Tâm huyết với nghề, tận tụy, đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh cảnh người bệnh
Y, bác sĩ Khoa Tâm thần kinh Bệnh viện Quân y 120 thăm hỏi các bệnh nhân. |
Được sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các y, bác sĩ, sau hơn một tuần điều trị tại Khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Quân y 120, ông Lê Văn Thảo, ngụ xã An Nhơn (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) rất phấn khởi khi cầm trên tay tờ giấy xuất viện trở về với gia đình.
Ông Thảo, tâm sự: “Trước khi nhập viện, tôi luôn ở trạng thái căng thẳng, mất ngủ, người đờ đẫn, mệt mỏi không muốn ăn uống hay hoạt động gì. Sau khi nhập viện, biết được nguyên nhân gây mất ngủ, các y, bác sĩ ở đây đã tận tình điều trì, chăm sóc cho tôi. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã có thể ăn ngon và ngủ sâu giấc. Tôi không biết nói gì hơn ngoài hai tiếng cảm ơn đến các y, bác sĩ”.
Bệnh nhân Đinh Văn Đoàn, ngụ xã Đức Mỹ, (huyện Càng Long, Trà Vinh) được gia đình chuyển đến Khoa Tâm thần kinh trong trạng thái kích động, không hợp tác với các nhân viên y tế. “Đoàn là người con trai thứ tư, hiền lành, lanh lợi. Nhưng gần một năm trước bỗng dưng Đoàn hay cáu gắt, nóng tính, ném đồ đạc lung tung, không kiểm soát được hành vi. Bệnh ngày một nặng nên tôi cho con nhập viện, điều trị tại đây. Những ngày đầu nhập viện, Đoàn hay chửi bới, có lúc còn rượt đuổi các cán bộ, nhân viên, nhưng được sự quan tâm, chăm sóc của các y, bác sĩ nên bệnh tình của con tôi tiến triển tốt. Đoàn đã trở về trạng thái hòa đồng, thân thiện với mọi người, hợp tác tốt với các y, bác sĩ sau mỗi lần thăm khám. Cháu còn biết xin lỗi vì những hành vi với các y, bác sĩ và mọi người”, bà Hồ Thị Tám (mẹ bệnh nhân Đoàn) chia sẻ.
Đây là 2 trường hợp điển hình trong số hàng trăm ca bệnh mà các y, bác sĩ Khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Quân y 120 đã thu dung, điều trị ổn định từ đầu năm 2024 đến nay.
Y, bác sĩ Khoa Tâm thần kinh tận tình chăm sóc bệnh nhân. |
Thiếu tá, BSCKI Phạm Đình Hà, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần kinh chia sẻ, bệnh nhân khi nhập viện thường mắc các bệnh như: Tâm thần phân liệt, loạn thần cấp, hội chứng cai rượu, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi và bệnh động kinh… đa số đều đã mất đi ý thức, hoặc khả năng tự chủ được hành vi của mình. Triệu chứng bệnh lý tâm thần rất đặc biệt, nếu bệnh nhân không chia sẻ ra thì không một loại máy móc nào có thể nhìn ra. “Do vậy, cùng với việc xây dựng đội ngũ y, bác sĩ phải có nghiệp vụ chuyên môn vững, chúng tôi luôn giáo dục cho cán bộ, nhân viên thực hiện tốt phương châm “Đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, coi người bệnh như người thân trong gia đình. Phải tiếp xúc với ca bệnh phức tạp, nhưng với sự tận tụy, tinh thần hết lòng phục vụ người bệnh, các y, bác sĩ đã tạo được lòng tin nơi gia đình người bệnh. Quá trình điều trị, do bệnh tật hành hạ hoặc thiếu kiên nhẫn, nhiều trường hợp có những lời nói, thái độ không tốt với y, bác sĩ. Song hiểu được tâm lý bệnh nhân, chúng tôi luôn động viên nhau phải thật bình tĩnh, lắng nghe, chia sẻ, cố gắng chữa bệnh cho người bệnh tốt nhất”, Thiếu tá, BSCKI Phạm Đình Hà nói.
Chữa trị cho những bệnh nhân có tâm lý bình thường vốn đã khó khăn, vất vả, việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần còn khó khăn bội phần. Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu chăm sóc, điều trị, ngoài việc thường xuyên tổ chức hội ý, hội chẩn, các y, bác sĩ ở Khoa Tâm thần kinh còn thực hiện nhiều biện pháp để chăm sóc người bệnh.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Ngân, Điều dưỡng Khoa Tâm thần kinh, tâm sự: “Nghề này cũng giống như diễn viên, lắm lúc chúng tôi cũng phải nhập vai theo câu chuyện của những bệnh nhân; phải trò chuyện, lắng nghe họ nói, tạo được sự tin tưởng và cảm giác an toàn như thế họ mới hợp tác với mình. Chuyện chúng tôi bị bệnh nhân giật tóc, hay tấn công bất ngờ, chửi bới, xé đồ là không có gì lạ. Làm cái nghề luôn căng thẳng và nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn kiên nhẫn làm việc trong môi trường này để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Thật khó diễn tả niềm hạnh phúc khi hai từ “cảm ơn” từ bệnh nhân khi xuất viện”.
Những năm qua, Bệnh viện Quân y 120 luôn là địa chỉ tin cậy của người bệnh. |
Vừa là Khoa điều trị tuyến cuối của Quân khu 9, Khoa Tâm thần kinh còn có nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) giám định cho bộ đội tham gia chiến trường “K” của các địa phương giới thiệu khi có yêu cầu. Trong bất cứ nhiệm vụ gì được giao, các y, bác sĩ của Khoa cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thượng tá, BSCKII Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 120, cho biết: “Cùng với sự quan tâm thường xuyên về công tác chuyên môn, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các y, bác sĩ được đi học tập, tập huấn chuyên khoa sâu nhằm nâng cao trình độ. Đồng thời, quan tâm đến các chế độ chính sách cho cán bộ, nhân viên đang công tác trong môi trường đặc thù tiếp xúc, quản lý bệnh tâm thần…từ đó tạo động lực để họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 120 trao đổi chuyên môn sau mỗi ca trực. |
Với những ghi nhận của Ban Giám đốc cũng như sự hài lòng của người bệnh, nhiều năm liền Khoa Tâm thần kinh là đơn vị điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Bệnh viện Quân y 120, Cục Hậu cần Quân khu 9. Đây là động lực để đội ngũ y, bác sĩ của Khoa tiếp tục nỗ lực phấn đấu trở thành người cán bộ quân y “vừa hồng vừa chuyên”, góp phần cùng Bệnh viện ngày càng tạo được niềm tin, là địa chỉ tin cậy trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn đảm nhiệm.