Bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu gạo Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long
Hiệu quả các mô hình thí điểm
Mô hình thí điểm được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn triển khai tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng đã cho kết quả tích cực, giảm 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới; tăng thu nhập cho nông dân từ 20-25%, lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng, giảm phát thải khí nhà kính từ 2 đến 12 tấn/ha. Từ kết quả từ các mô hình thí điểm, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thống nhất với các địa phương nhân rộng ra 12 tỉnh, thành và áp dụng ngay trong vụ Thu-Đông 2024 và Đông-Xuân 2024-2025.
Nông dân tỉnh Kiên Giang thu hoạch lúa. |
Từ thực tế đó, phóng viên đã về tỉnh Kiên Giang tìm hiểu thì được biết, để thực hiện, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo nhằm tuyên truyền đến người dân, các hợp tác xã (HTX) hiểu rõ về lợi ích của Đề án. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, xác định giai đoạn đến năm 2030 sẽ triển khai khoảng 200.000 ha tham gia vào Đề án. Ngành nông nghiệp đã chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông cơ sở để chuẩn bị nguồn nhân lực để triển khai thực hiện Đề án. Bên cạnh đó đã có 2.400 cán bộ chuyên môn tham gia các khóa tập huấn, nhằm đảm bảo kiến thức, kỹ năng triển khai đồng bộ. Ngoài ra, Kiên Giang cũng xây dựng thêm 12 mô hình trên địa bàn 12 huyện với diện tích khoảng 440 ha để làm cơ sở nhân rộng và để tính toán chỉ số giảm phát thải của từng vùng sinh thái.
“Việc triển khai các mô hình đã có một số cho thu hoạch; còn một số mô hình trên nền tôm lúa đang triển khai, đến nay đang tiến hành các bước theo dõi các chỉ số”, ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết thêm.
Còn tại TP Cần Thơ, ông Phạm Thái Bình, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, các hộ dân, HTX tham gia liên kết với doanh nghiệp rất đồng tình, hồ hởi, phấn khởi trong triển khai Đề án để đưa ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung lên một tầm cao mới, đáp ứng xu thế về biến đổi khí hậu hiện nay. “Theo tôi, mắt xích quan trọng của Đề án là nguồn vốn và sự liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp. Trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp các đơn vị chức năng cần phối hợp và tìm được những nút thắt về mối liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân và nguồn tín dụng, chính điều này sẽ giúp hoàn thiện Đề án, phát huy hiệu quả trong triển khai. Trong thời gian tới, HTX, doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân sẽ gặp nhiều thuận lợi. Với vai trò trong Hiệp hội ngành hàng lúa gạo của Việt Nam kêu gọi tất cả các doanh nghiệp, các HTX chung tay với chính quyền địa phương, cùng nông dân ký kết, liên kết với nhau để thực hiện Đề án để nâng cao giá trị cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam”.
Triển khai Đề án để đưa ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung lên một tầm cao mới, đáp ứng xu thế về biến đổi khí hậu hiện nay. |
Nhấn mạnh về việc cắt giảm lượng giống gieo sạ còn 60-70kg/ha mà vẫn đảm bảo năng suất, đây được xem là thành công của Đề án, Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, trong triển khai Đề án cần phải quan tâm đến mặt bằng đồng ruộng, thoát nước và khi xuống giống cần tránh thời tiết bất lợi mưa sẽ làm trôi giống, tăng chi chí sản xuất. Đồng thời cần áp dụng phương pháp sạ hàng, sạ cụm để nâng cao hiệu quả trong sử dụng cơ giới vào Đề án.
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, với diện tích lớn, xuống giống đồng loạt có thể nghiên cứu sử dụng máy bay không người lái để sạ lúa, điều này giảm áp lực về thời gian nhưng vẫn đảm bảo lượng giống gieo sạ dưới 70kg/ha. Trong đề án lượng giống sử dụng mỗi vụ lên tới vài trăm nghìn tấn nên cũng cần quan tâm đến chất lượng giống.
“Chúng ta phải có những nghiên cứu để làm sao sử dụng công cụ sạ bằng máy bay không người lái, thử nghiệm mô hình ở viện lúa trong vòng 15 phút sạ lúa được 1 ha. Nếu như thời tiết thuận lợi 1 ngày nếu có thể gieo sạ bằng máy được 50 ha. Chi phí tính toán chỉ cần 5 vụ kết hợp vừa gieo sạ, bón phân, vừa phun thuốc có thể thu hồi được chi phí đầu tư cho máy bay”, Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch nêu vấn đề.
Vai trò đồng hành của ngành ngân hàng
Vai trò đồng hành của ngành ngân hàng trong Đề án rất quan trọng, giúp người dân, HTX, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng, mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm trang thiết bị, mở rộng nhà kho, đầu tư silo và tạm trữ, tiêu thụ lúa gạo. Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn từ nay đến cuối năm 2025, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng.
Theo ông Trương Hoàng Hải, Giám đốc Agribank Chi nhánh Cần Thơ 2, phía ngân hàng cam kết đảm bảo nguồn vốn cho vay để phục vụ nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu trong liên kết lúa gạo của Đề án triển khai trên địa bàn Cần Thơ.
“Tại Cần Thơ trong vùng dự án, có 3 huyện thuộc về thành phố, đối với chi nhánh Cần Thơ 2 nằm trong vùng dự án 3 nên chúng tôi cũng cam kết luôn dùng nguồn vốn để đảm bảo dự án, làm sao góp phần phát triển Đề án này tốt hơn trong thời gian tới”, ông Trương Hoàng Hải nhấn mạnh.
Cánh đồng lúa ở tỉnh An Giang. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguồn vốn để đầu tư hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL rất quan trọng và Bộ đã làm việc để vay vốn Ngân hàng Thế giới trị giá 430 triệu USD, trong đó 330 triệu USD vốn vay ưu đãi và 100 triệu USD vốn đối ứng, nhằm tập trung nguồn lực đầu tư cho giai đoạn 2026-2027. Nguồn vốn đóng vai trò quan trọng để đảm bảo hạ tầng thủy lợi cho cả tưới và tiêu, áp dụng phương pháp canh tác ngập khô xen kẽ, kết hợp với cứng hóa kênh mương phục vụ vận chuyển và cơ giới hóa đồng bộ, tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi phương thức canh tác nhằm tạo ra lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Được biết, tham gia Đề án đến năm 2030 với 48.000 ha, TP Cần Thơ sẽ triển khai tại các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai và Cờ Đỏ-đây là những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Để thực hiện, TP Cần Thơ đã đề xuất đầu tư tầng kỹ thuật, thủy lợi với kinh phí khoảng 34 triệu USD, tương đương hơn 800 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Đề án đã nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế. Ngay từ đầu UBND thành phố tham mưu cho Thành ủy, HĐND ưu tiên, tăng cường bổ sung nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống thủy lợi trong nông nghiệp, nhất là cái vùng đang triển khai thực hiện Đề án. Để nhân rộng mô hình của Đề án, thành phố đã bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở, khuyến nông, nông dân, HTX và thành lập các Tổ khuyến nông cộng đồng làm nòng cốt thực hiện các hoạt động dịch vụ kỹ thuật, thị trường, liên kết sản xuất trong triển khai thực hiện.
“UBND thành phố cũng đã chỉ đạo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu cho các cơ quan chức năng ban hành chính sách nhằm hỗ trợ lãi suất cho các HTX, nông dân ở vùng dự án mua máy gieo sạ chính xác hoặc là ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao... nhằm kiểm soát được lượng giống theo kế hoạch đã đề ra”, ông Nguyễn Ngọc Hè nêu rõ.
Sử dụng công cụ máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp. |
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn từ năm 2024-2025 sẽ tập trung vào 200.000 ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các HTX trong sản xuất và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Giai đoạn 2 từ năm 2026-2030 sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống để mở rộng thêm 800.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Có thể khẳng định, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL là bước đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, nhằm tổ chức lại ngành hàng, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cam kết thực hiện giảm phát thải. Xác định được tầm quan trọng đó, các địa phương ở ĐBSCL đang tập trung triển khai, nhân rộng để nâng cao chất lượng lúa gạo, bảo vệ môi trường, khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.