Ưu tiên phát triển y tế biển, đảo
Sau hai năm triển khai đề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020" (đề án 317) cho thấy đã có nhiều thay đổi, từ nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đến sự phối hợp lực lượng quân, dân y...
Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc cần làm để đề án là một chiến lược tốt, gắn kết bảo vệ chủ quyền biển, đảo với chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình, nhiệm vụ mới.
Tặng tủ thuốc cho ngư dân Phú Yên chuyên đánh bắt cá xa bờ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, các cấp ủy đảng chính quyền địa phương và các bộ, ngành đã quan tâm công tác phát triển y tế biển, đảo. Sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương ngày càng chặt chẽ; người dân trên các huyện đảo, xã đảo được hưởng thụ chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế; các cơ sở khám chữa bệnh trên các xã đảo, huyện đảo và ven bờ từng bước được cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế giúp người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng hơn. Đặc biệt, sự phối hợp giữa ngành y tế và lực lượng quân y ngày càng có hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là trên biển và các đảo xa bờ, thật sự là chỗ dựa cho ngư dân khi ra khơi, khi biển động.
Sau lễ phát động chương trình, ngành y tế cùng ngư dân bám biển (tháng 5- 2014), đến nay công đoàn y tế đã mua hơn 1.200 tủ thuốc tặng các nghiệp đoàn nghề cá các tỉnh: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên...nhiều cơ sở y tế tổ chức các đợt khám, chữa bệnh cho hàng chục nghìn người dân sống trên các huyện đảo, xã đảo và hỗ trợ về trang thiết bị y tế, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên các đảo. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố triển khai nhiều nội dung cụ thể, như tỉnh Quảng Ninh thiết lập và đưa vào sử dụng đường truyền trực tuyến cho Trung tâm y tế huyện Cô Tô, phục vụ công tác hội chẩn, giao ban; đầu tư trung tâm ô-xy cao áp tại Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy để hỗ trợ cấp cứu, điều trị cho ngư dân. Tỉnh Cà Mau thành lập trung tâm y tế với 100 giường bệnh tại thị trấn Sông Đốc; xây mới hai trạm y tế tại xã đảo Hòn Khoai (Ngọc Hiển) và Hòn Chuối (Trần Văn Thời). Tỉnh Kiên Giang đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Phú Quốc, Bệnh viện đa khoa thị xã Hà Tiên và xây mới ba trạm y tế tại ba xã đảo: Bãi Thơm, Gành Dầu (Phú Quốc), Hải Sơn (Kiên Lương)...
Thiếu tướng, GS, TS Lê Trung Hải, Phó Cục trưởng Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, hai năm qua, các đơn vị quân y trong toàn quân tiếp tục phối hợp lực lượng y tế các địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội tuyến biển, đảo tại những khu vực khó khăn. Theo thống kê, các cơ sở quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu 2.800 người; khám bệnh cấp thuốc cho 60 nghìn lượt người, thu dung điều trị hơn 11 nghìn trường hợp; đã phẫu thuật hơn 1.400 ca... Lực lượng quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu, vận chuyển kịp thời, an toàn hiệu quả nhiều trường hợp người bệnh rất nặng như đa chấn thương, viêm tụy cấp, tai biến do lặn sâu, xuất huyết tiêu hóa, viêm túi mật cấp... Bộ Quốc phòng đã điều động 16 chuyến máy bay lên thẳng và 22 chuyến tàu vận chuyển 57 người bệnh về đất liền cứu chữa kịp thời.
Việc triển khai đề án 317 nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Tuy nhiên thực tế một số bộ, ngành, địa phương, một bộ phận cán bộ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa chính trị - kinh tế - xã hội của đề án, do vậy chưa triển khai hoặc triển khai chiếu lệ, chưa đầy đủ các nội dung của đề án. Một số địa phương còn giao khoán cho ngành y tế trong việc triển khai, coi đây là nhiệm vụ của ngành y tế. Trong khi đó, phần lớn bà con ngư dân còn thiếu hiểu biết, chưa "đòi hỏi" nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe mỗi khi ra khơi. Hiện nay, y tế ở các huyện đảo, xã đảo xa bờ chủ yếu do lực lượng quân y đảm nhiệm hoặc dân y kết hợp quân y, nhưng lực lượng còn mỏng, chưa có các đội cơ động cấp cứu vận chuyển chuyên nghiệp, trang thiết bị và thuốc thiết yếu còn hạn chế. Nhiều huyện đảo như Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Thổ Chu, việc vận chuyển người bệnh còn khó khăn, do chi phí cao, thời gian vận chuyển kéo dài, nhân lực thiếu...
Thiếu tướng, GS,TS Lê Trung Hải nêu rõ: Vấn đề quan trọng là phải nghiên cứu, xây dựng phác đồ theo mô hình bệnh tật của người dân sống trên biển, đảo. Đặc biệt là cần có những hướng dẫn cụ thể cho người dân trong việc sơ cấp cứu ban đầu do tai nạn thương tích trên biển và giúp người dân có kiến thức tự bảo vệ bản thân, ứng cứu kịp thời khi có tình huống khẩn cấp. Do vậy, trong thời gian tới, Cục Quân y tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp bảo đảm y tế biển, đảo. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tổ chức bảo đảm quân y, bảo đảm vệ sinh phòng dịch, vệ sinh môi trường trên tuyến biển, đảo; chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội.
Bác sĩ Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cho biết, công tác y tế biển, đảo tại huyện hiện còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, do chưa có mô hình mạng lưới y tế biển, đảo vẫn đang áp dụng mô hình y tế trên đất liền. Trong khi y tế tuyến đảo vừa là tuyến đầu cũng vừa là tuyến cuối. Do vậy, cần đầu tư nhiều hơn nữa về cơ cở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh tại chỗ và cả những phương tiện vận chuyển cấp cứu phù hợp; có cơ chế hỗ trợ về kinh phí trong vận chuyển người bệnh từ đảo về đất liền. Trước mắt, cần trang bị cho những cơ sở khám, chữa bệnh tuyến đảo hệ thống Telemidicine (hội chẩn trực tuyến) để giúp các bệnh viện hội chẩn các ca bệnh khó.
PGS, TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về y tế biển, đảo cho biết: các đơn vị đang thực hiện dự án gồm đóng mới một tàu bệnh viện, trang bị thiết bị cấp cứu trên biển cho hai tàu cảnh sát biển; hướng dẫn chẩn đoán và cấp cứu các ca bệnh khó. Đồng thời củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp đặc thù hoạt động vùng biển, đảo, bảo đảm cho người dân sinh sống, làm việc, được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.
Nguồn: Nhandan.vn