Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Hoạt động sản xuất nông nghiệp khá phổ biến ở Việt Nam, gồm các hoạt động cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, người dân sử dụng nhiều hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý… gây ra những tác động nặng nề, làm ô nhiễm đất, không khí và nguồn nước.
Ngoài ra, trong quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp còn gây nên xói mòn ở các triền dốc thuộc vùng đồi núi, khai hoang mở rộng diện tích đất rừng. Chính vì thế, muốn bảo vệ môi trường thì cần phải tuân theo các quy định chặt chẽ của pháp luật, thực hiện các giải pháp thực tiễn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp đã được quy định rõ tại Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón trong sản xuất nông nghiệp phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bảo vệ môi trường là hoạt động cần thiết và bắt buộc trong quá trình sản xuất nông nghiệp. |
Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng phải được quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Bao bì đựng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải. Bùn nạo vét từ kênh, mương, công trình thủy lợi phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế và quản lý theo quy định của pháp luật. Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.
Phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường.
Việc sử dụng chất thải từ hoạt động chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc mục đích khác phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, cũng theo Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường, Nhà nước có chính sách khuyến khích đổi mới mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp; phát triển mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường.