Tăng trưởng GRDP của tỉnh Đắk Lắk đứng đầu khu vực Tây Nguyên
Số liệu thống kê cho thấy, tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh (giá so sánh 2010) ước đạt gần 25.493 tỷ đồng (tương đương gần 39,3% kế hoạch, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023).
Đối chiếu với báo cáo của Tổng cục Thống kê, GRDP của tỉnh Đắk Lắk đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 6,3%, toàn tỉnh có 690 doanh nghiệp thành lập mới; kim ngạch xuất khẩu 920 triệu USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh hơn 4.229 tỷ đồng; toàn tỉnh tạo việc làm cho 16.300 người; lượng khách du lịch đạt hơn 1,1 triệu lượt khách. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và an sinh xã hội được quan tâm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản tăng trưởng của tỉnh đề ra; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; thu tiền sử dụng đất đạt thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; các vụ vi phạm pháp luật, trật tự an toàn xã hội, vi phạm về lâm luật còn xảy ra ở một số địa bàn…
Nông dân huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) thu hoạch sầu riêng |
Thông tin từ Sở Công thương Đắk Lắk cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Đắk Lắk đạt 920 triệu USD (bằng 57,5% kế hoạch, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong đó, cà phê vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với sản lượng 202.000 tấn (tăng 3,9%). Tiếp đến hạt điều 21.000 tấn (tăng 3,2%); hồ tiêu 16.000 tấn (tăng 52,1%); cao su là 4.300 tấn; mật ong là 2.000 tấn (tăng 300%).
Theo Sở Công Thương, từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực được xuất khẩu chính ngạch đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao.
Hiện, tỉnh có 13 mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; một số sản phẩm nông sản chế biến sâu như yến sào, hạt mắc ca đã được các nhà phân phối của Hàn Quốc, Trung Quốc đưa vào các kênh bán hàng.
Bên cạnh đó, việc giá cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, hạt tiêu, hạt điều đang tiếp tục duy trì ở mức cao trong nhiều tháng qua cũng đã tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Nông dân Đắk Lắk trong mùa thu hoạch cà phê |
Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, chủ động làm thủ tục xuất khẩu để kịp tiến độ giao hàng, qua đó góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Để duy trì được đà tăng trưởng cũng như nâng cao kim ngạch xuất khẩu, trong thời gian tới, ngành công thương tiếp tục định hướng, tuyên truyền và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động cập nhật tìm hiểu, nắm bắt thông tin về yêu cầu của thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm của địa phương, mở rộng tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu...