Tăng trưởng xanh ứng phó BĐKH: Quyết tâm hiện thực hóa giảm phát thải
Với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 và hiện thực hóa cam kết tại COP26 đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, các định hướng của Việt Nam trong giai đoạn tới là ưu tiên đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Tại COP26, Việt Nam đã cam kết giảm mạnh điện than, đồng thời tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên mức 20% vào năm 2030 và 30% năm 2045, giảm mức độ phát thải trên tổng GDP xuống 15% năm 2030 và giảm phát thải khí methane trong sản xuất nông nghiệp xuống 10%.
Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Đây là một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việc xác định các hành động cụ thể, giải pháp giảm phát thải cần phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chi phí chuyển đổi xanh hợp lý, khả thi, phù hợp với sức chống chịu của cả nền kinh tế, của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Để tăng hiệu quả và sát với thực tiễn, cần đánh giá khái quát tình hình thực hiện cũng như chia sẻ các kinh nghiệm tốt của các địa phương về tăng trưởng xanh thời gian qua; các tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Sử dụng năng lượng tái tạo: Xu hướng của nền kinh tế xanh
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đã đưa vào Dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2050. Trong đó, xác định các nhóm nhiệm vụ, hoạt động về giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, huy động tài chính và đầu tư xanh.
Đồng thời, Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050.
Theo Cục Biến đổi khí hậu, quá trình rà soát, đánh giá việc thực hiện trong các giai đoạn trước đó đã chỉ ra, giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động phù hợp với điều kiện, năng lực của mình.
Đặc biệt, cần phải xác định và làm rõ các đồng lợi ích giữa thích ứng và giảm nhẹ, giữa hoạt động của các ngành, lĩnh vực.
Đơn cử, việc tiếp tục ưu tiên, đầu tư bảo vệ và phát triển rừng sẽ giúp tạo thêm nhiều sinh kế, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai; đồng thời tạo ra tín chỉ carbon để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ quốc tế. Từ tháng 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh, qua đó, đặt mục tiêu hấp thụ 2 - 3% lượng khí phát thải vào năm 2030.
Chủ động thích ứng hiệu quả với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế phát thải thấp chính là những mục tiêu Việt Nam đang đặt ra, dù chúng bao gồm áp lực không nhỏ đến tất cả các khía cạnh kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn. Vượt qua thách thức, Việt Nam sẽ phát huy được tiềm lực, tận dụng cơ hội, đưa đất nước trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới và đạt được các cam kết với cộng đồng quốc tế.
THANH ANH