(Suckhoemoitruong.com.vn) - Nhiễm khuẩn hô hấp cấp (NKHHC) ở trẻ em 0-5 tuổi chủ yếu do S.pneumoniae, H.inflienzae gây ra, có tỷ lệ tử vong cao vì viêm phổi.
Việc quan trọng ban đầu liên quan đến hiệu quả điều trị là bà mẹ cần biết quan sát, đánh giá trẻ ở độ nặng nào để có quyết định giữ trẻ ở nhà hay nhất thiết phải đưa trẻ đến bệnh viện.
Bà mẹ cần biết quan sát, đánh giá?
Không cần quá nhiều dụng cụ nhưng nếu có cách quan sát chuẩn mực, thành thạo, thì vẫn có thể có hướng nghi ngờ, nhận biết, đánh giá tình trạng bệnh.
Đo thân nhiệt: Cách làm: cầm vào thân nhiệt kế (cho đáy nằm ở dưới, đầu ở phía trên); vẩy cho thủy ngân tụt xuống đáy; đưa phần đáy nhiệt kế vào nách, cho trẻ cặp chừng 3-5 phút, rồi lấy nhiệt kế ra. Lúc này, thủy ngân đã dâng lên trong mao quản. Để mắt ngang với vạch ở mao quản (không nhìn ngước lên hay cúi xuống). Đọc nhiệt độ ở ngang với vạch thủy ngân ở mao quản. Đánh giá: Thân nhiệt dưới 38oC: sốt nhẹ. Thân nhiệt 38-39oC: sốt rất cao. Thân nhiệt >39oC sốt rất cao. Thân nhiệt sốt từ thấp đến cao: sốt tăng dần. Thân nhiệt cao ngay: sốt cao đột ngột.
Nghe, đếm mạch: Cách làm: Để cổ tay trẻ nằm ngửa trên một xếp vải mềm, ở tư thế nằm ngang, phẳng. Dùng ngón tay chỉ và trỏ đặt lên động mạch tay. Sẽ nghe mạch đập dội vào ngón tay. Đếm số lần mạch đập trong một phút. Đánh giá: Mạch dễ bắt, dễ đếm, chứng tỏ bệnh ở mức nhẹ. Mạch nhỏ nhưng còn bắt và đếm được chứng tỏ bệnh nặng. Mạch nhỏ, không bắt được chứng tỏ bệnh rất nặng.
Xem, đếm nhịp thở: Cách làm: Đưa một ngón tay ngang qua phần lỗ mũi của trẻ. Mỗi lần trẻ thở thì hơi quạt vào ở ngón tay, qua đó có thể nhận được trẻ thở nhanh hay chậm nhưng khó đếm chính xác. Xem cánh mũi: Nếu thở bình thường thì cánh mũi không phập phồng, nếu thở nhanh thì cánh mũi phâp phồng. Xem lồng ngực: Cho trẻ nằm ngửa. Mở áo ra, xem lồng ngực và cơ hoành. Mỗi lần thở là lồng ngực và cơ hoành nâng lên hạ xuống. Đánh giá: Đếm số lần lồng ngực cơ hoành nâng lên hạ xuống trong một phút sẽ biết trẻ thở nhanh hay chậm. Từ số lần thở đó mà biết bệnh nặng hay nhẹ.
Xem sự co rút lồng ngực: Khi trẻ thở khó khăn thì có biểu hiện co rút lồng ngực. Nhìn xem lồng ngực có co rút hay không, co rút nhiều hay ít sẽ biết trẻ khó thở như thế nào, từ đó biết được bệnh nặng hay nhẹ.
Tất cả các việc trên dễ làm nhưng ít được chú ý, bà mẹ nào cũng có thể học và làm được.
NKHHC phân ra 4 trường hợp. Bà mẹ cần biết quan sát nhịp thở và sự co rút lồng ngực trẻ để nhận định trẻ đang ở vào mức nhẹ, trung bình (có thể điều trị tại nhà hay ở trạm y tế xã) hay mức nặng, rất nặng (nhất thiết phải điều trị ở bệnh viện). Riêng NHHHC ở trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi, các biểu hiện rất khó nhận biết, diễn biến thất thường, khó lường, dù nặng hay nhẹ cũng phải cho nhập viện.
Điều trị trẻ NKHHC mức nhẹ, trung bình
Mức nhẹ: Không có viêm phổi. Biểu hiện: Ho nhưng không thở nhanh (dưới 1 tuổi: 50 lần/phút, 1-5 tuổi: 40 lần/phút), lồng ngực không co rút. Không nhất thiết phải dùng kháng sinh.
Mức trung bình: Có viêm phổi nhưng không nặng, có ho, nhịp thở nhanh, lồng ngực không co rút.
Cả hai trường hợp này có thể điều trị tại nhà hay trạm y tế xã với thuốc uống (nếu cần có thể tiêm tại trạm y tế). Thường dùng các kháng sinh thông thường như:
Amoxicyclin: Còn hiệu quả tốt với S.pneumoniae. Hấp thu qua đường ruột, có tính vững bền. Khi không đỡ (nghi ngờ bị kháng thuốc) thì dùng amoxicyclin + acid clavulanic (bd: augmentin). Dùng dạng uống.
Penicillin tiêm: Có hiệu quả tốt với S.pneumoniae. Tiêm tại trạm y tế, không tiêm tại nhà. Thường tiêm penicilin-procain, mỗi ngày chỉ tiêm một lần.
Ampicillin: Có tính kháng khuẩn rộng hơn amoxicyclin nhưng hấp thu qua ruột kém, ít bền vững. Phải dùng liều cao nhiều lần trong ngày. Bị S.pneumoniae kháng 41% (1999). Dùng uống không cho kết quả chắc chắn.
Hai thuốc penicilin V, cotrimoxazol: Trước đây có nhưng nay không còn dùng nữa vì penicilin V khi uống không tạo ra đủ nồng độ trong máu, vì cotrimoxazol bị vi khuẩn kháng ở mức cao 62% (1999).
Điều trị trẻ NKHHC nặng, rất nặng
Mức nặng: Ho. Khó thở. Có co rút lồng ngực, nhưng người chưa tím tái, vẫn còn uống được.
Mức rất nặng: Biểu hiện như trường hợp NKHHC nặng nhưng có co rút lồng ngực thường xuyên.
Cả hai trường hợp này không được giữ trẻ tại nhà hay tại trạm y tế xã mà nhất thiết phải đưa trẻ đến bệnh viện.
Trong hai trường hợp này thầy thuốc có thể cho dùng chloramphenicol tiêm bắp hoặc dùng benzylpenicilin tiêm bắp hay tĩnh mạch, kết hợp với gentamycin tiêm bắp hay tĩnh mạch. Khi các thuốc này không đáp ứng thầy thuốc có thể cho dùng flouroquinolon. Đây là những thuốc mạnh cần phải dùng để cứu sống trẻ nhưng cũng có một số tác hại. Vì thế, thầy thuốc cho dùng với liều vừa đủ có hiệu lực, khi bệnh lui, sẽ chuyển ngay sang dùng thuốc uống cho đỡ hại.
Nguồn Sức Khỏe Đời Sống