Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá ứng dụng nhiều kĩ thuật mới trong điều trị
Câu hỏi làm thế nào để bệnh nhân nặng, những ca bệnh khó vẫn có thể điều trị hiệu quả mà không phải chuyển tuyến đang được bệnh viện giải đáp bằng việc triển khai ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Sáu, trưởng khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá khám cho bệnh nhân bằng máy nội soi tai mũi họng OLYMPUS của Cộng hoà liên bang Đức.
Chúng tôi gặp bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Sáu. Trưởng khoa Tai Mũi Họng thuộc bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá trong một buổi sáng muà hè đầy nắng. Anh Sáu nói như khoe với chúng tôi: “ Bệnh viện vừa qua đã triển khai được khá nhiều dịch vụ kỹ thuật lâm sàng hiện đại mới, trong đó, khoa chúng tôi tự hào đã thực hiện thành công phẫu thuật cắt thanh quản và nạo vét hạch cổ để điều trị ung thư thanh quản và ung thư hạ họng. Đây là kỹ thuật được chuyển giao từ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương".
Bác sĩ Sáu chia sẻ, tuỳ theo tổn thương của bệnh nhân ung thư họng, chúng tôi tiến hành phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn phần thanh quản, nạo vét hạch cổ, sau đó chuyển điều trị bằng xạ trị hoặc hoá trị. Ưu điểm của kỹ thuật này là chỉ sau khoảng 20 ngày bệnh nhân có thể xuất viện, nếu bệnh nhân được phát hiện bệnh đúng “thời điểm vàng” thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
"Đặc biệt, chi phí cho phẫu thuật bằng kỹ thuật này ở Thanh Hoá tiết kiệm cho người bệnh 40% so với tuyến trung ương, giúp bệnh nhân tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn ở, chờ đợi so với điều trị ở Hà Nội. Kỹ thuật này đã được áp dụng tai bệnh viện từ tháng 12 năm 2020 và đã điều trị cho 7 bệnh nhân có kết quả tốt. Hiện tại, khoa có 35 bệnh nhân đã có lịch phẫu thuật áp dụng kỹ thuật mới tại khoa Tai Mũi Họng. Riêng ngày hôm nay chúng tôi có lịch phẩu thuật 15 ca bệnh", bác sĩ Sáu cho biết thêm.
Được biết, khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá là khoa giàu truyền thống với tổng số 22 cán bộ, công nhân viên trong đó có 3 bác sĩ chuyên khoa 2 và 5 Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 1. Sắp tới, khoa sẽ có 3 bác sĩ được đi học và tiếp cận kỹ thuật mới về mổ nội soi cắt u tuyến giáp tại Hà Nội để về triển khai tại bệnh viện.
Các bác sỹ Khoa chẩn đoán hình ảnh Thanh Hóa đang thực hiện can thiệp tĩnh mạch cho bệnh nhân
Chia tay bác sĩ Sáu, chúng tôi tìm gặp Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, trưởng nhóm can thiệp suy giãn tĩnh mạch thuộc Khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc cho biết, căn bệnh suy giãn tĩnh mạch là “kẻ thù thầm lặng” âm thầm tấn công người bệnh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Hiện nay, các bác sĩ của bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật đốt nội mạch với 2 phương pháp là đốt bằng sóng cao tần RFA và đốt laze.
Ưu điểm của kỹ thuật này là đảm bảo xâm lấn tối thiểu, hiệu quả tối đa, bệnh nhân không phải nằm viện, không có các biến chứng nặng nguy hiểm, vừa đảm bảo được tính thẩm mỹ và tiết kiệm chi phí cho người bệnh từ 80% - 100%. Đặc biệt, hiện nay, Thanh Hoá là tỉnh duy nhất ngoài tuyến trung ương triển khai được kỹ thuật lâm sàng này và đã điều trị hiệu quả cho 35 bệnh nhân, tính từ thời điểm tháng 3 năm 2021.
Được biết, ngoài những kỹ thuật lâm sàng tiêu biểu trên, bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá còn triển khai các kỹ thuật khác như: tim phổi nhân tạo, hạ thân nhiệt chỉ huy, sinh thiết tuyến tiền liệt qua ngã ba trực tràng, chích xơ điều trị suy tĩnh mạch chi dưới, gạn tách các thành phần máu trong điều trị…
Với đội ngũ 1.213 viên chức, người lao động, trong đó có 255 bác sĩ có trình độ đại học và trên đại học, hằng ngày, hằng giờ, những "chiến sĩ áo trắng” của bệnh viện vẫn đang miệt mài chiến đấu với bệnh tật, mang lại sức khoẻ và niềm hạnh phúc cho người dân xứ Thanh, xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.
HỮU THẮNG