Trao đổi thông tin về bệnh vẩy nến
SK&MT - Vẩy nến là một bệnh viêm da mãn tính, được coi là bệnh viêm hệ thống, khá phổ biến với tỷ lệ 2-3% dân số toàn thế giới. Bệnh tác động đáng kể đến tâm lý người bệnh, có thể dẫn đến tàn tật, tạo gánh nặng bệnh tật, gây suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân; nhưng việc điều trị, quản lý bệnh còn gặp nhiều khó khăn do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh nhân chưa hài lòng với điều trị, tuân thủ kém, thiếu thông tin chính xác.
Lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Trung ương phát biểu
Để góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, điều trị bệnh vẩy nến, ngày 22/12/2017, Hội Da liễu Việt Nam, Bệnh viện Da liễu TW, Chi hội Vẩy nến Việt Nam tổ chức trao đổi thông tin với các phóng viên về nhưng nội dung nêu trên, với hy vọng công tác truyền thông sẽ giúp cộng đồng và người bệnh hợp tác hiệu quả với thầy thuốc trong việc phòng và điều trị căn bệnh này.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu hai báo cáo của TS. Trần Hữu Thăng, Ủy viên UBTWMTTQVN và ThS.BS. Trịnh Minh Trang, Bệnh viện Da liễu Trung ương được trình bày tại cuộc trao đổi để bạn đọc cùng tham khảo.
Tuyên truyền phòng chống Bệnh vẩy nến trong cộng đồng - TS.Trần Hữu Thăng
Con số cần phải được nói ngay là: Hiện nay ở Việt Nam đang có số bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến ở các thể loại, các giai đoạn của bệnh chiếm 2% dân số, tức là khoảng gần 2 triệu người. Đây là con số đáng giật mình cho những người đang làm công tác hoạch định chính sách quốc gia về dân số, về bệnh tật và về an ninh xã hội.
Trong bài phát biểu hôm nay, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những yêu cầu cấp bách trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới, đó là “Tuyên tuyền phòng chống bệnh vẩy nến trong cộng đồng”. Về nội dung này cần chú trọng 2 vấn đề:
TS. Trần Hữu Thăng phát biểu
1. Tuyệt đối đề cao y học dự phòng trong việc phòng bệnh, chữa bệnh, theo dõi bệnh vẩy nến
Theo tài liệu của WHO đã công bố, thì bệnh vẩy nến được phát hiện từ rất lâu, nhưng do cơ chế định bệnh không rõ ràng, không có bệnh nguyên cụ thể, nên cách phòng ngừa và điều trị trở nên rất phức tạp. Gần đây có những phát minh mới, bên cạnh các thuốc điều trị cổ điển chỉ nhằm giảm bớt tổn thương, ngăn chặn tổn thương mới, làm chậm quá trình phát triển bệnh, mới có các loại thuốc điều trị sinh học. Loại thuốc mới này có tác dụng rất rõ rệt, nhưng giá thành quá đắt, nên trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội, trong cộng đồng bệnh nhân vẩy nến. Vì vậy, Hội đồng khoa học của WHO thông qua các hội thảo quốc tế về vẩy nến vẫn hết sức đề cao y học dự phòng. Cụ thể là:
- Áp lực cuộc sống càng cao, cơ thể con người càng dễ bị vẩy nến. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam ta, số người bị vẩy nến đông nhất từ 30 - 40 tuổi, tức là những người đang gánh vác nặng nề cơm áo gạo tiền cho gia đình, cho công ty, cho cơ quan, cho xã hội. Họ mất cân bằng cuộc sống, họ mất niềm vui cuộc sống, có người than phiền đã nhiều năm không nhìn thấy mặt trời mọc, không nhìn bóng hoàng hôn lộng lẫy, êm đềm thì thử hỏi còn sức đâu mà chống đỡ với vẩy nến. Đến đây cần nhắc lại ý kiến của WHO là: “Tự chăm sóc sức khỏe là tuy duy của thời đại chúng ta”, trong đó nêu rõ: Muốn chống lại mọi bệnh tật, ta cần nâng đỡ và nuôi dưỡng hệ thống miễn dịch trong từng cơ thể con người. Đó là một hệ thống vô cùng hoàn hảo, hoạt động vô cùng hiệu quả có khi đến hàng trăm năm liên tục. Hệ thống này bao gồm: Hệ liên võng nội mạc, những vai trò của các đại thực bào, bạch cầu đa nhân, các tế bào lym phô T và B, các kháng thể IgG, IgA, IgM…Hệ thống này cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là các thức ăn giầu protein và ngay từ thời niên thiếu đã phải có thời gian tập thể dục, thể thao nhằm suốt đời tập luyện cho hệ thống miễn dịch này. Người ta nhận xét thấy: Khi con vật trong rừng bị thương, nó tự tìm chỗ vắng vẻ, kín đáo để nằm nghỉ. Nếu hệ thống miễn dịch giúp nó hồi phục, nó sẽ dần dần tỉnh lại, tìm thức ăn, tìm lá cây, là cỏ làm thuốc để tự sống sót và tiếp tục phát triển. Quan sát trên người ta thấy: nhiều cơn đau thắt mạch vành được tự điều chỉnh lại nhờ quá trình nằm nghỉ bất động ngay tại chỗ. Các hệ thống tuần hoàn bằng hệ của mạch vành (Anastomosis-Bypass) sẽ giúp tạo ra các nhánh nhỏ nối thông nhau, giúp tuần hoàn vành hồi phục trở lại. Nếu ta sử dụng thuốc quá vội vàng, đặt stent quá sớm và quá rộng rãi, sẽ thủ tiêu vai trò thích nghi kỳ diệu của cơ thể, sẽ làm mất đi một cân bằng cơ thể mới theo lý thuyết của bậc thầy y học Clande Bernard đã phát hiện ra ở thế kỷ trước.
Bài học rút ra là: Đừng ép ai đến bước đường cùng. Học sinh học kém đừng ép thi đại học, đi du học tự túc. Các em dễ bị trầm cảm, bị vẩy nến, bị viêm loét dạ dày. Đừng chạy theo việc kiếm tiền, kiếm danh vọng. Nếu cố quá, ép quá gục ngã giữa đường có phải tội nghiệp không.
- Nếu đã bị vẩy nến rồi, nên bình tĩnh đón nhận và quyết tâm chống lại nó bằng sự kiên trì chịu đựng và vươn lên để tìm niềm vui cuộc sống.
Trên thực tế, có bệnh nhân vẩy nến sống thọ 70, 80 tuổi. Có người khéo giữ gìn, nên vẫn trẻ trung, xinh đẹp, có sự nghiệp vững vàng, có hạnh phúc bền chặt. Như vậy, trong khi điều trị vẩy nến, vẫn phải đề cao y học dự phòng là: Quyết tâm hạn chế nó, ngứa không gãi, tập dần đến lúc quên không ngứa nữa, đừng lúc nào cũng bị ám ảnh, bị nó hành hạ.
2. Xã hội hóa mạnh mẽ các lực lượng tham gia phòng chống bệnh vẩy nến
Cách đây mấy chục năm, bệnh vẩy nến ít được nhắc đến ở Việt Nam vì nhiều lý do:
- Chẩn đoán không chính xác, nhầm nhiều bệnh là vẩy nến, còn vẩy nến thật thì ít ai chú ý.
- Các thuốc chữa vẩy nến phần nhiều dựa trên kinh nghiệm. Nhiều bài thuốc dân gian, bài thuốc trôi nổi không ai đánh giá, không ai kiểm soát.
Từ khi ngành Da liễu Việt Nam phát triển, có nhiều hoạt động đối ngoại tốt nên trình độ chẩn đoán, điều trị vẩy nến ở Việt Nam đã có bước tiến dài. Đặc biệt phải kể đến cái mốc tháng 6/2012, Hội vẩy nến Việt Nam được thành lập. Được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng hội Y học Việt Nam, của Bộ Y tế, của Viện Da liễu Trung ương, nên sau 6 năm đã có những thành tích nổi trội sau đây:
- Đã thành lập được phòng khám chuyên đề vẩy đặt tại Bệnh viện Da liễu TW. Do được tuyên truyền tốt, do tạo được lòng tin vào bệnh viện của Nhà nước, nên số bệnh nhân đã tăng từ 50 người lúc ban đầu lên đến 2.000 người hiện nay.
- Đã có nhiều Câu lạc bộ vẩy nến ở các tỉnh.
- Hàng năm đã tổ chức được Ngày vẩy nến Quốc tế, là dịp tốt để các hãng Dược phẩm giới thiệu các loại thuốc mới, các bệnh nhân trao đổi kinh nghiệm, các thầy thuốc trao đổi kinh nghiệm, các phóng viên báo chí, truyền hình, phát thanh đưa tin rộng rãi.
Mô hình bệnh tật thế kỷ 21 trở nên phức tạp hơn thế kỷ trước bởi các bệnh tưởng chừng bị tiêu diệt lại quay trở lại, xuất hiện nhiều bệnh mới, bệnh lạ, bao gồm bệnh vẩy nến dai dẳng, khó chữa, đòi hỏi nhiều nghị lực ở người bệnh, đòi hỏi nhiều kiên nhẫn ở thầy thuốc, đòi hỏi nhiều công sức tuyên truyền vận động của các nhà báo, các phóng viên phụ trách khoa học sức khỏe ở các lĩnh vực. Đối với bệnh vẩy nến, tôi xin mạnh dạn trích dẫn lời dạy sau đây của ông tổ ngành y Hypocrat đã nói cách đây 2.500 năm: “Đối với người thầy thuốc chân chính, đôi lúc thành công trong việc chữa bệnh, nhưng suốt đời phải biết an ủi và nâng đỡ tinh thần cho người bệnh”.
Bệnh vẩy nến – Bệnh lý và những vấn đề xã hội - ThS.BS. Trịnh Minh Trang
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh vẩy nến vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, nhưng 3 yếu tố di truyền, rối loạn miễn dịch và yếu tố kích thích đã được xác định là nguyên nhân gây bệnh.
Yếu tố di truyền: Vẩy nên có yếu tố di truyền nhiều gen, nổi bật nhất là gen PSORS1 nằm trên NST 6p21 đã được chứng minh đóng góp gây bệnh vẩy nến, 33-50% bệnh nhân có tiền sử gia đình có người mắc bệnh vẩy nến.
ThS.BS. Trịnh Minh Trang phát biểu
Rối loạn miễn dịch: Bệnh vẩy nến là kết quả của các chuỗi phản ứng miễn dịch phức tạp tại da gây tăng sinh và biệt hóa bất thường các tế bào sừng của da, tạo nên thương tổn đỏ da bong vảy trên lâm sàng. Tế bào Th1, Th17 và một số các chất trung gian miễn dịch như TNF anpha, IL-12, IL-23, IL 17A… liên quan chặt chẽ đến cơ chế bệnh sinh của vẩy nến.
Yếu tố kích thích: Các yếu tố kích thích khởi phát bệnh: nhiễm khuẩn (viêm họng, HIV), stress, chấn thương, hút thuốc lá, thuốc (kháng sốt rét, chẹn beta…).
Các thể lâm sàng của vẩy nến: Thể mảng, thể mủ, vẩy nến thể đỏ da toàn thân, viêm khớp gây biến dạng khớp, thương tổn móng vẩy nến, vẩy nến da đầu.
Các bệnh lý khác kèm theo: Hội chứng chuyển hóa (rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường type II, béo phì, gan nhiễm mỡ…); bệnh lý tim mạch, có thể gây tử vong cho người bệnh; viêm mãn tính: hội chứng đại tràng kích thích, viêm màng bồ đào…; tâm, thần kinh: mất ngủ, trầm cảm…
Bệnh vẩy nến ảnh hưởng tâm lý người bệnh: Gây stress nặng nề, tạo vòng xoắn bệnh – stress - bệnh nặng lên – stress - bệnh. Stress do: đau, ngứa, sợ xấu, mặc cảm về ngoại hình, tự thu mình; mất các mối quan hệ; không thể lao động, học tập; xã hội kỳ thị; gánh nặng bệnh tật (điều trị kéo dài, bệnh lý kèm theo, tốn nhiều chi phí…). Người bệnh còn bị rối loạn tâm lý khác như lo âu, trầm cảm; gây suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình tương đương như bệnh nhân tiểu đường, CPDP, ung thư…
Sự hiểu biết về bệnh và tuân thủ điều trị của người bệnh
Chỉ khoảng 25% bệnh nhân thực sự hài lòng với điều trị, khoảng 50% bệnh nhân không hài lòng.
Lý do: Tác dụng hạn chế và dung nạp kém của thuốc; sự phúc tạp, tốn kém tiền, thời gian của điều trị; thông tin trao đổi giữa bác sĩ - bệnh nhân chưa hiệu quả; thiếu hiểu biết của người bệnh.
Bệnh nhân không hài lòng dẫn đến giảm tuân thủ điều trị, kết quả dẫn đến điều trị thất bại.
Tư vấn hỗ trợ điều trị
Stress tâm lý do bệnh vẩy nến có thể gây rona thần kinh. Các yếu tố gây bệnh nặng bao gồm thói quen sinh hoạt, lối sống không phù hợp (uống nhiều bia rượu, hút thuốc, lười vận động…); các bệnh lý đi kèm (tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì…); sự thiếu hiểu biết, kiến thức và kém tuân thủ điều trị của người bệnh.
Kiểm soát stress tâm lý: Stress tâm lý vừa tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch, vừa gián tiếp gây giảm tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Để kiểm soát stress tâm lý, chúng tôi khám và đánh giá các chỉ số tâm lý định kỳ đối với tất cả bệnh nhân vẩy nến (DLQI) …để đánh giá định kỳ chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Lưu ý khai thác dấu hiệu trầm cảm để hội chẩn kịp thời với chuyên gia tâm lý và có hướng xử trí phù hợp.
Tạo tương tác thuận lợi giữa bác sĩ và bệnh nhân ngay từ lần gặp đầu tiên rất quan trọng, giúp việc trao đổi, tư vấn, giáo dục bệnh nhân dễ dàng và hiệu quả hơn.
Bác sĩ da liễu phối hợp với chuyên gia tâm lý trong trường hợp bệnh nhân cần liệu pháp tâm lý chuyên sâu.
Kiểm soát bệnh lý toàn thân đi kèm: Các bệnh lý đi kèm làm tăng gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, đồng thời làm giảm hiệu quả điều trị.
Bệnh nhân vẩy nến cần được theo dõi và kiểm soát cân nặng, huyết áp, chỉ số đường máu, mỡ máu, chức năng gan…định kỳ trong quản lý bệnh vẩy nến.
Một số bệnh lý đi kèm trở thành chống chỉ định của thầy thuốc điều trị như: Acitretin không dùng cho bệnh nhân tăng mỡ máu, tăng men gan; Ciclosporin không dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp, tăng máu mỡ; Menthotrexate hạn chế dùng choc ho bệnh nhân tiểu đường, béo phì, mắc bệnh về gan…
Chọn thuốc điều trị vẩy nên và bệnh lý đi kèm cần dựa vào từng trường hợp cụ thể, sử dụng phác đồ điều trị linh hoạt, tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân.
Tạo lập và duy trì thói quen, lối sống khỏe mạnh:
Lối sống không khoa học đã được chứng minh gây bất lợi trong điều trị bệnh vẩy nến:
- Bệnh nhân hút hơn 20 điếu thuốc lá/ngày gấp đôi nguy cơ chuyển thành vẩy nến thể nặng.
- Bệnh nhân béo phì tăng cao nguy cơ cao tăng mỡ máu và mắc các rối loạn chuyển hóa như tăng huyết áp, tiểu đường…
Bệnh nhân cần điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt để tăng đáp ứng điều trị, cải thiện vấn đề tâm lý, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý bệnh:
- Kiểm soát cân nặng ổn định, tránh thừa cân (BMI nhỏ hơn 25)
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế sử dụng cồn
- Thường xuyên vận động, thể dục thể thao vừa sức.
Chế độ ăn của người bệnh vẩy nến:
- Thức ăn giàu chất xơ và vitamin như trái cây, rau củ, ngũ cốc giúp cung cấp các khoáng chất như kẽm, selen và các vitamin A,D,E,C,B12. Chưa có nghiên cứu khẳng định chế độ ăn có gluten (trong bột mỳ) làm nặng bệnh vẩy nến.
- Chất đạm từ gia cầm, trứng, cá, đậu tương. Hạn chế ăn thịt đỏ, phủ tạng động vật.
- Chất béo chưa bão hòa có nhiều từ các loại cá biển (cá hồi, cá thu, cá trích…) và từ dầu oliu.
- Hạn chế đồ ăn nhiều muối.
- Nếu bệnh nhân dùng chất cồn thì liều lượng 1 ngày không quá 175ml rượu vang độ cồn 13% hoặc không quá 568ml bia độ cồn 4% hoặc 25ml rượu độ cồn 40%. Trong tuần phải có ít nhất 2 ngày không sử dụng chất cồn.
- Về chế độ luyện tập thể dục, thể thao, bác sĩ tư vấn bệnh nhân chọn môn tập phù hợp với sức khỏe và điều kiện thời gian, tài chính của mỗi người, nhưng điều quan trọng là bệnh nhân cần duy trì việc tập luyện đều đặn để phát huy hiệu quả.
- Tư vấn người bệnh cách tiếp cận các nguồn thông tin hướng dẫn như mạng internet, sách báo, truyền hình …để bệnh nhân có thể chọn phương pháp luyện tập phù hợp.
Bệnh nhân hợp tác và tuân thủ điều trị:
Việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân là điều kiện quan trong quyết định hiệu quả quản lý bệnh.
Bệnh nhân không tuân thủ điều trị dẫn đến việc dùng thuốc không đầy đủ, bỏ thuốc hoặc tự ý dùng thuốc không được chỉ định, dùng thuốc sai cách…
Bên cạnh đó,bệnh nhân không tuân thủ thực hiện các tư vấn về phòng bệnh tái phát, thay đổi thói quen có hại, kiểm soát stress tâm lý…tất cả nhưng điều trên dân đến thất bại điều trị.
Phụ thuộc rất nhiều vào mối tương tác giữa thầy thuốc và bệnh nhân, trình độ hiểu biết của người bệnh, tính thuận tiện của điều trị…Nếu mối liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân chặt chẽ, bệnh nhân có trình độ tốt, phương pháp điều trị thuận tiện thì sự tuân thủ điều trị càng cao và ngước lại.
Bác sĩ tương tác thuận lợi, cung cấp điều trị tối ưu và giáo dục bệnh nhân hiệu quả.
Giáo dục bệnh nhân là cung cấp, trao đổi thông tin, kiến thức cần thết cho người bệnh, phục vụ cho việc điều trị và quản lý bệnh.
Trong vẩy nến, điều trị bằng thuốc bôi rất quan trọng. Việc bôi thuốc thường bất tiện và mất thời gian. Bệnh nhân cần bôi đúng cách: Đủ số lần, đủ lượng thuốc, khoảng cách giữa các lần bôi. Điều dưỡng viên làm mẫu và hướng dẫn bệnh nhân. Nhân viên y tế, người nhà trợ giúp bệnh nhân bôi thuốc khi cần.
Ở Việt Nam, bệnh nhân dễ dàng tiếp cận và chọn thuốc dùng điều trị không rõ nguồn gốc và gây tăng nguy cơ bệnh bùng phát, chuyển thể nặng. Chính vì vậy bác sĩ tư vấn bệnh nhân không sử dụng thuốc bừa bãi, ngoài chỉ định.
Giáo dục bệnh nhân nâng cao kiến thức về bệnh, phòng bệnh tái phát, kiểm soát stress tâm lý, điều chỉnh lối sông… giúp người bệnh thay đổi nhận thức, trở nên có trách nhiệm với sức khỏe bản thân, chủ động phối hợp với thầy thuốc trong quản lý bệnh.
Về hình thức, bác sĩ có thể tư vấn trực tiếp với từng bệnh nhân hoặc với nhóm bệnh nhân, gián tiếp qua tài liệu, tờ rơi, truyền thông, mạng internet.
Bệnh nhân vảy nến nên được tư vấn tham gia các tổ chức như Hội vẩy nến Việt Nam, các mạng xã hội như psoviet.org.vn, National Psoriasis Foudation…
PV