Tiến sĩ trẻ hiến kế ứng phó sử dụng chất gây nghiện
Tiến sĩ Đặng Minh Hiếu
Trăn trở về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Minh Hiếu - giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cùng các cộng sự của mình, đã có những nghiên cứu thực tiễn xoay quanh thực trạng sử dụng chất gây nghiện tại Việt Nam. Theo ông, tình trạng sử dụng chất gây nghiện là “vấn đề xã hội - social issue”, việc thay đổi nhận thức về vấn đề này giúp làm giảm sự kỳ thị trong cộng đồng đối với những người sử dụng thuốc gây nghiện góp phần làm giảm tỷ lệ tái nghiện và số ca nghiện mới. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn TS. Đặng Minh Hiếu xoay quanh vấn đề này.
PV: Thưa TS. Đặng Minh Hiếu, được biết ông mới công bố một nghiên cứu xoay quanh vấn đề chống nghiện ma túy ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Vì sao ông tiến hành nghiên cứu này?
TS. Đặng Minh Hiếu: Chất gây nghiện là vấn đề mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt. Năm 2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố vấn đề sử dụng thuốc gây nghiện tại Mỹ là một cuộc khủng hoảng thuốc gây nghiện “Opioid crisis”. Khi đó, tại Mỹ mỗi năm có khoảng 10 nghìn người chết do sử dụng thuốc quá liều. Điều này do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do nạn buôn bán, sử dụng trái phép chất gây nghiện; bác sĩ kê đơn quá liều cho bệnh nhân nhằm kiếm lời; nhiều bệnh nhân có vấn đề với việc sử dụng thuốc không tiếp cận được với các phương pháp điều trị mới bằng thuốc thay thế (methadone…) và sự hỗ trợ từ cộng đồng...
Sau khi tuyên bố cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng chất gây nghiện này, Mỹ đưa ra nhiều chính sách với khoản tài chính lên lới 1 tỉ USD mỗi năm cho các chính quyền bang và cải cách hệ thống y tế. Ví dụ, cải cách hệ thống kê đơn thuốc gây nghiện của bác sĩ nhằm tránh tình trạng kê đơn quá liều, thúc đẩy nghiên cứu các thuốc giảm đau mới không gây nghiện, tăng cường sự hỗ trợ từ cộng đồng đối với bệnh nhân điều trị cai nghiện (cả tinh thần và thể lực), tăng khả năng tiếp cận của bệnh nhân điều trị cai nghiện với các thuốc thay thế…
Năm 2019, tôi có tham dự một cuộc hội thảo tại Mỹ về vấn đề khủng hoảng chất gây nghiện tại nước này. Thời điểm đó, các chính sách tuyên chiến với chất gây nghiện của Mỹ đã có những kết quả tốt như lần đầu tiên số người chết do quá liều hàng năm giảm; hầu hết các bang có hệ thống kê đơn thuốc gây nghiện được quản lý tập trung; phần lớn các bang đã đưa các thuốc thay thế vào trong điều trị cai nghiện; khuyến khích các tổ chức cộng đồng tham gia hỗ trợ điều trị người sử dụng thuốc... Trong hội thảo, tôi có được nghe và thảo luận với một số nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội về vấn đề chất gây nghiện. Đồng thời, tôi cũng được nghe và tìm hiểu về chính sách, mô hình quản lý chất gây nghiện và điều trị cai nghiện tại bang Kentucky. Đây chính là động lực khuyến khích tôi so sánh các chính sách về chất gây nghiện và cách ứng phó tại Mỹ và Việt Nam để đưa ra nghiên cứu này.
Cũng thời điểm đó, Mỹ và Việt Nam đang có nhiều thúc đẩy trong hợp tác chống buôn lậu thuốc và đối phó với vấn đề nghiện thuốc. Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo các nhân viên hành pháp, bác sĩ, nhân viên y tế trong kê đơn thuốc giảm đau và điều trị thông qua các chương trình thí điểm như cai nghiện trong cộng đồng ở một số thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM...), chương trình chăm sóc giảm nhẹ, hỗ trợ về sản xuất thuốc thay thế điều trị cai nghiện… Tuy nhiên, ở thời điểm đó việc điều trị cai nghiện của ta vẫn chủ yếu dựa trên các trung tâm cai nghiện tập trung. Việc cai nghiện trong cộng đồng cho thấy kết quả tốt nhưng chưa được mở rộng. Số người nghiện hàng năm vẫn tăng và chưa có nhiều phân tích một cách đầy đủ, tổng quát về chính sách liên quan đến thuốc gây nghiện tại Việt Nam.
Tiến sĩ Đặng Minh Hiếu (trái) cùng các đại biểu dự hội thảo về khủng hoảng chất gây nghiện tại Mỹ, năm 2019.
PV: Nghiên cứu của ông đi sâu vào những nội dung gì? Ông có gặp khó khăn gì trong quá trình nghiên cứu không?
TS. Đặng Minh Hiếu: Nội dung chính của nghiên cứu là nêu ra thực trạng về chính sách và cách ứng phó của mỗi quốc gia, Mỹ và Việt Nam, đối với vấn đề chất gây nghiện và hỗ trợ điều trị cai nghiện. Nghiên cứu cũng đánh giá những thuận lợi và hạn chế trong chính sách và cách ứng phó của mỗi quốc gia đối với vấn đề chất gây nghiện để gợi ý một xu hướng chung, phù hợp cho việc ứng phó hiệu quả với vấn đề này trong tương lai.
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ về mặt học thuật từ các đồng nghiệp và nhà chuyên môn tại Đại học Montana, Hoa Kỳ và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quá trình tìm kiếm thông tin có chút khó khăn do có sự khác biệt về con số trong các báo cáo hay phát biểu của chuyên viên Chính phủ về vấn đề cụ thể. Đôi khi khó tiếp cận các cổng thống kê của Chính phủ hoặc thống kê không được cập nhật. Chưa có nhiều nghiên cứu ở nước ta về chính sách liên quan đến chất gây nghiện và nhiều thông tin chỉ được đưa ra trong các thảo luận trên phương tiện truyền thông và khó sử dụng làm nguồn tham khảo chính thức cho nghiên cứu…
Bên cạnh đó, một khó khăn khách quan là sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến tiến độ phản biện và hoàn thiện nghiên cứu bị kéo dài.
Tiến sĩ Đặng Minh Hiếu (phải) được mời thăm tòa thị chính TP Lexington, Kentucky (Mỹ).
PV: Từ khi công bố đến nay, nghiên cứu đã có ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề chống nghiện ma túy ở nước ta? Ông có đề xuất, kiến nghị gì xung quanh vấn đề này?
TS. Đặng Minh Hiếu: Cũng khó có thể đánh giá được vấn đề này trong thời điểm hiện tại vì nghiên cứu được công bố chưa lâu. Trong khi đó, bất kỳ một thay đổi nào trong chính sách cũng cần một thời gian nhất định để xem xét và việc đánh giá hiệu quả thực hiện. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 kéo dài cùng các đợt giãn cách xã hội khiến sự tập trung của hệ thống chính trị vào việc duy trì sự ổn định kinh tế, xã hội khiến vấn đề về chất gây nghiện bớt được chú ý hơn.
Theo thống kê tại Mỹ, trong năm 2021, có 100 nghìn ca tử vong do sử dụng quá liều, tăng gấp 10 lần trước đó. Tại Việt Nam, năm 2021, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, có thêm 12 nghìn ca nghiện mới, tăng từ trung bình 10 nghìn ca/năm trong những năm trước đó. Điều này có thể được lý giải là do hệ thống y tế, chính trị phải tập trung vào việc chống Covid-19. Bên cạnh đó, các đợt giãn cách xã hội cũng làm ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động, hỗ trợ từ các tổ chức và cộng đồng đối với người sử dụng chất gây nghiện… Như đã nói ở trên, nghiên cứu chỉ ra một số hạn chế trong chính sách về chất gây nghiện tại nước ta bên cạnh những chính sách đã cho thấy khá thành công tại Mỹ hay một số nước khác đối phó với vấn đề này. Nghiên cứu nhấn mạnh sự thay đổi trong nhận thức của xã hội về vấn đề sử dụng chất gây nghiện, thay đổi nhận thức từ “tệ nạn xã hội - social evil” cần phải loại bỏ sang “vấn đề xã hội - social issue” (đây là thực tế ở Việt Nam). Một số nước châu Âu và Mỹ đã xem đây là vấn đề sức khỏe “health issue”.
Việc thay đổi nhận thức xã hội về vấn đề này giúp làm giảm sự kỳ thị trong cộng đồng đối với những người sử dụng thuốc gây nghiện. Sự hỗ trợ từ cộng đồng đối với người điều trị nghiện thuốc đã cho thấy rất có hiệu quả. Sự kỳ thị sẽ làm giảm khả năng tái hòa nhập cộng đồng của người điều trị cai nghiện, giảm khả năng tiếp cận của người điều trị với các cơ sở hay phương pháp điều trị cai nghiện… Từ đó dẫn tới khả năng tái nghiện cao của người đã điều trị cai nghiện.
Ngoài ra, sự hỗ trợ của cộng đồng và Chính phủ đối với việc tiếp cận với các phương pháp điều trị mới, bảo hiểm y tế, xã hội, việc làm sau cai nghiện... cũng là những yếu tố quan trọng có thể góp phần làm giảm tái nghiện. Đào tạo nhân viên y tế về việc kê đơn, sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện, tăng cường kiến thức cho nhân viên y tế các cơ sở chăm sóc cai nghiện (cả người thân và cộng đồng xung quanh người điều trị cai nghiện) về chất gây nghiện, chất thay thế chất gây nghiện để có thể cung cấp sự tư vấn, hỗ trợ người điều trị một cách đúng đắn cũng là cách làm giảm tỷ lệ tái nghiện và số ca nghiện mới hàng năm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình An (thực hiện)
Tiến sĩ Đặng Minh Hiếu, sinh năm 1980 tại Hà Nội, không chỉ là một nhà nghiên cứu khoa học trẻ, ông còn có 20 năm làm một người thầy nhiệt huyết và tận tâm, có những đóng góp không nhỏ đào tạo những thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ông được đào tạo ở ĐH Osaka (Nhật Bản) và nhận học hàm tiến sĩ ở tuổi 29 – trở thành một trong những tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam thời bấy giờ. Sau khi trở về nước, ông tiếp tục công tác giảng dạy tại ĐH Bách khoa Hà Nội, vừa đóng vai trò là một giảng viên, vừa say mê không ngừng nghỉ với những nghiên cứu khoa học có ứng dụng lớn đối với đời sống kinh tế, môi trường và sự phát triển của đất nước. Ông đã có nhiều công trình được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín và danh giá trong ngoài nước; được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội công nhận nghiên cứu về giải pháp xử lý chất thải làng nghề (2016); tham gia hội thảo quốc tế về các vấn đề đương đại trong phát triển bền vững CISD 2021. Điển hình là các nghiên cứu về Estrogen tổng hợp trong môi trường nước mặt. Và gần đây nhất, Tiến sĩ Đặng Minh Hiếu đã dành sự quan tâm lớn tới một vấn đề nóng hổi của xã hội đó là chất gây nghiện và tình trạng sử dụng chất gây nghiện hiện nay. Công trình cũng đã được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu khoa học tổng hợp có chất lượng nội dung cao và tầm ảnh hưởng lớn, được xuất bản đại diện cho hơn 245 hiệp hội nghiên cứu học thuật, chuyên sâu: Journals.sagepub.com; ngoài ra cũng đã được thực giảng cho sinh viên tại Trường ĐH Mở TPHCM tháng 4/2021. Nếu được nhân rộng trong thực tiễn, nghiên cứu này sẽ mở ra một cách nhìn mới đối với việc sử dụng chất gây nghiện tại Việt Nam, từ đó thay đổi nhận thức của cộng đồng về người nghiện, tạo ra những chuyển biến tích cực đối với việc cai nghiện ma túy trong cộng đồng, giảm số ca mắc/tái nghiện, hạn chế hình thành tội phạm gây rối loạn xã hội. |