Thạch Thất - Hà Nội: Cần xử lý nghiêm việc mua bán chuyển đổi đất công
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí, thất thoát quỹ đất công trên địa bàn. Thời gian qua chính quyền thành phố Hà Nội đã có nhiều hành động quyết liệt, yêu cầu các cơ quan, ban ngành tích cực rà soát, kiểm trả và xử lý nghiêm tình trạng vi phạm về đất đai trong đó có quỹ đất công. Mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 847/UBND-TNMT ngày 28/3/2023 về việc tập trung tổ chức thực hiện Chuyên đề 03 của UBND Thành phố đối với nội dung về “Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất sử dụng trái mục đích trên địa bàn Thành phố”. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc xử lý vi phạm, lấn chiếm đất công còn để tình trạng vi phạm kéo dài, phát sinh những tình tiết mới.
Toàn cảnh khu đất hồ cửa núi trước và sau khi bị san lấp
Để ngăn chặn tình trạng trên và quản lý hiệu quả quỹ đất công tại đia phương, Tạp chí Sức khỏe & Môi trường thực hiện chuyên đề: “Tăng cường công tác quản lý đất đai, tránh tác động xấu tới môi trường”, với mục đích đưa ra những đánh giá về tình hình thực tế đang diễn ra, đề xuất những giải pháp, quản lý sử dụng đất, bảo đảm đúng pháp luật, giữ gìn hiện trạng đất tự nhiên, bảo tồn môi trường cảnh quan, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô văn minh, giàu đẹp.
Quá trình thực hiện chuyên đề, Ban biên tập Sức khỏe & Môi trường nhận được thông tin phản ánh của người dân thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất về việc: ông Đặng Văn Tuấn mặc dù đã bị UBND xã Cần Kiệm ra quyết định cưỡng chế buộc khôi phục tình trạng đất ban đầu đã bị thay đổi tại thửa đất số 123, khu cửa núi, thôn Phú Đa 1, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Tuy nhiên ông Tuấn đã không chấp hành theo quy định ngược lại còn tiếp tực tổ chức san lấp, xây dựng đường bê tông trong khuân viên, đặc biệt một phần diện tích khu đất này có dấu hiệu được chuyển nhượng cho một người dân khác với trị giá nhiều tỷ đồng. Các cấp chính quyền huyện Thạch Thất không hề hay biết và không có biện pháp xử lý dứt điểm. Do đó, ảnh hưởng đến quy hoạch, công tác quản lý quỹ đất công và tác động xấu đến môi trường, hành lang an toàn bảo vệ đê.
Một phần khu đất hồ cửa núi (ngay sát chân đê) đã được ông Đặng Văn Tuấn san lấp, xây dựng nhà chòi, làm đường và kinh doanh cây cảnh
Theo thông tin người dân phản ánh, phóng viên (PV) đã có mặt tại khu đất trên. Qua quan sát của PV, đứng từ trên đê Tả Tích có thể dễ dàng nhận thấy hồ cửa núi đã bị san lấp và biến tướng với nhiều công trình xây dựng như nhà cấp 4, nhà chòi, hàng rào thép B40, đường bê tông và các loại cây cảnh cùng cột quảng cáo được ông Tuấn dựng lên với mục đích kinh doanh, giao lưu buôn bán…
Ông Nguyễn Văn H…người dân thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm cho biết: “Trước đây khu vực này là một cái hồ sinh thái, sau khi con đường H14 thi công chạy qua thì khu vực này đã bị san lấp gần hết, họ đổ đường bê tông, làm nhà chòi và kinh doanh cây cảnh. Để che mắt những việc làm bên trong họ còn cho trồng cỏ voi xung quanh làm tường rào. Điều đáng ngạc nhiên đây là khu đất công nhưng họ đang giao dịch mua bán với giá từ 6 - 7triệu đồng/m2.
Theo thông tin của UBND xã Cần Kiệm, khu đất này có diện tích gần 4.800 m2 bao gồm đất thuê 1.800 m2, bãi rác 500 m2, hành lang đê Tả Tích và kênh mương 2.500 m2. Năm 2016 UBND xã đã cho ông Tạ Văn Bảo ở thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm thuê để trồng trọt, chăn nuôi, thả cá với thời hạn thuê là 5 năm và yêu cầu ông Bảo trong quá trình chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ đê. Tuy nhiên đến năm 2021, UBND xã Cần Kiệm đã chấm dứt hợp đồng thuê đất vì không đúng thẩm quyền.
Người dân cho biết, sau khi nhà nước thi công tuyến đường H14, khu đất này đã bị cắt đi 2.000 m2 bán cho một cá nhân tại xã Hữu Bằng với giá 6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Chinh - Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm cho biết: Việc ông Tạ Văn Bảo đã bị UBND xã Cần Kiệm chấm dứt hợp đồng thuê đất mà lại chuyển nhượng cho ông Đặng Văn Tuấn là sai. Mặt khác ông Tuấn không được thuê đất mà tổ chức san lấp làm biến dạng địa hình, suy giảm khả năng sử dụng đất là hành vi vi phạm về đất đai. Chính quyền xã Cần Kiệm đã vào cuộc, ban hành quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến nay ông Tuấn chưa thực hiện. Sắp tới UBND xã sẽ lên phương án cưỡng chế và xử lý triệt để vấn đề này. Khi PV đề cập đến việc hiện nay ông Tuấn không thực hiện theo chỉ đạo của UBND xã mà còn chuyển nhượng phần đất này cho một người dân ở xã Hữu Bằng. Ông Chinh cho rằng, không có việc chuyển nhượng mua bán vì đây là đất công do Nhà nước quản lý.
Tuy nhiên, theo nguồn tin người dân cung cấp: Ông Đặng Văn Tuấn không phải người địa phương, không được chính quyền cho thuê đất, nhưng đã đầu tư san lấp gần 5.000 m2 với kinh phí nhiều tỷ đồng bao gồm tiền mua đất và phí “làm luật”. Sau đó ông Tuấn cắt đi một phần diện tích khoảng 2.000 m2 bán lại cho một người ở xã Hữu Bằng với giá gần 6 tỷ đồng. Người này cho biết đã mua của ông Tuấn từ tháng 11/2021 và hiện tại có khách mua trả 12 tỷ đồng nhưng chưa muốn bán. Nhưng nếu có bán thì giá phải hơn thế vì ông phải chạy bao nhiêu cửa chi phí cũng rất tốn kém, riêng tiền mua đất đổ vào đó đã mất hơn 1tỷ đồng, tiền “làm luật” khoảng 500 triệu đồng.
Để xảy ra tình trạng trên là do trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở, khi phát hiện vi phạm không có hình thức xử lý kịp thời, dứt điểm khiến cho vụ việc kéo dài, vi phạm trở nên nghiêm trọng, phức tạp. Đã đến lúc UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Thạch Thất và các cơ quan liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra sự việc trên. Đồng thời làm rõ việc có hay không cá nhân, tổ chức nào đứng sau tiếp tay cho việc mua bán, chuyển nhượng quỹ đất công ngay tại khu vực bảo vệ đê Tả Tích. Đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật khi có sai phạm trong quản lý đất đai.
UBND xã Cần Kiệm đã ban hành quyết định xử phạt với mức 5.000.000đ và buộc ông Đinh Văn Tuấn phải khôi phục lại tình trạng đất ban đầu. Tuy nhiên đã quá 4 tháng ông Tuấn không thực hiện và xã Cần Kiệm cũng chưa có biện pháp cưỡng chế
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu Cchủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.
Văn bản số 847/UBND-TNMT, ngày 28 tháng 3 năm 2023 của UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực quyết liệt những giải pháp đồng bộ để xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất công theo quy định của pháp luật và chỉ đạo Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay khi xuất hiện các hành vi vi phạm, lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm các quy định tại khoản 2, Điều 208 Luật Đất đai năm 2013, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cán bộ, công chức tại địa bàn các phường, xã, thị trấn để phát sinh các vi phạm mới mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Thúy - Hùng