“Thầy Hoàng” chữa xương khớp mạo danh uy tín người khác để quảng cáo thuốc
Sử dụng hình ảnh người khác để tạo tài khoản trên mạng xã hội, lấy video của lương y nổi tiếng để quảng cáo chữa bệnh xương khớp, việc làm vi phạm pháp luật này đang bị một số cá nhân lợi dụng nhằm mục đích bán thuốc trục lợi. Chưa nói đến tính hiệu quả của bài thuốc, không ít người sử dụng đã vô tình “mắc bẫy” khi tin vào những lời quảng cáo “đường mật” trên mạng xã hội…
Mạo danh người nổi tiếng để quảng cáo
Với mục đích quảng cáo bán thuốc, tài khoản facebook “Thầy Hoàng” đã những lời chào mời “đường mật” trên mạng xã hội về bài thuốc gia truyền 3 đời chữa bệnh xương khớp: “Mong ước lớn nhất của gia đình tôi là được mang những bài thuốc đặc trị gia truyền chữa dứt điểm bệnh thoát vị đĩa điệm, gai cột sống cho bà con khắp mọi miền đất nước”; “Hàng ngày, tôi vẫn cùng gia đình tìm kiếm các loại thảo dược quý hiếm để điều chế bài thuốc đặc trị mà tổ tiên để lại, với niềm tin rằng chúng tôi sẽ mang lại nụ cười hạnh phúc cho hàng nghìn người đang sống chung với căn bệnh này".
Tài khoản facebook “Thầy Hoàng” còn lấy hình ảnh GS - TS Nguyễn Lân Việt - Chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam, để làm ảnh đại diện
“Chỉ cần sử dụng đúng và đủ liệu trình, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống” sẽ được điều trị triệt để”, “điều trị bệnh từ gốc, không gây tác dụng phụ, không biến chứng, tỷ lệ tái phát thấp”, quảng cáo ghi rõ.
Trong các quảng cáo để bán thuốc này, được biết, giá bán mỗi thang thuốc là 100.000 đồng/gói. Mỗi liệu trình là 10 thang, dùng trong 1 tháng. Thời gian điều trị tùy theo mức độ bệnh.
Tuy nhiên, những quảng cáo này tuyên bố “hùng hồn” nhưng rất mâu thuẫn đó là, thầy thuốc sẽ chữa khỏi bệnh từ 10 thang. Nếu không khỏi sẽ hoàn trả lại tiền.
Theo thông tin trên tài khoản cá nhân này thì đây là chủ của Nhà thuốc nam “Thầy Hoàng” có địa chỉ tại thôn Đại Vường, Xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn, tĩnh Hà Tĩnh (trên trục QL 8A, đoạn Km 34 + 800).
Điều đáng nói là, trên trang cá nhân này liên tục sử dụng hình ảnh mạo danh, cũng như sử dụng video clip để quảng cáo bán thuốc nhằm trục lợi. Cụ thể, tài khoản facebook “Thầy Hoàng” đã mạo danh lương y Võ Hoàng Yên (lương y nổi tiếng ở Hà Tĩnh - PV), lấy clip của thầy Yên để chạy quảng cáo việc chữa bệnh của mình.
Tài khoản này sử dụng clip của lương y Võ Hoàng Yên đang chữa bệnh xương khớp để quảng cáo cho việc bán thuốc của mình.
Tài khoản facebook này còn lấy hình ảnh GS - TS Nguyễn Lân Việt - Chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam, để làm ảnh đại diện, gây hiểm nhầm cho bệnh nhân.
Để tăng thêm uy tín, tài khoản facebook này còn mạo danh là Trưởng khoa tại Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An.
Mạo danh là Trưởng khoa tại Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An?
“Tôi chỉ thuê ở ngoài”
Theo xác minh của PV Sức khỏe & Môi trường khi liên hệ với đơn vị Sở Y tế tỉnh Nghệ An thì không có Thầy Hoàng nào ở Quảng Trị làm Trưởng khoa tại bệnh viện này.
Chúng tôi gọi đến số 0983.875.xxx ghi trên tài khoản facebook “Thầy Hoàng”, người đàn ông tự nhận mình chính là Thầy Hoàng cho biết, việc quảng cáo trên facebook là do một “đơn vị bên ngoài” làm.
Mục đích của việc mạo danh nhằm quảng cáo thuốc chữa xương khớp
Khi được hỏi về việc, ông có biết giả mạo danh tiếng, uy tín của người nổi tiếng để trục lợi là vi phạm pháp luật, “Thầy Hoàng” trả lời: “Tôi không biết. Tôi chỉ thuê bên ngoài làm”, “Thầy Hoàng” nói.
Khi chúng tôi hỏi về bằng cấp, chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh, “Thầy Hoàng” trả lời lấp lửng rằng “đó là bài thuốc gia truyền 3 đời, tôi quảng cáo như vậy để nhiều người biết đến”. Sau đó, “Thầy Hoàng” này viện lý do bận, không trả lời thêm.
Chúng tôi đã trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng, Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật về vấn đề này.
Theo chị Hằng, hiện nay, nhiều người đã lợi dụng sức mạnh của mạng xã hội như facebook, zalo.. mạo danh người khác để trục lợi. Mục đích của việc giả mạo có thể khác nhau như lợi dụng danh tiếng của người bị giả mạo để quảng cáo, bán hàng; lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản; hay bôi nhọ danh dự của người khác...
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/ 11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm g Khoản 3 Điều 66); hành vi “giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điểm đ Khoản 3 Điều 64).
Bên cạnh đó, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm từ việc giả mạo tài khoản mạng xã hội của người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến vấn đề khám chữa bệnh đòi hỏi người khám chữa bệnh phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có những vi phạm như khám chữa bệnh không có giấy phép, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động….thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Sức khỏe & Môi trường sẽ tiếp tục điều tra làm rõ..
NHÓM PHÓNG VIÊN