Tay sạch để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm
Để phòng chống lây nhiễm các bệnh đường tiêu hóa, các nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm đường hô hấp xuất hiện gần đây, các chuyên gia y học đã có lời khuyên thiết thực là thường xuyên giữ đôi bàn tay sạch sẽ. Bởi các nhà khoa học đã xác định được rằng, trên 1 cm2 da của người bình thường có chứa tới 40.000 vi khuẩn. Đặc biệt số lượng này còn nhiều hơn ở trên da bàn tay, vốn là nơi thường xuyên tiếp xúc với đủ mọi vật dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy việc rửa tay bằng xà phòng rất đơn giản nhưng lại chưa được thực hiện một cách thường xuyên và rộng khắp. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết và ý thức về vệ sinh cá nhân của người dân còn hạn chế, đặc biệt ở các nước chưa phát triển.
Để giúp người dân có được nhận thức đúng và đầy đủ về việc cần rửa bàn tay sạch bằng xà phòng, từ năm 2011, trong khuôn khổ dự án Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) phối hợp Quỹ Unilever Việt Nam đã thiết kế nhiều tài liệu truyền thông đơn giản, dễ hiểu, thiết thực giúp người dân hiểu rõ vì sao cần quan tâm đến việc rửa sạch đôi bàn tay của mình. Với tinh thần chủ đạo “trao yêu thương đừng trao vi khuẩn”. Do đôi bàn tay tiếp xúc với nhiều phương tiện, vật dụng, trong đó có những phương tiện, vật dụng tiềm ẩn nhiều tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, trứng giun sán, nấm gây bệnh. Đây là những tác nhân gây các loại bệnh phổ biến như bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, viêm gan, bại liệt, giun sán, đau mắt, ghẻ lở, cúm... Nếu những bàn tay chứa nguồn gây bệnh này không được rửa sạch bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với đồ ăn thức uống, chăm sóc người thân, kể cả bắt tay xã giao, thậm chí gãi, lau mồ hôi cho mình cũng trở thành cầu nối truyền mầm bệnh cho chính mình hoặc người được chăm sóc.
Trong những năm gần đây, theo báo cáo của hệ thống y tế mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 500.000 lượt người mắc tiêu chảy, 40.000 - 50.000 lượt người bị lỵ trực trùng và lỵ amip... Số liệu này được báo cáo theo hệ thống y tế từ Trạm Y tế xã lên tuyến huyện, tỉnh, Trung ương nên không bao gồm số bệnh nhân điều trị tại nhà, không đến các cơ sở y tế
Vì thế, để có thể chỉ trao yêu thương, không trao vi khuẩn, nội dung các hoạt động truyền thông, tài liệu truyền thông đều khuyến nghị người dân cần rửa tay với xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi cho con ăn hoặc cho con bú, đồng thời cần phải rửa tay với xà phòng sau khi đi tiêu, đi tiểu, sau khi chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, sau khi làm việc, chơi thể thao, sau khi đếm tiền, hoặc tiếp xúc với các con vật, vật bẩn, hóa chất,...
Căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã ban hành quy trình rửa tay 6 bước.
Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay với nhau.
Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 4: Dùng đầu ngón tay của lòng bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
Bước 6: Xà cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.
Cần chú ý thêm là thời gian cho mỗi lần rửa tay tối thiểu là 1 phút, các bước 2, 3, 4, 5 lặp lại tối thiểu 5 lần mỗi bước. Như vậy, chỉ cần ít nhất 1 phút thực hiện hành vi nêu trên, là từng người đều có thể bảo vệ sức khỏe cho mình, người thân, cũng như cộng đồng vì hành vi này đã tiêu diệt tối đa vi khuẩn, giảm xuống tối thiểu khả năng mắc bệnh và lây lan bệnh tật qua những bàn tay bẩn.
Nguyên Bình