Bộ Nông nghiệp cảnh báo thị trường tín chỉ carbon đang “rất phức tạp”
Cảnh báo về thị trường mua bán tín chỉ carbon
Tại Hội nghị Triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL diễn ra ngày 7/11 tại tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, đây là đề án đầu tiên trên thế giới có quy mô lên tới 1 triệu ha lúa chất lượng cao và Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Do vậy, đề án này được các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán đặc biệt quan tâm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, các tổ chức quốc tế khuyến nghị quy mô sản xuất liên kết từ 1.000- 2.000ha sẽ giúp giảm chi phí trong thu gom phát thải. Thực tế tại Việt Nam, qua thí điểm tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và cho thấy hiệu quả rõ rệt khi giảm từ 20-30% chi phí sản xuất, năng suất tăng từ 10-15%, hệ số giảm phát thải trung bình từ 5-6 tấn CO2/ha.
“Khi mới triển khai mô hình chưa thu hút các hộ dân, nhưng qua kết quả đạt được số hộ xin tham gia nhiều hơn. Nông dân bắt đầu tin tưởng, tham gia vào sản xuất chuỗi liên kết”, ông Nam cho hay.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cảnh báo “Các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đang tràn vào để mua tín chỉ vì châu Âu có quy định phải có tín chỉ này từ năm sau. Thị trường bán tín chỉ carbon đang hết sức phức tạp, các địa phương cần cân nhắc. Dự kiến đến cuối năm 2025 Việt Nam mới triển khai cấp tín chỉ carbon trên khoảng 20.000ha lúa”.
Để sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp cần tuân thủ một loạt nguyên tắc, thay đổi thói quen canh tác của người nông dân. Chẳng hạn như công tác thuỷ lợi, các hộ sản xuất phải tuân thủ chặt chẽ thời gian rút nước khỏi đồng ruộng.
Một trong những thói quen khác của người nông dân là đốt rơm rạ sau thu hoạch, hoặc dúi xuống bùn. Thói quen này sẽ tạo ra khí nhà kính, không có lợi cho môi trường. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho hay, đã có doanh nghiệp đề nghị được mua rơm rạ và các loại phụ phẩm nông nghiệp với số lượng lớn. Thậm chí, có doanh nghiệp còn muốn chế biến vỏ trấu để làm chất ma sát cho lốp xe ô tô.
Với việc đáp ứng các tiêu chí cụ thể, nông dân sẽ có được chứng nhận về tín chỉ carbon. Sau này, đây sẽ được xem là một loại sản phẩm hàng hoá để mua bán.
Nguyên tắc chung của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là nông dân, HTX và doanh nghiệp cùng tham gia chuỗi liên kết. Tuy nhiên, “phải là liên kết sản xuất chứ không chỉ liên kết đầu ra. Nếu chỉ liên kết đầu ra thì đó mới là hợp đồng mua bán”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Không giới hạn nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định đây là đề án “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”.
“Chúng ta phải tổ chức lại và muốn đi xa phải đi cùng nhau, dựa vào nhau. Các đơn vị cần gắn kết chặt chẽ, chung thuỷ. Nếu chỉ nhìn vào lợi ích cá nhân thì đề án sẽ không thành công", Phó Thống đốc nói.
Ông Đào Minh Tú cho hay, khi đã tham gia các chương trình liên kết, khách hàng được vay theo hạn mức phù hợp với quy mô sản xuất. Thời gian vay phù hợp theo chu kỳ sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp đầu tư trung dài hạn sẽ được tiếp cận vốn dài hạn. Nếu doanh nghiệp muốn vay 1.000 tỷ vốn trung dài hạn, nhiều ngân hàng có thể cùng tham gia cho vay.
Bên cạnh lãi suất vay ưu đãi thấp hơn, tối thiểu 1%/năm, khách hàng không cần phải thế chấp. Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay với mức tín dụng cam kết không giới hạn, điều kiện là khách hàng phải mở tài khoản tại Agribank để ngân hàng quản lý dòng tiền.
"Khi tham gia chuỗi này, cho vay và đi vay có thể không phải sử dụng tài sản đảm bảo để thế chấp vì ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền. Đây là điều kiện rất quan trọng. Quan trọng hơn, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân hiểu rõ là tham gia chuỗi liên kết được hưởng lợi thế nào, các ngân hàng ưu đãi ra sao", ông Đào Minh Tú thông tin.
Khẳng định lại về gói tín dụng “không giới hạn” cho đề án, Phó Thống đốc khẳng định nếu ngân hàng thương mại không cân đối được nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng nguồn tái cấp vốn cho ngân hàng.
Thông tin liên quan: Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng. Khoản chi trả này đã được chuyển cho Việt Nam do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon cho giai đoạn từ ngày 1/2/2018-31/12/2019. Đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từng có từ Quỹ FCPF cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh và chất lượng cao. Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng, được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi được xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia. |