Thầy thuốc mặc áo lính ở bệnh viện Quân dân y Cần Thơ
Các bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Quân dân y TP. Cần Thơ. |
Tận tâm với người bệnh
Trao đổi với tôi khi vừa thực hiện xong ca phẫu thuật chân cho bệnh nhân Đặng Thị Sáu, 61 tuổi, ngụ tại xã Trung Hưng, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, Thượng tá, Bác sĩ chuyên khoa II (BSCKII) Nguyễn Minh Phong, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y TP Cần Thơ cho biết, Bệnh viện được thành lập ngày 28/4/2017, nằm tại thị trấn Cờ Đò, huyện Cờ Đỏ. Hiện nay, Bệnh viện gồm 3 phòng chức năng, 6 khoa chuyên môn, với quy mô 60 giường bệnh. Để tạo được uy tín, sự tin tưởng của bệnh nhân, chúng tôi xác định phải xây dựng được đội ngũ y, bác sĩ gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, thể hiện rõ trách nhiệm trong công việc được giao. Thời gian qua lòng tin của bệnh nhân và gia đình họ đối với y, bác sĩ ngày càng được nâng lên, hằng ngày số lượng bệnh nhân điều trị nội trú luôn có từ 80 đến 100 lượt người. Bệnh viện còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng đến khám và điều trị.
Ghé phòng khám của Bác sĩ Lê Hữu Ngân, Chủ nhiệm Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn khi anh đang khám bệnh cho bệnh nhân Đoàn Thị Bảo Trân, 8 tuổi, ngụ tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt bị chấn thương ở bàn chân. Sau khi trực tiếp khám và xem phim X. quang, bác sĩ Ngân ân cần tư vấn cách điều trị cho người nhà bệnh nhân. Phía bên ngoài, nhiều bệnh nhân đang đợi tới lượt khám. “Với vai trò là Chủ nhiệm Khoa, tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên quán triệt, nhắc nhở các y, bác sĩ rèn luyện y đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cùng giúp đỡ lẫn nhau để công việc đạt hiệu quả. Từ ngày thành lập đến nay, chúng tôi đã cấp cứu thành công nhiều trường hợp. Chính từ sự hiệu quả đó đã tạo được niềm tin của người bệnh, đồng thời khẳng định được trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ”, Bác sĩ Lê Hữu Ngân nói.
Còn tại Khoa Sản, chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh Tuấn, chồng của chị Trần Thị Thanh Hiền, ngụ ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, mới sinh con được 2 ngày chia sẻ, “Đây là lần đầu tiên vợ tôi sinh con. Trước đó, tôi được nhiều người khuyên đến các bệnh viện lớn, nhưng tôi vẫn quyết định để vợ sinh ở đây. Hai mẹ con đều khỏe mạnh và dự kiến sẽ được xuất viện trong 1 hoặc 2 ngày tới. Bệnh viện ở đây gần nhà, thuận tiện cho việc tới lui, lại thông thoáng, sạch đẹp. Tôi rất cảm ơn các y, bác sĩ đã chăm sóc với tinh thần, thái độ nhiệt tình và thận thiện”. Được biết, từ ngày thành lập đến nay, Khoa Sản Bệnh viện Quân dân y TP Cần Thơ có trên 200 ca sinh sản an toàn.
Hiện nay, ngoài công tác khám và điều trị tại chỗ, Bệnh viện Quân dân y Cần Thơ còn duy trì “Tổ cấp cứu ngoại viện”. Tổ gồm 1 bác sĩ và 2 y sĩ, mỗi ngày đều trực 24/24 giờ.
Thượng úy, Bác sĩ CKI Dương Thị Tố Trinh cho biết: “Có rất nhiều trường hợp chúng tôi phải đi cấp cứu trong đêm tối, mưa gió, thậm chí có nhiều phải đi xuồng, ghe đến tận nhà để cứu người. Thậm chí, những ca bị tai nạn giao thông, sau khi được thông báo lập tức chúng tôi xuống ngay hiện trường. Mỗi tuần tổ đều thực hiện từ 2 đến 3 ca cấp cứu”. Bà Lý Thị Sơn, thị trấn Cờ Đỏ bùi ngùi kể lại: “Cách đây hơn một tháng, tôi bị đau tức ngực, khó thở. Đêm hôm đó trời mưa to, gió mạnh, nhưng khoảng 30 phút sau, các y, bác sĩ đã tìm được nhà và kịp thời sơ cứu cho tôi. Sau đó tôi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ nằm điều trị. Nếu không nhờ sự chăm sóc tận tình, kịp thời của các y, bác sĩ Bệnh viện Quân dân y chắc tôi đã không sống đến ngày hôm nay. Tôi rất cảm phục tình thần hết lòng vì người bệnh của họ”.
Thượng tá, Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Phong (bên phải) cùng ê kíp tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân. |
Yêu thương lan tỏa
Một cách làm hay ở Bệnh viện Quân dân y TP. Cần Thơ thời gian qua là duy trì được bếp ăn tình thương kết hợp cùng với Hội Chữ thập đỏ huyện Cờ Đỏ. Mỗi ngày bếp ăn phục vụ hàng nghìn suất cơm, cháo và nước sôi miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân của bệnh nhân nghèo. Thượng tá, BSCKII Nguyễn Minh Phong cho biết thêm: “Chúng tôi đã xây dựng quy chế quy định về điều kiện, quy trình thành lập tổ, tổ chức bộ máy và nhân sự, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban Điều hành và các tình nguyện viên; quản lý hoạt động, tài chính, tài sản… Ngày nào cũng vậy cũng có hơn 50 tình nguyện viên được chia làm 13 tổ trực, nấu ăn. Chúng tôi còn thiết kế hệ thống nước sôi có van tự động, phục vụ bệnh nhân nghèo 24/24 giờ. Bình quân, mỗi ngày bếp ăn cung cấp miễn phí 150 suất cơm, 75 suất cháo và khoảng 200 lít nước sôi cho bệnh nhân nghèo. Nghĩa cử nhỏ bé nhưng rất cao đẹp này đã và đang làm ấm lòng biết bao bệnh nhân nghèo, thắt chặt hơn tình đoàn kết gắn bó quân dân”.
Bếp ăn tình thương của bệnh viện mỗi ngày phục vụ hàng trăm suất ăn miễn phí. |
Vào các ngày lễ, kỷ niệm, Bệnh viện Quân dân y TP Cần Thơ còn tổ chức đoàn y, bác sĩ khám bệnh, phát thuốc cho bà con nghèo vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến, phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức nhiều đoàn khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên cử các đoàn y, bác sĩ tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân về các biện pháp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; song song đó còn thực hiện nghiêm công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tham gia diễn tập khu vực phòng thủ.
Đặc biệt, năm 2021 trước cơn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát phức tạp, khó lường, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân dân y TP Cần Thơ luôn nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. “Đầu tháng 7/2021, trên địa bàn TP Cần Thơ phát hiện ca lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, sau đó ít ngày số ca mắc liên tục tăng. Các cơ sở điều trị quá tải, thành phố phải gấp rút thành lập thêm các bệnh viện dã chiến để điều trị những bệnh nhân bị nhiễm. Được sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố, Bệnh viện nhanh chóng chuyển đổi toàn bộ công năng thành Bệnh viện Dã chiến Quân dân y, có nhiệm vụ thu dung, điều trị cho người nhiễm Covid-19 vừa và nhẹ trên địa bàn, với quy mô 150 giường. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, qua các đợt tiếp nhận, chúng tôi đã phối hợp với ngành y tế địa phương kịp thời tiếp nhận trên 700 bệnh nhân, khỏi bệnh ra viện 593 người, chuyển lên tuyến trên 57 bệnh nhân. Tất cả đều bảo đảm an toàn tuyệt đối; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo cũng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định”, Thượng tá, Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Phong nhớ lại.
Hình ảnh “Thầy thuốc mặc áo lính”, gương mẫu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tham gia tích cực trong mọi hoạt động vì sức khỏe cộng đồng, càng trong khó khăn lại càng tỏa sáng, đem lại sự hài lòng c bệnh nhân. Tình cảm, tình thương và trách nhiệm của họ đều hướng tới mục tiêu “Tất cả vì nhân dân, tất cả vì cộng đồng”.