn chảy máu, không phải sử dụng chất cầm máu và số lượng máu cần truyền vào đang giảm dần. Tình trạng xuất huyết não cũng không quá nặng, thần kinh của trẻ vẫn có phản xạ, kích thích với các cử động.
Cậu thử súng tự chế, cháu suýt bị hỏng mắt
Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh vừa thực hiện phẫu thuật lấy một viên đạn bằng bi ve bắn vào mắt bệnh nhi 3 tuổi do tai nạn súng cồn hơi tự chế.
Theo bác sỹ Trần Châu Thái, Trưởng đơn vị Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi là Y Khương Mlo, 3 tuổi, trú tại huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk, được Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2/2 trong tình trạng hốc mắt phải sưng to, da rách nặng.
Các bác sĩ Đơn vị Mắt đã phối hợp với bác sĩ Khoa Tai - Mũi - Họng của bệnh viện để phẫu thuật lấy viên bi ra ngoài. Viên bi được lấy ra là một viên bi ve bằng thủy tinh (loại trẻ em thường dùng chơi bắn bi) có đường kính 15 mm.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sỹ lo ngại khả năng viên bi sẽ bị lọt vào xoang hàm phải của bé do xoang hàm phải của bé đã bị tổn thương bởi lực sát thương của viên bi khi bị bắn. Tuy nhiên, rất may mắn, ca phẫu thuật đã thành công và sau 4 ngày phẫu thuật, hiện vết thương của bé đã khô. Các bác sỹ cho biết, vết thương sẽ không để lại di chứng gì về sau cho bé.
Tăng đột biến bệnh nhân vì bia, rượu
368 vụ TNGT, 203 người chết, 417 người bị thương là những con số được Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thống kê được trong 7 ngày nghỉ Tết. Điều đáng nói, phần lớn nguyên nhân TNGT được xác định sơ bộ là do người điều kiển lạm dụng bia, rượu, nhất là các vùng nông thôn.
Tại các bệnh viện (BV), số ca nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu, bia cũng tăng đột biến trong dịp nghỉ Tết. Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ riêng trong 3 ngày Tết từ 30 đến Mùng 2, cả nước đã có gần 400 ca ngộ độc rượu phải cấp cứu tại các cơ sở y tế.
Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm cho biết, riêng trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi, Trung tâm Chống độc tiếp nhập 12 ca ngộ độc rượu, trong đó có 3 ca rất nặng (2 ca người nhà xin về tử vong, còn 1 ca đã cứu sống được nhưng bị tổn thương mắt hiện vẫn đang được điều trị).
Đáng chú ý, nhiều ca ngộ độc rượu nặng năm nay có liên quan đến rượu chứa methanol. Bên cạnh đó, số bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do sử dụng rượu cũng tăng lên trong những ngày Tết. Riêng tại TP Hà Nội, trong số 659 người nhập viện vì TNGT thì phần lớn số người nhập viện trong tình trạng say xỉn.
Đã tìm ra siêu kháng sinh diệt vi khuẩn kháng thuốc
Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công phương pháp tăng cường năng lượng cho kháng sinh để dễ dàng tiêu diệt nhiều loại siêu vi khuẩn.
Nghiên cứu do Đại học College London thực hiện, được đánh giá là mang tính đột phá trong cuộc chạy đua với tình trạng kháng thuốc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Cụ thể là một loại kháng sinh rất mạnh có tên vancomycin - vốn được sử dụng như cứu cánh cuối cùng trong điều trị bệnh nhiễm tụ cầu vàng kháng Methicilin (MRSA) và oritavancin, một biến thể của vancomycin - được dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng da phức tạp. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, oritavancin ép chặt vào vi khuẩn kháng thuốc với một lực mạnh gấp 11.000 lần so với vancomycin, mặc dù cả hai loại kháng sinh này đều dùng chung mã "chìa khóa". Oritavancin có thể tiêu diệt vi khuẩn trong vòng 15 phút. Trong khi đó, thời gian để vancomycin làm điều tương tự là từ 6 đến 24 giờ.
PV