Than “thổ phỉ” phá môi trường ở Hải Dương?
Những con đường bê-tông nhỏ, hẹp, được đóng góp xây dựng bằng mồ hôi, công sức của người dân xã Tân Dân và thị trấn Minh Tân thuộc huyện Kinh Môn, Hải Dương, đang bị cày nát mỗi ngày bởi phải oằn mình gánh hàng trăm “hung thần xe tải” chở hàng nghìn tấn than “thổ phỉ” “nhập” về từ các lò than ở tỉnh Quảng Ninh.
Chung sống với bụi than
Khoảng năm năm trước, tỉnh Quảng Ninh kiên quyết dẹp vấn nạn khai thác than thổ phỉ, trong đó kiên quyết xử lý những bến bãi kinh doanh than trái phép ở xã Kim Sơn, huyện Đông Triều, và đã thành công. Các bến bãi kinh doanh than trái phép dọc theo sông Đá Vách trên địa bàn Kim Sơn hoàn toàn bị giải tỏa.
Cổng làng văn hóa Thượng Chiểu nhem nhuốc vì bụi than.
Nhưng không hiểu bằng cách nào, chính quyền xã Tân Dân, huyện Kinh Môn, lại tiếp tay cho “than tặc” Quảng Ninh bằng cách “di chuyển” cả chục bến bãi than bên bờ tả sông Đá Vách về bên bờ hữu, thuộc vùng đất bãi chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã Tân Dân.
Rất nhanh chóng, các bến bãi đã hoạt động hết công suất. Hằng ngày, vài trăm xe tải quá khổ, quá tải, trọng tải từ 50- 60 tấn mỗi xe, quần thảo ngày đêm trên những con đường bê-tông chỉ cho phép trọng tải tối đa là 10 tấn, nhưng không có bất cứ cơ quan chức năng nào kiểm tra. Đoạn đê Đá Vách thuộc địa bàn thôn Thượng Chiểu, xã Tân Dân là một trong những công trình phòng chống lụt bão quan trọng của tỉnh không thể chống chọi với những “hung thần” siêu trọng, nhiều đoạn đã bị sạt lở. Công trình cống qua đê Đá Vách ở thôn Thượng Chiểu đã không thể chịu được sức nặng nên phần gạch xây, bê-tông hai bên đầu cống đã nứt toác và có nguy cơ sập cống bất kể khi nào.
Ông Bùi Văn Hào, sinh năm 1950, ở thôn Thượng Chiểu, buồn rầu chỉ một số vết nứt trên các nhà dân, rồi nói: Đường nhỏ chật chội, xe tải trọng lớn chạy qua khiến các công trình nhà dân rung bần bật. Người dân rất lo xảy ra sự cố sập nhà. Trên đường bê-tông, nhiều đoạn đã sụt lún, gãy nát, thậm chí đã xảy ra một số tai nạn giao thông nghiêm trọng, chết người do xe chở than phóng ẩu.
Thương binh Cao Văn Thế, sinh năm 1952, bức xúc cho biết: Năm 2001, ông cùng hơn chục hộ dân Thượng Chiểu, mỗi hộ nhận thầu khoảng 1,5 mẫu đất chuyển đổi ở bãi ngoài sông Đá Vách. Các hộ đã lập vườn, trồng cây, thả cá. Đang làm ăn yên ổn, xã cho một số hộ chuyển nhượng đất nông nghiệp ở bãi ngoài thành bãi kinh doanh than. Vậy là, những hộ còn lại chết kẹp giữa các bãi than. Than tràn xuống ao làm cá chết; bụi than tràn vào chuồng lợn nái làm chết hết lợn con; gà vịt nuôi không lớn; rau màu, cây ăn quả chết lụi vì bụi than bám đen cành lá. Không chỉ các công trình xây dựng, đê, kè, cống, đường giao thông bị tàn phá, cây trồng, vật nuôi ở đất bãi ngoài đê Đá Vách bị hủy hoại, ngay cả khu ruộng đất 03 bên trong đê của nhiều hộ dân cũng không thể canh tác bởi hoa màu nhuộm bụi than không thể phát triển. Nhân dân đành bỏ hoang để cỏ mọc, chăn dê.
Ở vùng đất Minh Tân và Tân Dân, người dân vốn đã vất vả chịu đựng sự ô nhiễm của khói bụi xi-măng. Nhưng từ khi than “thổ phỉ” được nhập về đất Tân Dân, cuộc sống người dân càng thêm khốn đốn. Bụi than phủ đen các mái nhà, ruộng đất không thể canh tác, các vườn cây ăn quả nhuốm bụi than đen xỉn, lá cây không thể quang hợp, nguồn nước và môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề… Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang vì một số gia đình không thể sống chung với than “thổ phỉ”. Người dân nơi đây đang lo lắng bởi nguy cơ mắc các căn bệnh về hô hấp, đường ruột và cả ung thư.
Trách nhiệm của chính quyền ở đâu?
Cống qua đê Đá Vách tiềm ẩn nguy cơ sập đổ vì xe quá tải.
Ông Bùi Đức Biển, sinh năm 1941 ở xã Tân Dân than thở: Cả vùng đất bị tàn phá, ba năm qua chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên chính quyền xã nhưng không được giải quyết. Bức xúc quá, vừa rồi gần 80 hộ dân thôn Hạ Chiểu (thị trấn Minh Tân) buộc phải kiến nghị lên huyện, mặc dù chúng tôi rất sợ vì chính quyền “đe” không được gửi đơn vượt cấp. Dân “xã hội đen” “đe” ai đi kiện thì “coi chừng”… nên chỉ một số người già mới dám xưng danh khi “tố” chuyện than với người ngoài.
Ngày 17-4, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân Thân Văn Bừng thẳng thắn thừa nhận: Xã có chủ trương cho chuyển nhượng đất chuyển đổi cây tròng ngoài bãi sang kinh doanh vật liệu xây dựng để “phát triển kinh tế”. Việc người dân kiến nghị là đúng. Ngoài đê Đá Vách có chín bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng không cho kinh doanh than, “vì Tân Dân không có than”, “huyện Kinh Môn cũng không có than”. Trong chín bãi có một bãi tỉnh cấp phép, hai bãi “của” huyện, còn lại là của xã. Xã không cho kinh doanh than, nhưng không hiểu “từ đâu” than lại nhập về nhiều như vậy. Việc xe siêu trọng, quá khổ, quá tải chở than gây ô nhiễm môi trường và làm hư hại đường giao thông, kể cả đê là không tránh khỏi.
Than là nguồn tài nguyên, khoáng sản quốc gia và cần được sự quản lý chặt chẽ. Vậy nhưng chính quyền huyện Kinh Môn chỉ biết khi 78 hộ dân thôn Hạ Chiểu ký đơn kiến nghị.
Trả lời kiến nghị của nhân dân xã Tân Dân, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn Tiên Văn Hồng xác nhận ý kiến kiến nghị của nhân dân về vấn đề trên là đúng, nhưng cũng “chỉ rõ” trách nhiệm của chính quyền thị trấn Minh Tân và xã Tân Dân: “… không báo cáo về UBND huyện để chỉ đạo giải quyết kịp thời, dẫn đến tình trạng một số công dân viết đơn kiến nghị (78 chữ ký) gửi đến Chủ tịch UBND huyện. Trong lãnh đạo, quản lý, điều hành tại địa phương, nhất là công tác nắm tình hình tại cơ sở chưa sâu sát để các bến bãi hoạt động tự do, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND thị trấn Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cần rút kinh nghiệm”…
Phải chăng UBND huyện và các ngành chức năng trên địa bàn không biết sự việc xe quá tải, quá khổ chở than tàn phá các công trình và môi trường khu Nhị Chiểu trong suốt ba năm qua. Đó là chưa kế đến việc kiểm soát nguồn gốc cùng hóa đơn nhập rồi xuất lượng than “khủng” trên địa bàn huyện Kinh Môn.
Không chỉ “không biết” sự việc nghiêm trọng nêu trên, UBND huyện Kinh Môn còn “không biết” tình trạng khai thác tài nguyên đất đồi trái phép diễn ra ở núi Bu Lu thuộc hai xã Bạch Đằng và Lê Ninh (Kinh Môn) trong thời gian dài, khiến nhân dân bức xúc, chính quyền tỉnh phải vào cuộc. UBND huyện Kinh Môn cũng không biết việc nhà máy sản xuất hóa chất Niken của Công ty TNHH Trường Khánh xây dựng “chui” ở thôn Châu Xá (Tân Dân) gây ra vụ việc phức tạp và dư luận không tốt suốt từ năm 2013 tới nay.
Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, cùng các ngành chức năng sớm kiểm tra xem xét, làm rõ và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, quản lý bến bãi, sản xuất, kinh doanh than và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Kinh Môn; đồng thời xem xét, làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền huyện Kinh Môn và UBND thị trấn Minh Tân, UBND xã Tân Dân.