Tiến sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú La Văn Phú tận tâm vì người bệnh
Tiến sĩ. Bác sĩ, TTUT La Văn Phú. |
Cậu học trò nghèo với hành trình chinh phục ước mơ
“Lúc còn học cấp 2, có đợt mẹ tôi bị đau bụng, sau khi đưa đến cơ sơ y tế xã điều trị 3 ngày thì bệnh thêm trầm trọng, bụng đau dữ dội. Mẹ được chuyển xuống bệnh viện tuyến huyện, với chẩn đoán viêm ruột thừa đã biến chứng vỡ mủ phải phẫu thuật. Sau đó, vết mổ của mẹ bị nhiễm trùng phải nằm viện điều trị hơn một tháng. Sau khi mẹ xuất viện về nhà, tôi dần mường tượng bệnh mẹ tôi không quá nguy hiểm nhưng do việc thiếu trang thiết bị y tế cũng như việc chẩn đoán bệnh ban đầu không chính xác mới dẫn đến những biến chứng. Ước mơ được trở thành bác sĩ dần hình thành trong tôi với mong muốn để những người bệnh như mẹ được điều trị kịp thời, an toàn hơn” - TTUT La Văn Phú chia sẻ với người viết về lý do kiên định chọn ngành y để theo học.
Tuy nhiên, sau khi học xong cấp 3, với 3 lần thi trượt đại học do thiếu từ 0,5 - 1 điểm, cậu học trò nghèo của vùng đất Hà Tĩnh thầm nghĩ cánh cửa đại học đã khép lại với bản thân. Tha phương theo anh trai vào xứ Cần Thơ để làm thuê với mong muốn kiếm cái nghề để mưu sinh. Cuộc sống đất khách, quê người đầy khó khăn nhưng trong tâm thức cậu học trò La Văn Phú vẫn nuôi hy vọng với khát khao được ngồi trên giảng đường đại học và ước mơ trở thành bác sĩ cứu người. Để ước mơ không chỉ là mơ ước, ban ngày anh đi làm thuê cho xưởng nước mắm, phụ hồ, tối về lại đèn sách ôn thi. Kỳ thi tuyển sinh năm 1988, cậu học trò La Văn Phú trúng tuyển ngành Y khoa, Trường Đại học Cần Thơ trong sự ngỡ ngàng của gia đình, xóm làng và bạn bè.
BS La Văn Phú cùng ê kíp thực hiện các ca phẫu thuật cứu người. |
“Khi đăng ký nguyện vọng thì người nhà khuyên tôi nên lượng sức mình và hướng tôi theo ngành Thú y. Ban đầu, tôi cũng đăng ký ngành Thú y nhưng sau đó một tuần, tâm sự với anh trai về ước muốn của mình và được anh ấy động viên nên tôi quyết định thay đổi nguyện vọng thành Y khoa. Khi có kết quả trúng tuyển, tôi sướng như người trúng số, còn người nhà thì bất ngờ nhưng sau đó cũng hiểu và ủng hộ cho quyết định của tôi”, BS La Văn Phú nhớ lại. Sau khi ra trường, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ nhận anh và cử đi học Chuyên khoa cấp I ngoại tổng quát tại TP Hồ Chí Minh. Hoàn thành khóa học, anh trở về công tác tại bệnh viện cho tới nay và hiện là Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp.
Chữ tâm đi với chữ tài
Theo BS La Văn Phú, trong suốt hành trình của cuộc đời, thì mỗi người phải luôn trang bị vốn kiến thức để khi có cơ hội thì nắm bắt và phát huy để thu được những thành quả xứng đáng. Và đặc biệt với ngành y, cần phải không ngừng phấn đấu, học tập. Tới ngày về hưu, nhiều bác sĩ vẫn còn học vì khoa học y học thay đổi từng ngày.
Từ cậu học trò với vốn ngoại ngữ “một chữ bẻ đôi” còn không biết nhưng bằng sự nỗ lực, chăm chỉ, anh đã học và thành thạo 2 ngoại ngữ Anh - Pháp. Cũng từ việc giỏi ngoại ngữ nên BS La Văn Phú thường xuyên được cử đi đào tạo, tập huấn ở các nước có nền y học hiện đại như Thụy Sĩ, Pháp, Hàn Quốc… Anh cũng tìm đọc, nghiên cứu những tài liệu chuyên sâu từ nước ngoài để vận dụng vào thực tiễn công tác.
BS La Văn Phú thăm khám cho bệnh nhân. |
Năm 2007, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ tái thành lập, nhiều đồng nghiệp đi tìm bến đổ mới. Dù có nhiều thiếu thốn, khó khăn, BS La Văn Phú quyết bám trụ với mong muốn cùng tập thể xây dựng nơi đây thành bệnh viện tuyến cuối của thành phố trung tâm châu thổ Cửu Long, đáp ứng được nhu cầu cũng như kỳ vọng về những tiến bộ trong khám, chữa bệnh của người dân. Sau 16 năm, tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào khám, chữa bệnh, từ những hạn chế về trang thiết bị lẫn chuyên môn, chỉ làm các tiểu phẫu, trung phẫu thì đến nay Khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã trở thành một trong những “trung tâm phẫu thuật” hàng đầu vùng ĐBSCL, với nhiều thành tích tạo được tiếng vang trong ngành.
BS La Văn Phú có 14 năm liên tiếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; 3 lần liên tiếp các năm 2015, 2018 và 2021 đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp thành phố”; năm 2021 đạt “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Năm 2018, BS La Văn Phú được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”. Năm 2019, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; cùng năm này, anh cũng được Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ tặng Kỷ niệm chương “Vì những đóng góp cho khoa học và nghiên cứu khoa học”. Năm 2020, BS La Văn Phú được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. Cuối năm 2022, BS La Văn Phú đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y khoa chuyên ngành Ngoại tiêu hóa và hiện là Bác sĩ cao cấp của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.
Tất cả vì người bệnh
Với vai trò là “nhạc trưởng” của khoa, Tiến sĩ La Văn Phú đã có trên 20 đề tài nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao, được áp dụng và nhân rộng trong công tác khám, chữa bệnh trong khu vực. Một số đề tài tiêu biểu như: Đánh giá kết quả sớm điều trị tắc ruột do dính sau mổ bằng phẫu thuật nội soi; Nghiên cứu kết quả sớm điều trị sỏi đường mật chính bằng phẫu thuật nội soi; Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị bảo tồn bệnh tắc ruột do dính sau mổ; Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, siêu âm và đánh giá kết quả sớm điều trị thoát vị bẹn bằng phương pháp mổ mở kiểu Lichtenstein…
TS.BS La Văn Phú luôn tâm niệm, khi điều trị cho bệnh nhân tôi luôn đặt mình vào vị trí người bệnh và người thân của người bệnh để lựa chọn phương pháp phù hợp, hiệu quả nhất cho người bệnh.
BS La Văn Phú thăm hỏi bệnh nhân. |
Nhớ lại ca phẫu thuật cứu sống nam sinh lớp 12 vào năm 2009, BS La Văn Phú nói: “Nếu lúc đó mà không mạnh dạn quyết đoán thì chắc bệnh nhân không qua khỏi”. Đang trong ca trực đêm, một nam sinh bị dao đâm vào phần hông lưng máu chảy liên tục không cầm lại được, bệnh viện tuyến dưới chuyển lên với lời động viên gia đình chuẩn bị tâm lý xấu nhất vì vết thương nạn nhân quá nguy hiểm. Khi BS La Văn Phú đang thăm khám ban đầu cho nạn nhân, người mẹ của nam sinh đã quỳ gối, khóc van xin cứu sống đứa con duy nhất của gia đình.
“Y lệnh được đưa ra nhanh chóng, ê kíp tiến hành truyền dịch tối đa. Tôi trực tiếp báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo trực được tiến hành phẫu thuật khẩn cấp, các thủ tục liên quan được thực hiện sau”, BS La Văn Phú nhớ lại. Được sự chấp thuận của lãnh đạo và sự đồng ý của người nhà bệnh nhân, ca phẫu thuật do BS La Văn Phú và ê kíp thực hiện thành công sau 2 giờ đồng hồ. Nam sinh sau đó bình phục, học đại học ra trường có việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc.
Năm 2018, BS La Văn Phú phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nhiễm HIV bị rò tiêu hóa, đã gần như sống tách biệt với cộng đồng hơn một năm… Ca mổ thành công, vết thương lành, bệnh nhân tái hòa nhập với cộng đồng. “Tôi chưa bao giờ từ chối điều trị cho bất kỳ người bệnh nào, dù biết rằng nguy cơ lây nhiễm cao. Tôi xem người bệnh như người thân của mình, nên mình chăm sóc người thân như thế nào thì chăm sóc người bệnh như thế” – BS La Văn Phú chia sẻ.
Theo BS La Văn Phú, việc chẩn đoán chính xác bệnh vào giai đoạn đầu đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhân. Vào thời điểm cuối năm 2020, BS La Văn Phú tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân 57 tuổi, từ tỉnh An Giang chuyển đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Người nhà của bệnh nhân cho biết, bệnh của bà phát hiện hơn hai năm, ban đầu mỗi tuần bệnh nhân thường có 2 - 3 lần lên cơn co giật, sau 1 - 2 giờ sẽ tỉnh. Bệnh nhân được đưa đi khám nhiều bệnh viện nhưng đều được chẩn đoán động kinh và rối loạn tâm thần. Hơn hai năm qua, ngày nào bệnh nhân cũng dùng thuốc an thần, chống động kinh theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi thăm khám và thông tin từ người nhà cùng các xét nghiệm, chụp chiếu, BS La Văn Phú chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh u tụy tiết insulin (insulinoma) là dạng khối u rất hiếm gặp của tụy, bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thần kinh. “Đây là trường hợp bệnh rất hiếm gặp và ít có tài liệu để nghiên cứu nên dễ nhằm lẫn với các bệnh lý liên quan thần kinh. Tôi biết đến căn bệnh này do nghiên cứu tài liệu nước ngoài nên sau khi chẩn đoán, tiến hành phẫu thuật thành công, bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn. Nếu chẩn đoán bệnh không chính xác và xử trí kịp thời, bệnh sẽ gây hạ đường huyết kéo dài, tái diễn dẫn đến những tổn thương thần kinh không hồi phục do tổ chức não thiếu năng lượng cho hoạt động, có thể dẫn tới tử vong” – BS La Văn Phú nói.
BS La Văn Phú đồng hành cùng tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19. |
Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của bệnh viện, dù không tham gia trực tiếp tuyến đầu nhưng BS La Văn Phú tham gia vai trò hậu cần vững chắc, vận động, kết nối, hỗ trợ nhu yếu phẩm, vật tư y tế gửi vào các khu cách ly, bệnh viện dã chiến tiếp sức cho bệnh nhân và đồng nghiệp. Trên chiếc xe cá nhân của mình, lúc nào BS La Văn Phú cũng chuẩn bị sẵn hàng chục phần gạo, sữa, mì… khi có yêu cầu giúp đỡ từ những người dân khó khăn, cấp bách thì anh luôn có mặt giúp đỡ.
Hay mới đây, BS La Văn Phú cùng ê kíp đã phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhân từ Nhật Bản trở về Việt Nam điều trị viêm túi mật cấp với hàng ngàn viên sỏi trong túi mật. Vào đầu tháng 11/2023, bệnh nhân Phạm Văn C. (SN 1994, quê quán huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nhập viện với triệu chứng đau bụng. Qua khám lâm sàng và siêu âm, bệnh nhân được chẩn đoán viêm túi mật cấp do nhiều sỏi túi mật và chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật cấp cứu. Theo người nhà bệnh nhân, cách đây khoảng một năm, bệnh nhân đi làm ở miền Trung thì bị đau bụng dữ dội và được đưa vào viện cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán, anh C. bị viêm tụy cấp do sỏi túi mật cần phải mổ cấp cứu nhưng bệnh nhân sợ mổ nên điều trị 10 ngày, hết đau đã xin xuất viện.
Đến tháng 3/2023, anh C. sang Nhật Bản hợp tác lao động. Trong quá trình làm việc ở Nhật Bản, anh C. thường bị đau bụng âm ỉ, ăn chậm tiêu. Gần đây, do bị đau bụng nhiều hơn nên đi khám, phát hiện túi mật có nhiều sỏi, công ty khuyên anh C. nên về Việt Nam phẫu thuật, giảm nhẹ chi phí. Khi vừa về đến Việt Nam, tình trạng đau bụng tăng lên, anh C. đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ khám, nhập viện cấp cứu và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Trong quá trình mổ, BS La Văn Phú cùng ê kíp ghi nhận túi mật viêm cấp, căng to, thành phù nề. Sau gần 1 giờ, ca phẫu thuật cắt túi mật nội soi thành công. Khi lấy ra túi mật chứa ít dịch dạng mủ và đếm được hơn 3.200 viên sỏi từ 1-5mm, ngoài ra còn nhiều sỏi li ti.
Túi mật chứa hơn 3.200 viên sỏi của bệnh nhân C. được BS La Văn Phú cùng ê kíp phẫu thuật cắt bỏ thành công. |
BS La Văn Phú cho biết, túi mật là đường mật phụ nên khi cần thiết có thể cắt bỏ mà gần như không ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và sức khỏe của người bệnh. Hiện nay, cắt túi mật bằng phương pháp phẫu thuật nội soi là tiêu chuẩn vàng để điều trị những trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng. Nếu bị sỏi túi mật đã có triệu chứng đau thì người bệnh nên đến bệnh viện để được phẫu thuật sớm, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.
TS,BS Thầy thuốc ưu tú La Văn Phú tận tâm hướng dẫn sinh viên Y khoa. |
BS La Văn Phú chia sẻ, có rất nhiều lời mời đến từ các bệnh viện tư với mức thu nhập khá cao, nhất là sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ nhưng anh điều từ chối. “Ở bệnh viện công có nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh nặng, bệnh khó họ cần tôi hơn. Mình đã gắn bó với nơi đây từ những ngày thành lập đầy khó khăn thì nay vẫn vậy”, BS La Văn Phú chia sẻ và cho biết một trong những nguyên nhân khác khiến anh kiên định gắn bó với Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, là với vai trò của một Trưởng khoa, anh còn có trách nhiệm hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm cho đội ngũ y, bác sĩ trẻ với mong muốn tạo ra lớp kế cận có tâm và có tầm, làm chủ những khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, ứng dụng thực tiễn công tác, phục vụ hiệu quả nhất cho công tác khám, chữa bệnh cho người dân.