Tổng kết mô hình vận động ngư dân đưa rác về bờ tại thành phố Đồng Hới
Trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại tỉnh Quảng Bình do Tổ chức Quốc tề về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tài trợ. Giai đoạn từ 8/2021-3/2022 và giai đoạn từ 8/2022-12/2022, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Môi trường bền vững (SEEDS) đã triển khai “Mô hình vận động ngư dân mang rác từ biển vào bờ” tại xã Bảo Ninh, xã Quang Phú và phường Hải Thành thành phố Đồng Hới.
Toàn cảnh hội thảo tổng kết mô hình nâng cao nhận thức cộng đồng và vận động ngư dân mang rác thải vào bờ.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Sở tài nguyên Môi trường, Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Bình, phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Đồng Hới, đại diện Nhà tài trợ cùng với đại diện Hội nông dân và Hội LHPN thành phố Đồng Hới, Đồn biên phòng Nhật Lệ, đại diện lãnh đạo 03 xã/phường Bảo Ninh, Hải Thành, Quang Phú và các ngư dân, phụ nữ của các xã/phường.
Mặc dù mới được triển khai nhưng dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, dự án tổ chức được 3 khóa tập huấn kỹ năng truyền thông về rác thải nhựa cho thành viên nòng cốt, cán bộ cơ sở của 3 xã, phường với 75 người tham gia; 2 khóa tập huấn kỹ thuật đan túi lưới cho 40 học viên tại xã Quang Phú và phường Hải Thành; 300 tàu, thuyền tham gia ký cam kết và gắn bảng nội quy thu gom rác thải từ biển vào bờ; hỗ trợ 700 túi lưới cho 400 tàu, thuyền đi biển thực hiện thu gom rác thải theo hình thức các chủ tàu, thuyền đóng góp lưới tận dụng lưới hỏng và dự án hỗ trợ chi phí ngày công đan túi lưới; hỗ trợ 10 thùng rác loại 240 lít được đặt tại các bến tàu, thuyền, cảng cá thuận tiện thu gom rác thải từ các tàu, thuyền…
Thành viên tham dự hội thảo tập trung lắng nghe các báo cáo, tham luận.
Hội thảo nhằm tổng hợp đánh gia kết quả các hoạt động của mô hình trong 2 giai đoạn, từ đó rút ra bài học khi thực hiện mô hình. Thảo luận về những hoạt động tại từng địa phương. Đề xuất phương án duy trì và phát triển mô hình và định hướng thực hiện trong thời gian tới.
Anh Đức