Về hiện tượng san hô chết, bị tẩy trắng ở Côn Đảo
Đó là kết quả bước đầu sau một quá trình khảo sát thực tế tại các rạn san hô vùng biển: Vịnh Côn Sơn, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Vịnh Đầm Tre, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Tre Lớn, Ông Đụng, Hòn Bà, Hòn Tài và Hòn Trứng.
Hiện tượng san hô chết và bị tẩy trắng đã diễn ra nhiều tại Côn Đảo, nặng nhất là những năm 1998, 2010, 2016 do hiện tượng El Nino (hiện tượng nước biển nóng lên dị thường ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, khiến thời tiết trên phạm vi toàn cầu cũng bị ảnh hưởng). Sau đó, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã khảo sát và triển khai công tác phục hồi san hô tại các điểm đảo.
San hô biển Côn Đảo bị tẩy trắng, chết diện rộng |
Theo ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, cần tiến hành thêm các cuộc khảo sát để đánh giá quy mô và mức độ san hô chết, bị tẩy trắng lần này.
Nhiệt độ sống lý tưởng của san hô dao động từ 24-30 độ C. Ở thời điểm hiện tại, nhiệt độ nước tầng đáy của vùng biển Côn Đảo là 32 độ C, nếu nhiệt độ nước biển tại các rạn san hô không giảm thì khả năng phục hồi của san hô rất thấp và diện tích san hô chết sẽ rất lớn.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã kết nối với Viện Hải dương học Nha Trang, đề xuất Viện phối hợp cùng Vườn Quốc gia Côn Đảo khảo sát, đánh giá cụ thể tỷ lệ San hô chết, bị tẩy trắng tại các đảo.
San hô là quần thể các sinh vật biển không xương sống. Hiện tượng tẩy trắng san hô được kích hoạt bởi tình trạng bất thường về nhiệt độ nước khiến san hô trục xuất các loại tảo đầy màu sắc sống trong các mô của chúng. Khi đó màu sắc rực rỡ của san hô biến mất. Nếu không có sự hỗ trợ của tảo trong việc cung cấp chất dinh dưỡng thì san hô không thể tồn tại.
Một số loài san hô bị tẩy trắng có thể phục hồi đáng kể và có khả năng phục hồi nếu nhiệt độ nước biển giảm. Nếu tẩy trắng nghiêm trọng và kéo dài, số lượng lớn san hô có thể bị xóa sổ.