“Xanh hóa” cảng cá Thanh Hóa
Từng bước “xanh hóa” cảng cá
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 03 cảng cá (Hòa Lộc, Lạch Hới và Lạch Bạng) do các BQL cảng cá thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý vận hành. Về cơ bản, các cảng cá đã đầu tư hệ thống thoát nước mặt, nước thải từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ trong khu vực cảng được thu gom, xử lý qua bể lắng, nước thải sinh hoạt của BQL cảng được xử lý qua bể tự hoại, sau đó thải ra cống thoát nước mặt của các cảng.
Để siết chặt công tác BVMT tại các cảng cá, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2322/QĐ-UBND về quy chế quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tầu cá, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý chất thải, BVMT đối với BQL cảng cá, các tàu thuyền hoạt động ra vào cảng cá và khu neo trú bão, các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực cảng cá.
Qua công tác kiểm tra cho thấy, Công ty TNHH Thọ Dương - Hải Bình đang hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất để xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung cho khu vực Cảng cá Lạch Hới. Đối với Cảng cá Hòa Lộc, hải sản sau khi được đánh bắt theo tàu về cảng được các đơn vị thu mua đưa lên xe vận chuyển đi tiêu thụ, trong khu vực cảng không tổ chức sơ, chế biến thủy hải sản, nên chất thải phát sinh không nhiều. Các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản có quy mô lớn phát sinh nhiều nước thải cơ bản đã đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật… là một trong những giải pháp căn cơ để BVMT tại các cảng cá
Bên cạnh đó, nhìn chung công tác thu gom xử lý chất thải rắn được các BQL hợp đồng với đơn vị thu gom rác thải của địa phương định kỳ vận chuyển đi xử lý theo quy định. Các doanh nghiệp quy mô lớn có phát sinh chất thải sản xuất, trực tiếp hợp đồng với các đơn vị thu gom chất thải của địa phương định kỳ vận chuyển đi xử lý.
Không những thế, công tác kiểm tra, xử lý theo kế hoạch giám sát, định kì của Sở TN&MT phối hợp với BQL KKT Nghi Sơn và các KCN, UBND các huyện, thị xã, UBND các xã có cảng, các BQL cảng cá được chú trọng. Nhờ vậy, Sở đã hướng dẫn kịp thời các cơ sở thực hiện nghiêm biện pháp thu gom, xử lý chất thải theo quy định, xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều giải pháp căn cơ
Để đảm bảo công tác BVMT tại các cảng cá tại Thanh Hóa, trước hết cần tháo gỡ, xử lý triệt để một số vướng mắc, tồn tại như hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về BVMT (hệ thống thu gom, thoát nước mặt và xử lý nước thải tập trung) được xây dựng từ lâu hoặc chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, một phần bị xuống cấp, ách tắc gây mùi hôi thối; đặc biệt đối với các cơ sở hoạt động trong các cảng cá có quy mô nhỏ, hộ gia đình và chủ yếu hoạt động trong các khâu sơ chế sứa, mực, mổ cá…
Riêng rác thải từ các cơ sở chế biến cá, từ tàu thuyền ra vào cảng cần sớm được thu gom triệt để, tránh việc để tồn đọng rác thải tại hệ thống các cống rãnh, mặt nước cầu cảng; khí thải từ các cơ sở hoạt động hấp, sấy cá nhỏ, hộ gia đình cần đầu tư xây dựng các công trình thu gom xử lý bụi, khí thải gây mùi đặc trưng của hải sản.
Nhờ siết chặt công tác BVMT, các cảng cá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã từng bước “xanh hóa”
Trên thực tế, công tác BVMT tại các cảng cá là trách nhiệm “không của riêng ai”, vì vậy cần phải có sự phối hợp thực hiện chặt chẽ giữa các Sở, ngành, đơn vị có liên quan. Do đó Sở TN&MT Thanh Hóa đã đề xuất một số giải pháp cụ thể: Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT cần chỉ đạo BQL các cảng cá thực hiện đầy đủ trách nhiệm BVMT tại khu vực cảng, xây dựng phương án thu gom, xử lý chất thải trong khu vực cảng, niêm yết công khai để các cơ sở sản xuất kinh doanh, các chủ tàu thuyền ra vào cảng thực hiện; đầu tư đầy đủ thùng chứa, khu lưu giữ tạm thời rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại cho khu vực cảng theo quy định.
Tổ chức nạo vét, khơi thông các tuyến cống rãnh thu gom nước thải, nước mặt dọc các tuyến đường trong khu cảng; cải tạo và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải tập trung đã được đầu tư trong cảng. BQL KKT Nghi Sơn, UBND các huyện có cảng cá, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác BVMT. Kiểm tra, giám sát các tàu thuyền khi ra vào và neo đậu trong cảng thực hiện nghiêm quy định về thu gom chất thải; nghiêm cấm các hành vi xả dầu thải, nước thải, nước dằn tàu và rác thải bừa bãi trong cảng và xuống sông.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, để nâng cao công tác BVMT tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, thời gian tới Sở TN&MT sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác BVMT đối với các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong các cảng cá. Hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện hồ sơ pháp lý về BVMT theo quy định, yêu cầu các cơ sở đầu tư đầy đủ và vận hành thường xuyên các công trình xử lý chất thải trong quá trình hoạt động, đảm bảo chất thải được thu gom, xử lý đạt QCVN trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, cương quyết xử lý và kiến nghị xử lý các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân không chấp hành các quy định về BVMT.
VĂN DUY