Biên Hòa - Đồng Nai: Dân ở 50 năm bỗng nhận “hung tin” đất nhiễm độc
Điều lạ, khi người dân yêu cầu cung cấp bản đồ phơi nhiễm chất độc dioxin, kế hoạch GPMB lấy đất của dân để làm gì, lấy xong có trả lại cho dân hay không…? Nhưng tất cả các yêu cầu đó đều bị Hội đồng GPMB “im lặng”. Uẩn khúc nào khiến người dân phản đối dự án này…
Ông Nguyễn Văn Chính, người sinh sống suốt mấy chục năm qua tại đây khẳng định bao năm qua, gia đình ông sinh sống không hề bị sao cả.
Trao đổi với phóng viên, ông Lương Hữu Ngọc (sinh năm 1972), bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, bà Phạm Thị Cúc cùng hơn 20 hộ dân khác đang sinh sống tại tổ 32 bất bình cho biết: Suốt mấy tháng qua, người dân địa phương mất ăn, mất ngủ vì theo như cán bộ địa chính thông báo thì toàn bộ khu vực mà các hộ dân sinh sống đều nằm trên khu vực đất bị phơi nhiễm chất độc dioxin. Ai cũng hoang mang lo lắng. Bà Dung kể: Nghe tin đó, gia đình tôi rụng rời vì bao nhiêu năm sinh sống tại đây. Nhưng rồi tìm hiểu, bà lại thấy có nhiều điều vô lý, bởi nếu đúng như các tài liệu thì gia đình ai sinh sống ở đây, đến đời con, đời cháu sẽ đều “quái thai, dị dạng” cả. Nhưng có thể phúc nhà bà to nên các con, cháu vẫn lớn lên, khỏe mạnh bình thường mà.
Anh Lương Hữu Ngọc cho biết: Anh từng là quân nhân, làm việc tại sân bay Biên Hòa. Sau này ra quân, anh lấy vợ và mua đất của chính gia đình nhà vợ để lập nghiệp. Sống ở đây đến gần 30 năm, còn bố vợ anh, cụ Phạm Văn Xê, sinh năm 1934. Cụ từng sinh sống tại đây từ những năm 1960. Sau này hòa bình lặp lại, cụ vẫn ở đây. Điều lạ, nói cả vùng này bị nhiễm chất độc dioxin, nhưng các con cụ vẫn lớn lên khỏe mạnh, dựng vợ gả chồng đầy đủ. Chẳng ai bị phơi nhiễm gì cả, mà sao lại bảo có chất độc. Thông tin quái ác này đã làm cho các cháu học sinh hoang mang, lo sợ… Anh Ngọc khẳng định, nếu đúng như 1 số đối tượng tuyên truyền là đất nhiễm độc, thì chả cần họ vận động, lập tức gia đình anh “khăn gói quả mướp” chuyển đi nơi ở khác ngay, kể cả về quê. Nhưng thực tế không phải vậy, Khi họp, Hội đồng GPMB còn mời cả những người bán nhà đến họp, khi họ không có quyền lợi và liên quan…
Toàn bộ tổ 32, khu phố 5, phường Bửu Long trong diện bị thu hồi
Anh Tâm, ông Chính, những người dân sinh sống lâu năm ở đây dẫn phóng viên đi khắp các khu vườn, vòng quanh khu tường bao sân bay, xung quanh các đường xóm. Quan sát tận mắt, phóng viên thấy ở đây, cây cối vẫn phát triển, sai hoa, đậu quả. Ông Nguyễn Văn Chính, 76 tuổi, người sinh sống ở đây từ bé, là gia đình cách mạng bức xúc cho biết: Gia đình ông rất bực mình, đời sống bị ảnh hưởng. Đã có 2 cuộc họp với dân, hiện giờ Hội đồng GPMB TP. Biên Hòa đang cho người tổ chức kiểm đếm, nhưng bà con không ai hoan nghênh. Đến nhà ai cũng không đồng ý. Ông Chính khẳng định, có một số đối tượng là “tay sai, chim mồi” cho việc GPMB này nên khi đi họp, họ cứ mạnh miệng là đồng ý với chủ trương. Nhưng thực tế, họ chỉ là những kẻ thuê nhà, không đúng đối tượng. Cũng theo người dân, vụ việc di dân đã được họp 2 lần, nhưng tại các cuộc họp này, Hội đồng GPMB cố tình lờ đi việc phải treo bản đồ phơi nhiễm chất độc 1 cách công khai, không trả lời nổi những câu hỏi của bà con như: Thu hồi đất kiểu gì, lấy đất xong xử lý xong, có bàn giao đất lại cho dân không, hay lại mang đi bán cho ai đó, hòng trục lợi… Mặc dù đặt nhiều câu hỏi, nhưng không thấy cán bộ nào của Hội đồng GPMB trả lời được…
Sau khi đi thực tế, phóng viên thấy những kiến nghị của người dân là có cơ sở. Những khu vườn đều sai trĩu quả, mùa nào quả đó. Tiếp giáp với khu dân cư là 1 tường bao dài cả mấy trăm mét có sự ngăn chia. Một bên là người dân sinh sống, còn 1 bên là sân bay. Có 1 dòng mương nhỏ, dẫn nước từ sân bay chảy qua khu dân cư. Theo nhiều người dân thì dòng mương này chủ yếu phục vụ việc tiêu thoát nước cho mùa mưa, nếu sân bay ngập úng, nước sẽ tháo theo ngả này, mà cũng chả mấy khi mới có lũ, hay mưa to về, nên dòng nước này chỉ có ít nước thải từ các hộ dân chảy xuống là chủ yếu. Khi được hỏi, hầu hết người dân đều cho rằng, khu vực nhiễm chất độc dioxin đều nằm trong sân bay Biên Hòa, vùng này được bộ đội cắm biển cảnh báo lâu rồi, không bao giờ có người lai vãng vào đó.
Người dân bức xúc kéo lên Trung tâm phát triển quỹ đất kiến nghị
Qua điều tra, phóng viên được biết: Việc thực hiện xử lý chất độc dioxin là chủ trương lớn của Nhà nước, dưới sự giúp đỡ hợp tác của chính phủ Hoa Kỳ. Việc tẩy chất độc này đã được giao cho quân đội triển khai. Tuy nhiên, trong việc thu hồi đất của người dân Khu phố 5, Phường Bửu Long có nhiều điểm bất thường. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao, việc thu hồi đất lại không giao cho Ban Quản lý dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin, mà lại giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất đứng ra thu hồi. Không cung cấp công khai bản đồ bị phơi nhiễm chất độc dioxin để người dân biết, trong khi đó chính người dân địa phương cũng có 1 bộ bản đồ ghi khá chi tiết, đánh dấu từng vị trí, mốc tiêu, khu vực bị phơi nhiễm cụ thế, nên từ đó dẫn đến tình trạng bất hợp tác. Và người dân khu vực tổ 32, khu phố 5 đã làm đơn tố cáo những cán bộ địa phương lợi dụng dự án, chủ trương của nhà nước để “vơ” thêm đất, hơn là vì công lý.
Rộng đường dư luận, phóng viên đã đến làm việc với bà Lê Thị Thu Tâm, Chủ tịch UBND phường Bửu Long. Bà Tâm cho biết: Hiện tại UBND phường chỉ là nơi mời các hộ dân đến họp thôi. Còn trách nhiệm chính của việc này là của Trung tâm phát triển quỹ đất và lãnh đạo UBND TP. Biên Hòa, Phường chỉ là nơi thực hiện. Phóng viên đặt hàng loạt câu hỏi như tại sao không công khai bản đồ phơi nhiễm, tại sao lại thu hồi đất cả sang những vùng không nhiễm… Tuy nhiên, bà Tâm cho rằng trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người phụ trách vấn đề này của tỉnh…
Nhật Quang - Hoài Tâm