Ả Rập Xê-út nỗ lực xanh hóa sa mạc
Theo các chuyên gia, tình trạng hạn hán, bão cát, các làn sóng nhiệt và nghiêm trọng hơn, nguy cơ sơ mạc hoá, nguồn nước ngọt bốc hơi và suy thoái đất đai hiện nay đang trở thành những mối nguy cơ mang tính “sống còn”.
Do đó, Ngày Môi trường Thế giới năm 2024, đã được phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá" (Land restoration, desertification and drought resilience).
Hiện tại, Ả Rập Xê-út đang cải tạo Vườn Quốc gia Thadiq rộng 600km2 ở phía Bắc thủ đô Riyadh. Nỗ lực cải tạo công viên bao gồm trồng 250.000 cây xanh, 1 triệu cây bụi và xây dựng thêm các đập hứng nước mưa.
Chia sẻ về những nỗ lực đang được triển khai ở Vườn quốc gia Thadiq, ông Abdullah Ibrahim Alissa, Giám đốc Vườn quốc gia, cho biết: “Tôi lớn lên ở khu vực này và từ khi còn nhỏ tôi đã chứng kiến nó xuống cấp và trở thành sa mạc hóa. Tuy nhiên, nhờ các dự án trồng rừng, bảo vệ và chăm sóc, khu vực này đã hoàn toàn thay đổi”.
Theo đó, Vườn quốc gia Thadiq đã “lột xác” từ vùng hoang mạc thành một địa điểm thiên nhiên với những bụi cây và cây được chăm sóc cẩn thận và thảm thực vật xanh tươi.
Các loài chim trong khu vực từng di cư ồ ạt cùng nhiều loài động vật do tốc độ sa mạc hoá nhanh chóng, nay đang quay trở lại.
Việc cải tạo Vườn quốc gia Thadiq là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm phủ xanh những vùng sa mạc rộng lớn của Ả Rập Xê-út, hướng tới giải quyết các vấn đề về hạn hán, sa mạc hóa và suy thoái đất đai vốn đang đe dọa các quốc gia trên khắp Tây Á và Bắc Phi.
Trong đó, 3/4 đất canh tác trong khu vực đã bị thoái hóa và 60% dân số đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước, con số này sẽ tăng lên vào năm 2050.
Ông Osama Ibrahim Faqeeha, Thứ trưởng Bộ Môi trường Ả Rập Saudi nhấn mạnh đất đai là một trụ cột cơ bản của sự sống, bên cạnh đại dương và khí hậu. Bở vậy, đất đai đóng vai rất quan trọng trong việc duy trì sự sống trên Trái đất này.
Để giải quyết tình trạng suy thoái đất đai nghiêm trọng do tốc độ phát triển nhanh chóng, bắt đầu từ tháng 3/2021, Ả Rập Xê-út đã triển khai Sáng kiến Xanh nhằm phục hồi 40 triệu ha đất.
Sáng kiến Xanh của Ả Rập Xê-út còn hướng tới các mục tiêu chuyển 30% đất đai của Ả Rập Xê Út thành khu bảo tồn thiên nhiên và trồng 10 tỷ cây xanh để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, ông Khaled Alabdulkader, Giám đốc điều hành của Trung tâm Quốc gia về Phát triển thảm thực vật và Chống sa mạc hóa của Ả Rập Xê-út, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là trồng 400 triệu cây vào năm 2030”.
Bà Susan Gardner, Giám đốc Bộ phận Hệ sinh thái tại Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), đánh giá: Sáng kiến Xanh của Ả Rập Xê-út cho thấy tiềm năng của việc áp dụng nền tảng văn hoá và sự hiểu biết truyền thống vào nỗ lực quản lý môi trường tự nhiên. Các cách tiếp cận này, dựa trên nền tảng truyền thống và phù hợp với bối cảnh địa phương, đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với khu vực bị suy thoái đất đai và sa mạc hoá nghiêm trọng như Ả Rập Xê-út.
Các cây non trong vườn ươm cây tại Vườn Quốc gia Thadiq. Ảnh: UNEP |
Thông qua Sáng kiến Xanh Trung Đông, Ả Rập Xê-út đang dẫn đầu nỗ lực trồng 40 tỷ cây xanh giảm xói mòn đất, bảo vệ đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Kết hợp với Sáng kiến Xanh trong nước, Ả Rập Xê-út hướng tới mục tiêu trồng 50 tỷ cây, tương đương với khoảng 5% mục tiêu trồng cây toàn cầu, sẽ giúp khôi phục tổng cộng 200 ha đất bị suy thoái.
Ngoài ra, Ả Rập Xê-út cũng tích cực phối hợp với nhóm G20 và tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) để triển khai Sáng kiến đất đai toàn cầu G20, nhằm giảm bớt 50% tình trạng suy thoái đất đai vào năm 2040.
Thời gian tới, Ả Rập Xê-út sẽ đăng cai tổ chức phiên họp lần thứ 16 Hội nghị các bên tham gia UNCCD. Nhiều người cho rằng hội nghị này diễn ra vào thời điểm then chốt khi thế giới nỗ lực giải quyết tình trạng suy thoái đất đai.
Ở phạm vi toàn cầu, các quốc gia đã cam kết khôi phục 1 tỷ ha đất trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc. Tuy nhiên nếu xu hướng xói mòn đất đai vẫn tiếp diễn như hiện tại, thế giới sẽ cần nâng con số lên 1,5 tỷ ha để đáp ứng các mục tiêu về suy thoái đất vào năm 2030.
Bà Gardner nhận định: Các hoạt động bảo vệ và phục hồi đất mang lại kết quả tích cực về đa dạng sinh học cũng như nhiều lợi ích cho con người, bao gồm an ninh nước và lương thực, sức khỏe và phúc lợi cộng đồng, giảm thiểu và thích ứng với khí hậu.