Thay đổi tư duy sản xuất, định vị nông nghiệp với đa góc độ
Nhân rộng mô hình “tuần hoàn-thuận thiên”
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp để thích ứng với BĐKH, hay chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đang là một yêu cầu cấp bách sống còn của vựa lúa miền Tây.
Nhiều người dân ở Long Mỹ biết đến anh Út Giang (Bùi Tiền Giang), 44 tuổi thuộc thế hệ nông dân 8X, thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH). Năm 2014, Út Giang chỉ thuần khởi nghiệp từ nuôi bò; 2016 anh nuôi thêm trùng. Để rồi khi được cán bộ khuyến nông vận động, anh đã hoàn thiện bước đầu mô hình KTTH khi nuôi thêm lươn thịt và lươn giống cung cấp cho người nuôi. “Thức sớm, ham học hỏi, năng động, say mê với chăn nuôi”- là nhận xét của người dân ở xã Vĩnh Viễn A dành cho anh Út Giang.
Mô hình kinh tế tuần hoàn mỗi năm mang về cho anh Út Giang ở huyện Long Mỹ từ 300-600 triệu đồng. |
Được biết, với 1ha đất, ban đầu anh chỉ nuôi bò, kèm trồng cỏ. Nhưng nhờ được ngành nông nghiệp tư vấn thêm kỹ thuật anh đã cơi nới thành mô hình KTTH: Đó là tận dụng phân bò nuôi trùng quế, trùng quế làm thức ăn cho lươn và cả thức ăn cho bò. “Bò có trọng lượng 400/con chỉ cần pha 100-200 gram trùng quế ngâm rượu nấu cháo là ăn được. Vì trùng quế có đạm rất cao, pha đúng liều lượng mới giúp bò tăng trọng. Áp dụng mô hình KTTH trong gần 5 năm, tôi có thu nhập từ 300-600 triệu đồng/năm”, anh Út Giang chia sẻ kinh nghiệm.
Ngoài ra, tận dụng túi Biogas phục vụ nấu nướng; ao mương trồng cỏ, anh Út Giang còn tận dụng thả thêm cá sặc rằn, cá lóc, thát lát, cá dầy… Ngoài ra, nhờ tiền bán phân trùng 2.000 đồng/kg (khoảng 40 tấn/năm) nên cho thu nhập cũng khá. Cái hay của mô hình là anh Út Giang tiết kiệm rất lớn chi phí đầu vào, thu nhập rải đều quanh năm. Ngoài áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, anh được người dân ở đây quý mến khi giúp nhiều hộ có bò để nuôi.
Hậu Giang là tỉnh không nằm ven biển nhưng chịu tác động của mặn xâm nhập từ cả biển Đông và biển Tây. Người dân ở đây từng bị thiệt hại nặng do khô hạn, nước mặn xâm nhập. Nhưng giờ, họ có mô hình chuyển đổi sản xuất, thích ứng với BĐKH và mang lại hiệu quả cao. Trong đó, nông dân xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ thay vì chỉ trồng lúa (thường bị thiệt hại khi mặn xâm nhập) thì đã chuyển sang mô hình luân canh: 1 vụ lúa-1 vụ tôm. Nông dân tận dụng nước mặn để nuôi tôm thẻ, tôm sú quảng canh, lợi nhuận có thể đạt 50-60 triệu đồng/ha (cao gấp 2 lần so với trồng lúa).
Nông dân Hậu Giang thu hoạch tôm. |
Đặc biệt vụ lúa tiếp theo giảm 50% chi phí sản xuất, lúa lại rất trúng. Đây là mô hình nông dân vùng bán đảo Cà Mau đang làm, được đánh giá cao khi thích ứng với BĐKH. Cũng tại Hậu Giang, mô hình sử dụng hệ thống tưới phun tự động trong vườn sầu riêng thích ứng với BĐKH đang được nông dân áp dụng rộng rãi. Mô hình tưới phun tự động tiết kiệm nước cho vườn cây ăn trái. Đây là mô hình giúp tiết kiệm công lao động, nhiên liệu, nguồn nước ngọt và đảm bảo đủ nước cho cây trồng phát triển tốt, thích ứng với BĐKH. Vào mùa mưa lũ năm nay, hàng chục nghìn nông dân Hậu Giang và ĐBSCL cũng đã tận dụng để làm lúa thu đông (vụ 3), để nước tràn đồng trồng sen, hoặc tận dụng thức ăn từ tự nhiên để nuôi cá. Mô hình được các nhà khoa học đánh giá rất cao: Khi bỏ lúa vụ 3, mở ra không gian trữ nước ngọt, rửa trôi các hóa chất độc hại, duy trì nguồn phù sa cho đồng ruộng… ĐBSCL đã và đang đầu tư cho các mô hình “thuận thiên” này.
Tạo sức sống mới cho nông thôn
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong lĩnh vực này, Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước BĐKH; luôn được phân loại là nước chịu “rủi ro rất cao” hoặc “rủi ro cực độ”. Dự báo đến năm 2030, 2050 và 2100, ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của rủi ro BĐKH. Hơn một nửa diện tích ĐBSCL thấp hơn mực nước biển khoảng một mét và dễ bị ngập lụt. Thủy điện sông Mê Công, khai thác cát và khai thác nước ngầm đã khiến an ninh nguồn nước của ĐBSCL gặp nhiều rủi ro hơn.
Với diện tích hơn 1,5 triệu ha lúa (làm 3 vụ xoay vòng khoảng 3,7 triệu ha/năm), hơn 700.000 ha nuôi tôm, 400.000 ha trồng cây ăn trái, ĐBSCL giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu. Có thể nói, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương trong vùng đã nỗ lực rất lớn thông qua các chính sách để hỗ trợ nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, các mô hình này vẫn còn khiêm tốn so với diện tích sản xuất nông nghiệp hàng triệu ha. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang nỗ lực rất lớn để làm cuộc cách mạng trong sản xuất lúa ở miền Tây thông qua việc thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Thu hoạch tôm tại tỉnh Hậu Giang.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong bối cảnh 3 chữ “biến” tác động mạnh đến nông nghiệp, trong đó có ngành hàng lúa gạo ĐBSCL: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới. Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Đó là chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải; nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất gắn với giảm phát thải. Ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn… “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ĐBSCL phải chuyển mình, phải thực hiện cho được Đề án với mục tiêu hình thành được một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo…”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp rất tâm đắc về việc chuyển dịch giảm bớt diện tích đất trồng lúa nhiều vụ/năm. Vùng mặn ven biển có bước chuyển khá ấn tượng khi đã có khoảng 200.000ha sản xuất theo mô hình lúa-tôm. Mùa mưa thì trồng lúa, hết mưa thì nuôi tôm.
Mô hình nuôi tôm của nông dân huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã và đang mang lại hiệu quả cao. |
Tinh thần Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH là xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên, đồng thời là sự xoay trục ưu tiên. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL phân tích: “Cùng với Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Chính phủ đã thông qua Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch vùng ĐBSCL là quy hoạch vùng đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch, thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới” cho tương lai phát triển vùng ĐBSCL… Đây là những cơ sở quan trọng để ĐBSCL tiếp cận về nông nghiệp-nông dân-nông thôn cho giai đoạn tới với đa góc độ, đa nền tảng và đa phương tiện…”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: “Chúng ta sẽ phấn đấu hướng đến tạo dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Qua đó, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp; chuẩn hóa chất lượng, quy trình sản xuất, canh tác; đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, vùng trồng, vùng nuôi; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với các ngành nghề, lĩnh vực (cụm liên kết nông nghiệp-công nghiệp-thương mại-dịch vụ…) làm “đòn bẩy” tạo sức sống mới cho nông thôn: Đáng sống, đáng lập nghiệp, hài hòa và bản sản”.