Bộ Y tế hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh Whitmore “vi khuẩn ăn thịt người”
Theo ghi nhận tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai (Hà Nội) từ đầu năm 2019 có tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này mặc dù, trước đây 5-10 năm mới có 20 ca mắc Whitmore.
Chỉ riêng trong tháng 8 tại đây đã ghi nhận 12 ca Whitmore nặng được chuyển đến, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Tại Nghệ An, các bác sĩ cũng phát hiện và điều trị cho 3 ca mắc bệnh này. Mới đây nhất, tại Thái Nguyên cũng phát hiện bệnh nhân bị mắc bệnh Whitmore.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitm.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh Melioidosis (Whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei.
Bệnh Melioidosis chuẩn đoán dựa vào các yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với đất, nước, bụi, các dấu hiệu lâm sàng và có kết quả định danh vi khuẩn B. pseudomallei từ các mẫu bệnh phẩm.
Điều trị căn nguyên gây bệnh Melioidosis bằng sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei. Kèm theo đó là điều trị các triệu chứng và các biến chứng kèm theo và chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe người bệnh. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Melioidosis.
Trước tình hình đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra những khuyến cáo để người dân chủ động phòng, chống bệnh này.
- Người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.
PV