31/12/2024 là hạn cuối phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt
31/12/2024 là hạn cuối phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt |
Từ chính sách…
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, ngày 31/12/2024 là thời hạn chậm nhất để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên toàn quốc. Theo đó, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và CTRSH khác. Đáng chú ý, khoản 2 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH theo quy định; không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định. Mặc dù Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/8/2022, song từ ngày 25/8/2022 đến ngày 31/12/2024 là khoảng thời gian giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải, làm quen với việc phân loại rác thải hằng ngày; hiểu và xem việc phân loại rác như một tập quán trong đời sống hằng ngày, xem rác như một nguồn tài nguyên có lợi cho chính họ và cộng đồng xã hội. Sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác và không sử dụng bao bì chứa CTRSH đúng theo quy định thì bị phạt tiền theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
Đánh giá cao chính sách phân loại rác tại nguồn, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, chính sách này thể hiện quyết tâm của cả chúng ta trong việc quản lý rác, coi rác là tài nguyên kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đồng thời khẳng định, nếu chúng ta làm tốt công tác phân loại rác thải sinh hoạt thì chính rác thải tạo ra kinh tế. Đây chính là biểu hiện của xã hội văn minh, con người bảo vệ môi trường nhưng đồng thời vẫn phát triển kinh tế. Chung quy lại, việc phân loại rác khi đưa vào quy định dù có tính áp lực, bắt buộc nhưng đem đến lợi ích dài hạn trong bối cảnh kinh tế thị trường. Đó chính là động lực để toàn xã hội thực hiện việc này.
Đến thực tiễn
Mặc dù, thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bắt đầu từ sau ngày 31/12/2024, nhưng, nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, nếu không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, thực tế cho thấy các địa phương đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhằm đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường về thời hạn nêu trên, phân loại rác đúng yêu cầu kỹ thuật không đơn giản đối với cộng đồng, bởi bản thân chất thải trên thực tế rất đa dạng, không dễ phân biệt, phân loại (ví dụ có nhiều loại chất thải “nhựa” nhưng không thể tái chế, túi nilon dính dầu mỡ thì xếp vào nhóm nào? vv..).
Cùng với đó, việc chưa kịp ban hành các quy định cụ thể hóa trách nhiệm được phân công, thiếu nguồn nhân lực chuyên trách, thiếu nguồn tài chính, thiếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH không đồng bộ, thậm chí chưa có là bức tranh chung của nhiều địa phương…
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, để quy định phân loại rác tại nguồn đi vào thực tiễn và có hiệu quả, các cấp ngành, địa phương phải đảm bảo các điều kiện sau: Thứ nhất đó là vật chất và chính sách. Thứ 2 là quá trình thu gom, vận chuyển, lưu thông, tập kết rồi xử lý. Đây là cả một chuỗi công đoạn. Cần có sự đồng bộ trong tất cả quá trình từ khi phân loại, thu gom đến khi xử lý. Thứ 3 là thu gom cần tránh tình trạng người dân phân loại nhưng đến lúc thu gom thì dồn tất lại. Thứ 4 là trong quá trình lưu thông, các xe vận chuyển cũng cần đảm bảo các điều kiện. Thứ 5 là nơi tập kết cũng phải được phân loại riêng. Và cuối cùng là chọn công nghệ xử lý đối với từng loại rác. Đấy là những điều kiện và phải làm được như vậy thì chúng ta mới có cơ hội để thực hiện tốt quy định về phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Cùng chung quan điểm của PGS.TS Bùi Thị An, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, vấn đề phân loại rác tại nguồn còn kéo theo một loạt các vấn đề khác, như: Thu gom thế nào, vận chuyển ra sao, xử lý thế nào, rồi liên quan không chỉ người dân mà còn các đơn vị quản lý, đơn vị công ích, lò đốt, công nghệ... Đó là những vấn đề chúng ta phải quan tâm để hiểu rõ tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chứ không phải chỉ ở phần ngọn là phân loại rác tại các hộ gia đình. Thêm vào đó, việc phân loại rác tại nguồn đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của các cấp, các ngành. Chúng ta sẽ phải thay đổi như thế nào để khuyến khích các đơn vị công ích tham gia và đảm bảo được quyền lợi và trách nhiệm của họ? Cơ chế giám sát ra sao, hạ tầng đổ rác, thu gom ở các khu dân cư khác nhau như thế nào?… Một loạt các vấn đề mới được đặt ra và cần phải có những hướng dẫn cụ thể thêm.
TS. Hoàng Dương Tùng cũng rất trăn trở vì việc phân loại rác tại nguồn là việc làm khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của các cấp, các ngành. Chúng ta sẽ phải thay đổi như thế nào để khuyến khích các đơn vị công ích tham gia để đảm bảo được quyền lợi và trách nhiệm của họ. Rồi cơ chế giám sát ra sao? Hạ tầng về đổ rác, thu gom rác ở các khu dân cư khác nhau như thế nào? Một loạt các vấn đề mới được đặt ra trong việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 cần phải có những hướng dẫn cụ thể thêm.
Tạo thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân
Theo ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, để tạo thành thói quen phân loại rác đúng quy định, chúng ta phải đi theo lộ trình và phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Vấn đề là, chúng ta phải mạnh dạn làm. Đầu tiên là ban hành các văn bản quy định, rồi triển khai hướng dẫn. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hoạt động phân loại CTRSH tại hộ gia đình, cá nhân; đồng thời, tăng cường công tác truyền thông.
Vừa qua, nhằm hỗ trợ công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt được triển khai rộng rãi trên cả nước, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng thông tin, tài liệu phục vụ công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt bao gồm: Bộ nhận diện chất thải rắn sinh hoạt phục vụ cho công tác phân loại; phim hoạt hình hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt; phóng sự về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương...
Hy vọng rằng, với sự hướng dẫn, chuẩn bị chu đáo của cơ quan quản lý và sự vận hành đồng bộ của các địa phương bài toán phân loại rác thải tại nguồn vốn đã loay hoay trong nhiều năm qua sẽ được tìm lời giải, tạo bước đi đột phá để cải thiện ô nhiễm và quá tải do rác thải sinh hoạt cũng như lãng phí tài nguyên từ rác.