Tỷ lệ tiêm chủng sởi-rubella đạt trên 95%
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Sau 30 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã được những thành tựu to lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em với tỷ lệ tiêm chủng sởi-rubella trên cả nước đạt trên 95% .
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, Ngành thăm và kiểm tra điểm tiêm chủng vắc xin sởi-rubella tại Trường THCS Lê Quý Đôn.
Qua kết quả thống kê cho thấy 100% số huyện đều đạt tỷ lệ tiêm vắc xin sởi-rubella trên 95%. Trên qui mô xã/phường có 11.150 xã/ 11.173 xã đạt tỷ lệ >95%, chỉ còn lại 23 xã thuộc 4 tỉnh Bình Phước, Cao Bằng, Lai Châu, Đắc Lắc đạt tỷ lệ tiêm chủng chiến dịch từ 90 -95%. Hiện các tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục tiêm vét phấn đấu đạt 100% số xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95%
Công tác tổ chức, bố trí điểm tiêm chủng hợp lý, không quá đông được tất cả các địa phương chú trọng. Kết quả giám sát, kiểm tra cho thấy các điểm tiêm chủng đều thực hiện đúng qui trình chuyên môn kỹ thuật.
Chất lượng vắc xin tại các điểm tiêm chủng được bảo đảm. Kết quả kiểm tra của các đoàn giám sát cho thấy tại các bàn tiêm chủng vắc xin được bảo quản lạnh đúng qui định. Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế đã kiểm tra lấy mẫu vắc xin tại điểm tiêm chủng trong thời gian diễn ra chiến dịch, kết quả 100% số mẫu được kiểm tra đều đạt an toàn.
Như vậy, sau khi triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên phạm vi cả nước từ năm 1985 đến nay, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn,... Tỷ lệ tiêm chủng cao đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở phụ nữ và trẻ em, giúp giảm chi phí chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đằng sau những thành tựu
Ít ai hiểu được đằng sau kết quả tỷ lệ tiêm chủng tích cực ấy là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của ngành y tế, sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ngành, đoàn thể và sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam. Chính phủ đã có chỉ thị sát sao đối với ngành y tế, đồng thời Bộ Y tế cũng nhận được sự phối hợp nhiệt tình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị bộ đội biên phòng,... Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ, còn có sự huy động mạnh mẽ của chính quyền các cấp tại địa phương về triển khai nguồn lực cho chiến dịch.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, điều kiện đời sống còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Để đạt được tỷ lệ tiêm chủng sởi-rubella cao như trên là kết quả sự tận tụy của từng cán bộ y tế các cấp, của các chiến sỹ bộ đội biên phòng những ngày đến tận nhà người dân, vận động cho nhân dân hiểu tầm quan trọng của công tác tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe gia đình.
Đây cũng là nỗ lực hết mình của Bộ Y tế khi phải vượt qua những trở ngại, khó khăn của y tế cơ sở, lên kế hoạch khoa học, sát thực tế, tập huấn cán bộ đầy đủ, kỹ càng nhằm kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, giúp người dân hiểu và tránh phản ứng tâm lý dây chuyền sau tiêm chủng để duy trì sự tham gia tích cực của cộng đồng trong chiến dịch.
Bộ Y tế đã tổ chức quyết liệt, đồng bộ các hoạt động phong phú, đa dạng như: Hội nghị triển khai, tập huấn, điều tra đối tượng, hỗ trợ công tiêm, tiêm chủng vùng khó khăn, hỗ trợ cho các đồn biên phòng tham gia triển khai chiến dịch tại các vùng biên giới, hải đảo, kiểm tra giám sát trước trong và sau chiến dịch, tài liệu biểu mẫu thống kê báo cáo, tài liệu truyền thông, triển khai các hoạt động truyền thông tại một số địa phương và bổ sung thiết bị dây chuyền lạnh để bảo quản vắc xin cho 63 tỉnh, thành phố.
Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) đã hỗ trợ vắc xin, vật tư tiêm chủng và phần kinh phí chủ yếu cho chiến dịch. Ngoài ra, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ tích cực về truyền thông, kỹ thuật từ Tổ chức Y tế Thế giới, UNICEF, cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA),…
Đạt được thành công này không thể không nhắc đến sự tham gia, ủng hộ của cộng đồng, các bậc cha mẹ đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia chiến dịch tiêm chủng. Họ là những người đã chủ động thực hiện tốt các quy định và khuyến cáo của Bộ Y tế về tiêm chủng phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và ngăn chặn những nguy cơ khôn lường cho sức khỏe cộng đồng.
Đồng thời, sự phối hợp truyền thông hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương, song song với công tác truyền thông được ngành y tế hết sức chú trọng thực hiện ở các tuyến đã góp phần vào thành công của chiến dịch.
GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đi giám sát công tác TCMR
Thay cho lời kết
Những tác hại của bệnh sởi, rubella gây ra rất nguy hiểm như: gây sẩy thai, dị tật bẩm sinh, gây ra biến chứng viêm tai giữa ở trẻ, hoặc viêm phổi, viêm não, mù lòa, suy dinh dưỡng,... Chiến dịch tiêm chủng sởi-rubella đạt tỷ lệ cao góp phần khống chế những căn bệnh nguy hiểm và giảm gánh nặng chi phí y tế cộng đồng. Việt Nam đã hạn chế nguy cơ dịch sởi-rubella bùng phát trong khi thế giới vẫn còn những quốc gia phải đối mặt với dịch bệnh này trong năm 2015.
Nhờ những thành công đạt được, Việt Nam đã thanh toán các căn bệnh khác như: bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi,… đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Trong năm 2015, Việt Nam trở thành 1 trong 39 quốc gia trên thế giới được công nhận “Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin” theo tiêu chuẩn quốc tế. Với năng lực của mình, Việt Nam sẽ là một quốc gia sản xuất vắc xin số lượng lớn cung cấp cho nhu cầu trong nước và thế giới. Đây là một trong những thuận lợi lớn để nước ta tiếp tục nỗ lực đạt những mục tiêu quan trọng, nhằm hướng tới mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế