Thung lũng hoa Hồ Tây dùng chất thải san lấp ảnh hưởng môi trường, sử dụng đất sai mục đích
Khi người dân xây một bậc cửa, sửa một bức tường rào, ngay lập tức có cán bộ xây dựng đến hỏi thăm, còn “quần thể kiến trúc” Thung lũng hoa Hồ Tây từng sử dụng chất thả san lấp, xây dựng trái phép nhiều hạng mục công trình lại ngang nhiên hoàn thiện và đi vào hoạt động nhiều năm qua, thu lời số tiền khủng lại không bị xử lý? Đây có lẽ là câu hỏi đang được đông đảo dư luận đặc biệt quan tâm, chờ câu trả lời từ phía lãnh đạo phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Trước đó, Tòa soạn có bài phản ánh về việc Thung lũng hoa Hồ Tây – địa điểm du lịch nổi tiếng hoạt động kinh doanh trái phép nhiều năm, sử dụng chất thải san lấp ảnh hưởng môi trường.
Theo đó, thung lũng hoa Hồ Tây trên đường Nhật Chiêu, thuộc địa bàn phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) từ lâu được biết đến là địa điểm “check in” nổi tiếng của người Hà Nội với vẻ đẹp của hàng chục loài hoa theo từng mùa, thu hút rất nhiều du khách đến chụp ảnh, ngắm hoa. Thế nhưng, toàn bộ khu vực này đều chưa được cơ quan chức năng cấp phép và đang sử dụng đất sai mục đích, dùng chất thải san lấp mặt bằng vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
Công văn Phó Chủ tịch quận Tây Hồ chỉ đạo phường Nhật Tân tiếp và thông tin
Ngoài việc cung cấp các dịch vụ chụp ảnh, check in, “chủ sở hữu” còn xây dựng nhiều nhà hàng lớn như: Chợ hải sản, nhà hàng Sen Đầm… phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống của khách du lịch với khả năng đáp ứng hơn 400 người. Đặc biệt, không gian ngoài trời tại đây có thể chứa được khoảng 1.000 người, phục vụ cho các buổi tiệc, hội họp…
Trên một website du lịch đăng tải nhiều thông tin về Thung lũng hoa Hồ Tây, theo đó, giá vé để vào cổng thung lũng hoa Hồ Tây là 100.000 đồng/1 người lớn, nếu ăn uống và sử dụng dịch vụ khác tại đây có giá khoảng 250.000 đồng/người/lượt.
Tuy nhiên, “quần thể” du lịch nổi tiếng mang tính “tự phát” này lại được xây dựng trên đất nông nghiệp, bị một cá nhân sử dụng sai mục đích, hoạt động kinh doanh tại đây còn không được cơ quan chức năng cấp phép và quản lý. Giá vé vào cổng cũng là do “chủ đầu tư” này tự quyết, tự thu chứ không phải một cơ quan có thẩm quyền nào quy định.
Đặc biệt nghiêm trọng, trong quá trình san lấp để xây dựng quán cafe, nhà chòi chủ đầu tư đã dùng chất thải để san lấp mặt bằng, làm ô nhiễm, suy giảm, thoái hóa chất lượng đất, tác động xấu đến môi trường sống, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường nghiêm trọng.
Theo tìm hiểu được biết, khu vực đất của Thung lũng hoa Hồ Tây trước đây là đất ao hồ thuộc quản lý của phường Nhật Tân. Năm 2011, sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND TP Hà Nội, khu vực này được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền (Công ty Phú Điền) xây dựng triển khai dự án nhà máy xử lý nước thải Tây Hồ. Tuy nhiên, Công ty Phú Điền không sử dụng hết diện tích đất nên đã bàn giao lại cho UBND quận Tây Hồ.
Đến năm 2014, ông Bùi Mạnh Hiếu (một người dân địa phương) đã tự ý quây phần diện tích đất này lại, đầu tư xây dựng Thung lũng hoa Hồ Tây và kinh doanh thu lời cho đến ngày nay. Hiện tại, toàn bộ các công trình và quần thể kiến trúc ở Thung lũng hoa Hồ Tây có diện tích rộng nhiều héc-ta này đều không được cơ quan chức năng cấp phép đầu tư, xây dựng theo quy định. Hay nói cách khác, Thung lũng hoa Hồ Tây – một địa điểm du lịch nổi tiếng nhiều năm qua trên địa bàn TP Hà Nội đang hoạt động kinh doanh trái quy định pháp luật.
Được biết, Thung lũng hoa Hồ Tây thực tế thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Thung Lũng Hoa Hồ Tây (địa chỉ: Số 18 ngách 264/7 phố Âu Cơ, Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ) đang hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, với vốn điều lệ 4.000.000.000 VNĐ. Tổng giám đốc là ông Bùi Mạnh Hiếu. Công ty này bắt đầu hoạt động vào ngày 13/7/2018.
Liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng của Thung lũng hoa Hồ Tây trên địa bàn, PV đã liên hệ, đặt lịch làm việc với lãnh đạo phường Nhật Tân.
Trao đổi với PV, ông Công Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết: Trước đây, khu vực đất này là của Công ty Phú Điền được giao để xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Giai đoạn 1 hiện tại đã xong, giai đoạn 2 chưa thi công, UBND thành phố đang tạm giao cho quận.
Cuối năm 2019, quận Tây Hồ yêu cầu Phú Điền trả lại, phường hiện tại đang tạm thời quản lý và phường đã xây dựng các đề án kết hợp thí điểm trồng hoa màu và kinh doanh du lịch. Hiện đề án đang trong quá trình được các cơ quan, các phòng ban ngành đóng góp ý kiến. “Địa điểm du lịch Thung lũng hoa Hồ Tây hiện tại chưa được cấp phép, khu vực này có diện tích khoảng 31 nghìn m2. Xây dựng nhà hàng trước giai đoạn bàn giao về cho phường quản lý, phường có đầy đủ hồ sơ thời điểm bàn giao” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Trả lời về việc chủ đầu tư dùng chất thải để san lấp mặt bằng, xây dựng quán cafe, ông Tuấn thông tin, đã lập hồ sơ xử lý, chủ đầu tư đã nộp tiền phạt. Hiện nay, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với một số đơn vị để thanh thải, múc phần rác thải lên, họ cam kết khắc phục hiện trạng.
Chủ đầu tư ngang nhiên dùng chất thải để san lấp mặt bằng tại các công trình thi công trái phép
Khi PV đề nghị được cung cấp các hồ sơ và các biên bản xử phạt thì ông Tuấn cho hay, không cung cấp được, đang trong quá trình xử lý. Đồng thời, ông Tuấn nhấn mạnh thêm “đã có 3 lần lập hồ sơ xử lý, cung cấp hồ sơ ra bên ngoài phải xin ý kiến và làm theo quy trình, nếu em muốn xem hồ sơ thì gặp chủ đầu tư”.
Để tiếp tục tìm hiểu, có nhiều thông tin sâu hơn, đa chiều hơn liên quan đến sai phạm tại “quần thể kiến trúc” Thung lũng hoa Hồ Tây, PV tòa soạn đã liên hệ, đặt lịch làm với lãnh đạo quận Tây Hồ. Ngay sau đó, PV đã được giới thiệu tiếp tục làm việc với UBND phường Nhật Tân. Mặc dù đã được UBND quận Tây Hồ chỉ đạo “Giao UBND phường Nhật Tân tiếp và cung cấp thông tin đến Báo” nhưng đến nay đã gần 3 tháng trôi qua PV vẫn không nhận được thêm bất cứ thông tin hay được cung cấp hồ sơ, tài liệu nào liên quan đến Thung lũng hoa Hồ Tây.
Tại sao cả một quần thể với hàng chục hạng mục xây dựng trái phép, san lấp rác thải… bất chấp pháp luật, ngang nhiên hoạt động “chui” ngay giữa Thủ đô suốt thời gian dài mà các cấp chính quyền quận Tây Hồ không xử lý? Nhiều năm qua, những nguồn thu từ khu đất công này sẽ được xử lý như thế nào, ngân sách nhà nước đã thất thu bao nhiêu tiền, số tiền này thuộc về ai?
Đông đảo dư luận đã và đang vô cùng bức xúc, khi xây một bậc cửa, sửa một bức tường rào là có thanh tra xây dựng đến kiểm tra... Còn “quần thể kiến trúc” Thung lũng hoa Hồ Tây vô cùng đồ sộ mọc lên suốt mấy năm trời thì "vô tư" xây dựng và đi vào hoạt động không phép lại không bị xử lý?
Phải chăng chính quyền các cấp tại Hà Nội đang “quá ưu ái” khi để cho một cá nhân tự ý quây và xây trái phép nhiều hàng mục công trình, đưa vào kinh doanh nhiều năm trời với diện tích 31 nghìn m2 trên địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Khi báo chí lên tiếng, phản ánh, dư luận phẫn nỗ thì lại lảng trốn, đá bóng trách nhiệm…
Sức khỏe và Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
QUỐC TRƯỜNG