Thái Nguyên: Khai thác, vận chuyển đất đá không giấy phép, xe quá tải trọng phá hỏng đường dân sinh, chính quyền ngó lơ!
Vậy những chiếc xe này là của ai, máy xúc đang múc cái gì, chở đi đâu và với mục đích gì? Sau khi làm việc với UBND xã Hóa Trung để xác nhận thông tin, nhóm phóng viên đi theo con đường mà các xe quá khổ, quả tải lưu thông. Khi đến khu vực khai thác mỏ của các đơn vị đã nêu trên thì đập vào mắt là cảnh tượng một chiếc máy xúc đang múc đất đá và đưa lên các xe tải mang biển kiểm soát 20H-00353, 20C-06502, sau đó vận chuyển đi nơi khác.
Hai chiếc xe đang chở đất tại khu vực khai thác không được cấp phép khai thác đất
Ngoài 2 xe đang chờ xúc đất, còn có thêm 3 chiếc xe mang biển kiểm soát 20C-06750, 20H-00368 và 20C-20994 lần lượt di chuyển vào khu vực được cho là khai thác đất “trái phép”.
Thấy có điều bất thường, chúng tôi đã liên hệ, báo cáo tình hình cho ông Nguyễn Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Trung nhằm nắm được tình hình và có phương án xử lý, thế nhưng nhận lại từ ông Duy là câu nói ngắn gọn: “Các em cứ ghi nhận hình ảnh lại giúp anh” và không còn hành động nào sau đó.
Liệu đây có đúng với bổn phận, trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo xã được nhà nước tin tưởng giao phó hay không? Hay đằng sau còn một lý do, nguyên nhân nào khác mà các cán bộ, chính quyền địa phương lại “làm ngơ” trước những sự việc này?
Những chiếc xe khác đang trên đường vào khu khai thác đất trái phép
Trong khi chính quyền xã Hóa Trung khẳng định chắc nịch với phóng viên, tại khu vực này không có mỏ nào được cấp phép khai thác thì tình trạng khai thác đất lại ngang nhiên diễn ra “giữa ban ngày”, và không hề bị cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương ngăn chặn, xử phạt.
Để làm rõ hơn thông tin, nhóm PV tiếp tục tìm tới khu dân cư xóm Nhị Hòa, phường Đồng Bẩm, Thái Nguyên – nơi những chiếc xe tải dừng bánh và đổ đất. Theo ông Duy, Phó Chủ tịch xã Hóa Trung, khu vực này đứng tên ông Nguyễn Thế Anh, người đã từng bị lập biên bản về vấn đề khai thác, vận chuyển đất trái phép. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn giữa sự chứng kiến của nhiều người dân, gây ô nhiễm và ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sống. Còn chính quyền địa phương lại ngó lơ, thậm chí coi như chưa từng có chuyện xảy ra và không hề có sự vào cuộc ngăn chặn, xử lý.
Theo biên bản trên, UBND xã Hóa Trung chỉ xử phạt dưới hình thức nhắc nhở, yêu cầu tháo dỡ và di dời các phương tiện chứ không có tính răn đe đối với chủ đất. Điều đáng nói, đây là biên bản xử phạt lần 2 nhưng vẫn ở tình trạng nhắc nhở. Phải chăng biên bản được lập lên cho có, hay UBND xã Hóa Trung chưa làm hết trách nhiệm xử lý sai phạm của ông Nguyễn Thế Anh?
Liên hệ tới Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Hỷ, PV đã có buổi làm việc cùng ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng. Ông Bảy cho biết, con đường PV đã đưa tin dẫn vào các khu sản xuất từ nhiều năm nay và không đủ điều kiện để nâng cấp cải tạo đường. Còn về tình trạng xe quá khổ quá tải lưu thông, theo đánh giá tác động môi trường thì vẫn đảm bảo đúng quy định. Song, ông Bảy không hề cung cấp được bất kỳ giấy tờ liên quan đến vấn đề đánh giá tác động của những loại xe trên.
Ông Bảy cũng cho biết thêm: “Về phía khu vực khai thác đất trái phép, huyện cũng đã nắm được và phối hợp với UBND xã Hóa Trung xử phạt hành chính 2 lần đối với chủ hộ Nguyễn Thế Anh. Và theo chỉ đạo của tỉnh, để tăng cường việc quản lý tài nguyên môi trường, chủ tịch UBND huyện đã lập bản cam kết với các chủ tịch xã về việc quản lý tài nguyên tại địa phương. Nếu ở địa phận xã nào để xảy ra tình trạng khai thác trái phép hay bất cứ sai phạm nào liên quan đến vấn đề tài nguyên thì chủ tịch xã đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện. Về khu vực khai thác đất trái phép này, trách nhiệm thuộc về UBND xã Hóa Trung, xử phạt đã có lưu trong hồ sơ. Cần có chứng cứ cụ thể để xác minh làm rõ hành vi của chủ đất để xử phạt. Nhưng do khu vực khai thác đất trái phép quá xa UBND huyện và gần khu vực mỏ nên việc xác minh thông tin vẫn còn gặp khó khăn.”
Khi được PV đưa ra bằng chứng đang khai thác đất của chủ hộ, ông Bảy cho biết: “Tình hình này UBND huyện đã nắm được, về phần xử phạt thì UBND huyện sẽ lên phương án xử lý sau”
Con đường thuộc xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng dẫn vào khu vực sản xuất xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung là con đường chung cho rất nhiều hộ dân thuộc 2 xóm Tân Thái và xóm Phúc Thành, con đường này đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt nhiều gia đình nhưng không có bất cứ cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết. Nhìn nhận lại, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những việc này? Ngoài người dân ra, trách nhiệm bảo vệ môi trường nơi đây thuộc về ai? Đây là những câu hỏi hiện nay chưa có lời giải đáp.
Tình trạng khai thác đất trái phép tại khu vực xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ đã xảy ra gần một năm nay, thế nhưng, chính quyền nơi đây chỉ xử phạt ở mức đồ nhắc nhở, và vẫn để tình trạng này tiếp diễn. Phải chăng, viêc khai thác trái phép tài nguyên là vấn đề không đáng quan tâm với chính quyền UBND huyện Đồng Hỷ nói chung và với chính quyền UBND xã Hóa Trung nói riêng? Việc này trái với nội dung mà bản cam kết về quản lý tài nguyên mà chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ đã ký với các chủ tịch xã trên địa bàn, như vậy là đúng hay sai? Chủ hộ sai phạm đến lần thứ 2 nhưng vẫn xử phạt ở mức nhắc nhở đã đúng với quy định của pháp luật về việc quản lý tài nguyên hay chưa? Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
MẠNH HIỆP – HUY VŨ