Kỳ 2: Thông tin của bệnh nhân bị “đánh cắp” từ kho lưu trữ hồ sơ bệnh án như thế nào?
(SK&MT) - Ngày 10/4/2023 Sức khoẻ & Môi trường online đã phản ánh ý kiến của một số bệnh nhân tự túc mua thấu kính nội nhân mềm kéo dài tiêu cự, nhờ bác sỹ Khoa Mắt - Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ (BVĐKTPCT) thay thuỷ tinh thể khẳng định việc chọn phương án điều trị bệnh cho mình theo tư vấn của bác sỹ là tự nguyện, không trái quy định nhưng thông tin cá nhân của các bệnh nhân này đã bị “đánh cắp” phát tán ra ngoài, khái quát thành sự việc đưa lên công luận đặt vấn đề nghi vấn theo hướng quy trách nhiệm cho các bác sỹ đã nhiệt tình hỗ trợ bệnh nhân là không thấu đáo, gây tâm lý bất an cho người bệnh, ảnh hưởng uy tín của bệnh viện.
Các bệnh nhân này yêu cầu báo chí và cơ quan chức năng làm rõ để chấn chỉnh quy trình bảo mật thông tin của bệnh nhân theo qui định pháp luật.
“Từ 14 năm qua, Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ đã được ngân sách đầu tư 850 tỉ đồng xây dựng mới và gói trang thiết bị trị giá 19,5 triệu euro quy mô 500 giường, với hơn 600 cán bộ, nhân viên y bác sỹ, trong đó có hơn 50% có trình sau đại học”
Từ bảng danh sách tổng hợp liệt kê tên tuổi bệnh nhân và những cuộc điện thoại truy vấn mờ ám…
Cần phải nhắc lại rằng 17 bệnh nhân thay thuỷ tinh thể theo phương án tự túc mua thấu kính nội nhân mềm kéo dài tiêu cự nhờ sự hỗ trợ của bác sỹ Khoa Mắt – BVĐKTTPCT phẫu thuật thay thuỷ tinh thể (trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/222) đều có mối quan hệ thân thiết với cán bộ, y bác sỹ tại BVĐKTPCT. Thậm chí, có bệnh nhân là bác sỹ giữ chức vụ đứng đầu cấp khoa phòng của bệnh viện, có bệnh nhân là người nhà của bác sỹ trong Ban Giám đốc, là cán bộ đang công tác trong cơ quan nhà nước tại thành phố và các tỉnh lân cận…
Cùng với mối quan hệ, họ đều có năng lực nhận thức về lợi ích, rủi ro và tài chính để chọn phương án điều trị bệnh cho mình mà không thanh toán chi phí thuỷ tinh thể nhân tạo từ quỹ BHYT nên việc họ bức xúc, phản ứng về tình trạng thông tin cá nhân của họ bị đánh cắp, lọt ra ngoài, trở thành vấn đề trên diễn đàn công luận là hoàn toàn chính đáng.
Qua rà soát phóng viên được biết đến nay chưa có người nào trong số 17 bệnh nhân này thắc mắc, khiếu kiện và cũng chưa ai có nhu cầu trích lục thông tin HSBA của mình. Tuy nhiên, trong số các bệnh nhân này đã có người nhận được những cuộc điện thoại từ số máy lạ, bị một phụ nữ truy vấn về các tình tiết trong quá trình mua thấu kính nội nhân nhờ bác sỹ phẫu thuật thay thuỷ tinh thể. Đối tượng này không nói rõ mục đích truy vấn khiến người bệnh khó chịu, phản ứng, thì đối tượng bất ngờ cúp máy.
Như vậy, thông tin chi tiết (số điện thoại, bệnh tình,…) của bệnh nhân đã bị “moi ra” từ kho lưu trữ HSBA. Con số 17 bệnh nhân đặt thuỷ tinh thể nhân tạo mà dư luận soi xét nghi vấn “không rõ nguồn gốc” là dữ liệu tổng hợp trên cơ sở sàng lọc, phân tích,… thông tin cá nhân từ hàng trăm HSBA sau phẫu thuật thay thuỷ tinh thể trong khoảng thời gian 3 tháng, được lưu trữ tại kho HSBA của BVĐKTPCT. Và người phụ nữ dấu mặt truy vấn bệnh nhân qua điện thoại một cách mờ ám là đối tượng có liên quan đến việc làm này.
“Phiếu mượn hồ sơ bệnh án của Bs.V.T không thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định”.
Thông tin của hàng loạt bệnh nhân đã bị “moi” từ kho lưu trữ…
Tiếp cận các nguồn tin phóng viên ghi nhận: trong khoảng thời gian từ sau phẫu thuật các bệnh nhân này (tháng 5/2022) đến nay chưa ai trong số họ có nhu cầu trích lục HSBA của mình. Chỉ có 1 trường hợp đã vào kho lưu trữ HSBA (thuộc Phòng Kế hoạch tổng hợp – BVĐKTPCT) để tiếp cận HSBA của các bệnh nhân sau phẫu thuật thay thuỷ tinh thể (khoảng thời gian từ tháng 3 - tháng 5 năm 2022) là Bs. T.H.V.T., (vì lý do bảo mật thông tin cá nhân nên tác giả dấu tên nhân vật trong bài viết này – PV) giữ chức vụ Phó Khoa – BVĐKTPCT.
Bs. V.T không trực tiếp hỗ trợ tư vấn hoặc phẫu thuật cho 17 bệnh nhân này. Bs V.T đã tiếp cận HSBA của họ khi đã được lưu trong phòng lưu trữ HSBA (thuộc Phòng Kế hoạch tổng hợp), bằng cách: lập “Phiếu mượn hồ sơ bệnh án tại kho lưu trữ” để phục vụ cho công tác nghiên cứu đề tài khoa học. Phiếu này thể hiện ngày 01/7/2022, Bs. V.T ký tại vị trí “người mượn” và trực tiếp ký luôn vị trí “lãnh đạo Khoa” nhưng thực tế không có uỷ quyền của Trưởng khoa. Phiếu ghi “có danh sách đính kèm” nhưng thực tế không có danh sách đính kèm và cũng không nêu thời gian cụ thể.
Trong “Phiếu mượn hồ sơ bệnh án tại kho lưu trữ”, Bs. V.T nêu lý do: “lấy số liệu đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “khảo sát phù hoàng điểm sau phẫu thuật thay thuỷ tinh thể trên bệnh nhân đái tháo đường tại BVĐKTPCT”. Cam kết “không sao chụp hồ sơ bệnh án dưới mọi hình thức, sử dụng thông tin trong hồ sơ bệnh án đảm bảo giữ bí mật và sử dụng đúng mục đích”. Thế nhưng, năm 2022 cá nhân Bs V.T không có đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học nào liên quan đến lý do mượn HSBA như nội dung đã ghi trong phiếu. Thực chất Đề tài “Khảo sát phù hoàng điểm sau phẫu thuật đục thuỷ tinh thể trên bệnh nhân đái tháo đường tại BVĐKTPCT năm 2021” đã được Hội đồng nghiệm thu ngày 31/12/2021 không có yêu cầu thu mẫu, khảo sát thêm và Giám đốc BVĐKTPCT đã ban hành Quyết định công nhận ngày 31/12/2021.
Bằng Phiếu mượn hồ sơ bệnh án phục vụ nghiên cứu đề tài, lãnh đạo Phòng Kế hoạch tổng hợp đã ký và nhân viên kho tiếp nhận và lưu trữ HSBA hướng dẫn Bs. V.T đến mượn HSBA vị trí lưu trữ theo yêu cầu (hồ sơ tháng 3, 4, 5 năm 2022). Để Bs. V.T tự tìm và xem HSBV tại chỗ. Và nhân viên kho lưu trữ HSBA cũng không biết Bs. V.T có tác động vào HSBA hay không (?).
“Không có ca trực nhưng 22h30’ ngày 13/7/2022 Bs.V.T đã vào Khoa Mắt yêu cầu mở các cửa phòng và gọi các bộ phận liên quan lập biên bản cho rằng Khoa bị mất máy nhưng sau đó đã được làm rõ không có sự việc mất máy xảy ra tại Khoa Mắt”.
Sử dụng thông tin cá nhân của bệnh nhân để tố cáo…
Thực tế, Bs. V.T đã sử dụng dữ liệu tập hợp 17 bệnh nhân nêu trên từ kho lưu trữ HSBA vào việc tố cáo Bs. N.P.T (Trưởng khoa Mắt) và Bs. N.M.N (Phó khoa Mắt) “không minh bạch trong việc thực hiện phẫu thuật Phaco cho bệnh nhân, có hiện tượng sử dụng trang thiết bị cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân là thuỷ tinh thể nhân tạo không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin sản phẩm”.
Từ việc sử dụng thông tin HSBA vào việc tố cáo của Bs. V.T đã dẫn đến thông tin của các bệnh nhân này trở thành vụ việc đưa ra phân tích, “mổ xẻ” trong hàng loạt diễn biến: kiểm tra, thanh tra, xác minh,… lan truyền phổ biến trong và ngoài bệnh viện, rồi khái quát thành vụ việc đưa lên công luận.
Đáng lưu ý, cùng với việc tập hợp thông tin của hàng loạt bệnh nhân từ kho lưu trữ HSBA để sử dụng vào việc tố cáo thì lúc 22h30’ đêm 13/7/2022 Bs. V.T dù không có ca trực nhưng đã vào Khoa Mắt (BVĐKTPCT) yêu cầu Điều dưỡng trực mở cửa các phòng trong Khoa, sau đó báo Phòng Hành chính, bộ phận quản lý vật tư và bảo vệ… tiến hành lập biên bản cho rằng Khoa Mắt bị mất máy. Sự việc này khiến Khoa Mắt phải tiến hành nhiều cuộc họp để làm rõ, kết quả: qua kiểm kê, kiểm tra thì hoàn toàn không có việc mất máy tại Khoa Mắt. Thời điểm đó, Khoa Mắt có 2 máy (Phaco Laureat và Phaco NIDEX). Máy Phaco Laureat hư nên Khoa đã gửi phòng vật tư sửa lâu nhưng vẫn chưa xong, còn máy Phaco NIDEX thì cũng hư mới gửi sửa chữa và cũng đang nằm bên phòng vật tư chờ sửa chữa.
Được biết, cùng với chức vụ Phó khoa, Bs. V.T cũng là đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ Khoa Mắt. Việc tố cáo của Bs. V.T diễn ra vào thời điểm Chi bộ Khoa Mắt (BVĐKTPCT) đang chuẩn bị tổ chức Đại hội. Quá trình giải quyết sự việc đã khiến thời gian chính thức tổ chức đại hội kéo lùi và Đảng uỷ đã phải chỉ định 1 đồng chí cấp uỷ cấp trên giữ chức vụ Bí thư chi bộ Khoa Mắt nhiệm kỳ mới mà không bầu được bí thư là đảng viên trực tiếp công tác tại đơn vị.
Các vụ việc liên quan đến việc tố cáo của Bs. V.T đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, ghi nhận và thông tin về tiến trình giải quyết sự việc khách quan, thấu đáo từ phía cơ quan chức năng, để góp phần củng cố khối đoàn kết nội bộ, phát huy hiệu quả hoạt động chuyên môn tại Khoa Mắt (BVĐKTPCT).
HÙNG MINH